“Nối” Con đường gốm sứ ra Trường Sa

Thứ Ba, 17/01/2012 10:06 GMT+7

Google News

(TT&VH) - LTS: Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy- tác giả dự án Con đường gốm sứ vừa được Bộ Tư lệnh Hải quân mời ra với Trường Sa (từ 25/12/2011 đến 5/1/2012) để tiếp tục các ý tưởng nối dài Con đường gốm sứ ở Trường Sa. Chuyến đi đã truyền thêm cho chị nhiều cảm hứng sáng tạo và những ý tưởng mới.

TT&VH giới thiệu bài viết của chị về chuyến đi đặc biệt này.

Ra Trường Sa mùa biển động

Trước chuyến đi, Chuẩn Đô đốc Đinh Gia Thật dặn dò chúng tôi: “Nhổ neo vào mùa biển động này là các bạn phải xác định lên đường với tinh thần của người lính, phải dám đối mặt với những khắc nghiệt và bất trắc của biển cả! Ai đủ dũng cảm mới có thể lên tàu!”.

Với sự điều khiển của thuyền trưởng Lê Quang Ký, sau ba ngày ba đêm vật lộn cùng sóng gió mùa biển, tàu Trường Sa 01 thuộc lữ đoàn 125  hải quân đưa chúng tôi cập cảng đảo Trường Sa. Bao nhiêu mệt mỏi vì say sóng như tan biến khi tôi bước chân lên đảo gặp những ánh mắt nụ cười, những cái bắt tay thật chặt. Màu áo hải quân trắng tinh khôi với dải mũ xanh tung bay trong gió, thật đẹp và lãng mạn. Ước mơ bấy lâu được đến Trường Sa khiến tôi thấy lâng lâng tự hào.

Họa sỹ Thu Thủy tặng bức chân dung Bác Hồ với Hải quân
bằng gốm cho đảo Trường Sa

Tôi chuẩn bị riêng một món quà đặc biệt mà tôi tâm huyết từ lâu, đó là chân dung Bác Hồ đội mũ hải quân gắn gốm. Suốt hơn một tháng trước khi đi Trường Sa, tôi đã cùng hai họa sĩ Hồng Tân và Doãn Sơn miệt mài gắn từng mảnh gốm nhỏ xíu để tạo nên chân dung Bác Hồ mang tinh thần hải quân nhất với nụ cười thật tươi và ấm áp của Bác.

Với sự giúp đỡ của nhà báo Bích Ngọc báo Thiếu niên Tiền phong, tôi mang ra đảo Trường Sa trong dịp Tết này hơn 30 lá thư của các em học sinh trường THCS Lê Ngọc Hân, Hà Nội, gửi ra hỏi thăm “các chú hải quân”. Các chiến sĩ trẻ bồi hồi đọc thư của các em học sinh từ Thủ đô ngay dưới cột mốc chủ quyền trên đảo. Bất cứ ai khi đến thăm Trường Sa đều đến cột mốc chủ quyền để chụp ảnh kỷ niệm như muốn lưu giữ mãi niềm tự hào.

Một ngày mới bắt đầu trên đảo Trường Sa sớm hơn cả nước. Tia nắng bình minh lấp lóa bờ cát trắng, những con sóng bạc đầu nối tiếp nhau xô bờ làm lộ ra những vỏ ốc trinh nữ tím biếc, thấp thoáng cả những mảnh san hô trắng, đỏ lấp lánh. Những ngày nắng đẹp biển xung quanh đảo ánh lên màu xanh ngọc bích trông thật thơ mộng. Một sức mạnh ngầm ấp ủ trong lòng đảo truyền lên màu xanh mỡ màng của các cây tra giữa đảo, cây bão tố viền quanh mép đảo, lên dáng hình vạm vỡ của các cây phong ba, lên những quả bàng vuông căng mọng. Quả bàng vuông xanh óng với bốn cạnh khỏe khoắn của khối lập phương như chiếc đèn lồng treo ngược đã trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp thiên nhiên của đảo Trường Sa. Hoa bàng vuông trắng muốt bung nở ra chùm nhụy tăm dài với đầu phớt tím. Tất cả thật đẹp và lãng mạn! Hít thật căng lồng ngực, tôi cảm nhận được vị tinh khiết pha chút mặn nồng của biển Đông.

Sẽ làm lá cờ gắn gốm ở Trường Sa


Tác giả chụp ảnh với các chiến sỹ và học sinh tại đảo Trường Sa

Tôi vinh dự được Bộ Tư lệnh Hải quân tạo điều kiện đến với Trường Sa để thực hiện các ý tưởng nghệ thuật tiếp nối Con đường gốm sứ ở Thủ đô. Đó là ý tưởng làm một lá cờ gắn gốm cỡ lớn trên bề mặt đảo để từ trên không trung (từ Google Earth hay máy bay) mọi người đều có thể nhìn thấy quốc kỳ Việt Nam gắn gốm trên đảo Trường Sa. Bên cạnh đó sẽ có hai bức tranh gốm: một bức sẽ thể hiện lịch sử lâu đời của dân tộc Việt Nam gắn bó với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thể hiện nét đẹp văn hóa của ba miền Bắc - Trung - Nam; một bức sẽ ca ngợi vẻ đẹp hiên ngang của người chiến sĩ hải quân nơi đầu sóng ngọn gió canh giữ sự bình yên cho Tổ quốc.

Sau khi nghe tôi trình bày ý tưởng, Thượng tá Đinh Văn Hải, đảo trưởng đảo Trường Sa đã phát biểu: “Tôi ủng hộ dự án này! Đây là ý tưởng mới, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc thông qua nghệ thuật. Dự án phát huy chất liệu gốm sứ truyền thống lâu đời của cha ông có tính bền vững và trường tồn với thời gian”.

Tôi đã rất vui khi ý tưởng của mình được lãnh đạo Bộ Quốc Phòng và Bộ Tư lệnh Hải quân đánh giá cao và đồng ý cho triển khai thực hiện.

Chuyến đi khảo sát vị trí làm lá cờ và hai bức tranh gốm tại đảo Trường Sa đã truyền thêm cho tôi rất nhiều cảm hứng sáng tạo và những ý tưởng mới. Tôi và bạn đồng nghiệp ở Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội đã đến thăm trường học trên đảo. Cô giáo Bùi Thị Nhung giới thiệu chúng tôi với các em học sinh: “Cả trường chỉ có 8 học sinh từ lớp một đến lớp năm: lớp một 2 em, lớp hai 2 em, lớp ba 2 em, lớp năm 2 em. Lên cấp hai, các em sẽ vào đất liền học”.

Các em học chung trong một phòng học với bốn bộ bàn ghế quay ra bốn bảng đen trên bốn bức tường. Ngoài sân có đầy đủ đu quay, bập bênh để các em chơi vào giờ giải lao.

Cô Nhung dạy các em môn chính, ngoài ra có một thầy giáo dạy mỹ thuật. Chúng tôi tặng sách vở, màu vẽ và tổ chức một buổi vẽ tranh cho các em với ý định khi mùa Hè ra làm tranh gốm ở đảo sẽ tranh thủ chuyển thể các bức vẽ của các em thành tranh gốm trang trí trường học.

Những đôi mắt thơ ngây trong sáng ánh lên niềm vui khi tham gia vào sự kiện của chúng tôi. Hai em trai vẽ đảo xanh lá cây, biển xanh dương và thế nào cũng phải có tàu thủy với các chú hải quân đang bồng súng. Các em gái vẽ ngôi trường trên đảo với các bạn đang nô đùa. Nét vẽ thơ ngây hồn nhiên của các em khiến chúng tôi thích thú và nghĩ tới lúc khi các em lớn lên sẽ đến thăm lại trường và ngắm nhìn những bức vẽ thời thơ bé được lưu lại mãi mãi bằng gốm sứ trên đảo Trường Sa.

Một chuyến đi quá nhiều cảm xúc và kỷ niệm. Bạn Nguyễn Huy Cường, người đi cùng tôi đã không kìm được cảm xúc và sáng tác hơn 20 bài thơ trong chuyến đi 11 ngày đến Trường Sa. Trong đó tôi nhớ mãi: “Xin hãy yên lòng Tổ quốc ơi/ Có những người con tuyệt vời gác biển/ Luôn sẵn sàng hiến dâng khí tiết/ Vì Việt Nam đất mẹ thân yêu./ Ra Trường Sa mùa biển gầm gào/ Tôi thêm hiểu thêm yêu đất nước / Thêm tin những người lính bất khuất / Sống chết cho Tổ quốc sinh tồn…”.

Nguyễn Thu Thủy

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›