Phải theo dõi chặt chẽ hơn sau tiêm phối hợp hai loại vaccine Covid-19

Thứ Tư, 14/07/2021 16:24 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng ban điều hành Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia bày tỏ quan điểm khi tiêm phối hợp hai loại vaccine.

Hướng dẫn người dân đăng ký online tiêm phòng vaccine Covid-19

Hướng dẫn người dân đăng ký online tiêm phòng vaccine Covid-19

Chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19, Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử, đã được chính thức phát động ngày 10/7 và kéo dài từ tháng 7/2021- tháng 4/2022.

Cụ thể, trước khoăn của dư luận đối với hướng dẫn của Bộ Y tế về việc phối hợp hai loại vaccine AstraZeneca và Pfizer trong tiêm phòng COVIVID-19, trong khi Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo không tiêm phối hợp hai loại vaccine khác nhau khi chưa có đủ dữ liệu khoa học chứng minh hiệu quả, ngày 14/7, Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng ban điều hành Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia nhấn mạnh: “Những trường hợp tiêm chủng như vậy phải được theo dõi sức khỏe chặt chẽ hơn sau khi tiêm chủng”.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Đức Anh, trên cơ sở các vaccine COVID-19 đã được Tổ chức Y tế Thế giới thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 một số loại vaccine COVID-19 của các hãng AstraZeneca, Sputnik V, Pfizer, Moderna, Sinopharm.

Chú thích ảnh
Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương Đặng Đức Anh phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Hà Nam về công tác quản lý nhập cảnh, cách ly và giám sát y tế với chuyên gia nhập cảnh vào Việt Nam làm việc. Ảnh: Nguyễn Chinh - TTXVN

“Hiện nay, hướng dẫn của các nhà sản xuất vaccine đều khuyến cáo sử dụng cùng một loại vaccine phòng COVID-19 để tiêm đủ liều cho một đối tượng”, Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Đức Anh thông tin.

Tuy nhiên, ông cũng cho biết, trên thực tế, trong bối cảnh nguồn cung vaccine phòng COVID-19 rất hạn chế, việc tiếp cận nguồn cung để có đủ vaccine tiêm mũi 2 ngay khi đến lịch tiêm cho các đối tượng đã được tiêm mũi 1 của cùng 1 loại vaccine là rất khó khăn.

“Vì vậy, một số quốc gia đã xem xét và triển khai tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca và tiêm mũi 2 bằng vaccine của Pfizer. Theo ghi nhận nhanh tại các quốc gia này, việc triển khai tiêm chủng 2 mũi vaccine khác loại như trên cho cùng một đối tượng vẫn có hiệu lực bảo vệ phòng COVID-19. Tuy nhiên, khi tiêm hai loại vaccine AstraZeneca và Pfizer có ghi nhận gia tăng một số phản ứng thông thường sau tiêm chủng”.

Tại Việt Nam, cho đến ngày 14/7/2021, tổng số mũi tiêm đã thực hiện là hơn 4 triệu, trong đó số người được tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca là trên 3,7 triệu người, số người được tiêm đủ 2 mũi vaccine AstraZeneca là hơn 280 nghìn người.

Trong thời gian tới đây, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phân bổ các loại vaccine phòng COVID-19 của AztraZenneca, Pfizer, Morderna, Sinopharm… để tổ chức tiêm chủng theo chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19, hướng tới mục tiêu đạt được độ bao phủ vaccine cho hơn 70% người dân.

Chú thích ảnh
Vaccine phòng COVID-19 do Công ty AstraZeneca phát triển. Ảnh: PAP/TTXVN

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và của các nhà sản xuất thì tốt nhất là mỗi người cần tiêm đủ liều của cùng 1 loại vaccine phòng COVID-19.

Tuy nhiên, căn cứ số lượng vaccine được cung ứng, Bộ Y tế đã có hướng dẫn cho các địa phương như sau: “trường hợp số lượng vaccine hạn chế thì ưu tiên sử dụng vaccine của Pfizer để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi thứ nhất bằng vaccine AstraZeneca từ 8-12 tuần nếu người được tiêm chủng đồng ý”. Những trường hợp tiêm chủng như vậy phải được theo dõi sức khỏe chặt chẽ hơn sau khi tiêm chủng.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã ký ban hành Quyết định số 3398/QĐ-BYT về việc phân bổ đợt 8, số lượng 746.460 liều vaccine Pfizer cho các tỉnh, thành phố và bệnh viện trên cả nước.

Đây là số vaccine Pfizer sẽ về 4 đợt trong tháng 7, trong đó đợt đầu tiên đã về Việt Nam vào ngày 7/7 vừa qua với 97.110 liều.

Theo quyết định phân bổ, Thành phố Hồ Chí Minh nhiều nhất với gần 54.990 liều Pfizer, sau đó là Hà Nội 38.610 liều, Đồng Nai và Bình Dương, mỗi tỉnh 25.740 liều, lực lượng quân đội 35.100 liều, lực lượng công an 43.290 liều.

Các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Nghệ An, Thanh Hóa, Đồng Tháp, Kiên Giang, mỗi tỉnh sẽ nhận được 7.020 liều Pfizer; đa số các tỉnh, thành phố còn lại sẽ nhận được 5.850 liều Pfizer…

Ngoài ra, còn có 21 bệnh viện, viện, trường đại học được phân bổ vaccine Pfizer. Trong đó, nhiều nhất là Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Phổi Trung ương, mỗi đơn vị 15.210 liều, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi đơn vị 14.040 liều, Bệnh viện E 12.870 liều, Bệnh viện Thống Nhất 11.700 liều…

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương được Bộ Y tế giao tiếp nhận, bảo quản và vận chuyển vaccine Pfizer tới các đơn vị được phân bổ.

Vaccine này sau khi xuất kho lạnh, bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ và phải sử dụng trong vòng 31 ngày.

Bộ Y tế lưu ý trong đợt phân bổ lần này, trường hợp số lượng vaccine hạn chế thì ưu tiên sử dụng vaccine Pfizer để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca từ 8-12 tuần nếu người được tiêm chủng đồng ý và tiêm mũi thứ 1 cho người chưa được tiêm.

TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›