Qua khai quật đã phát hiện mới về các lò gốm cũng như nhiều hiện vật quí có niên đại từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 15.
Tại hố thám sát 1, được khai quật trên diện tích gần 100 m2, với chiều sâu từ 0,5-1m đã lộ diện 1 lò nung gốm tương đối còn nguyên vẹn và thu được gần 1.000 hiện vật chủ yếu là bát, đĩa, bình, vò… của người Chàm đương thời cùng các vật liệu kiến trúc là ngói tráng men và không tráng men; trong đó, có những viên ngói móc có chiều ngang dài 30 cm và dày 1 cm, giống loại ngói lòng máng đã được khai quật ở kinh thành Lam kinh Thanh Hóa.
Tại hố thám sát 2, khai quật trên 50 m2, với độ sâu từ 0,3 - 1,5 mét, phát hiện các phế tích của các lò gốm đã bị hư hỏng và chồng chất nhiều lớp.
Tiến sĩ Đinh Bá Hòa, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Định cho biết: "Qua khai quật khảo cổ di chỉ lò gốm gò Chàm tại thôn Trường Cửu cho thấy các hiện vật thu được có những nét đặc trưng riêng là không trang trí hoa văn nhiều, nhưng kỹ thuật và trình độ tráng men với các loại màu như men da lươn, men nâu, men đen và đặc biệt là men ngọc không kém màu sắc của các loại men Trung Quốc đương thời".
Tiến sĩ Đinh Bá Hòa khuyến cáo các nhà quản lý và chính quyền các địa phương cần có biện pháp quản lý, bảo vệ di chỉ này để tiếp tục phục vụ cho công tác nghiên cứu và bảo tồn tiếp theo.
Các di chỉ lò gốm Chàm trên địa bàn tỉnh Bình Định đã được phát hiện vào năm 1990. Từ đó đến nay, các ngành chức năng tỉnh Bình Định đã phối hợp với các nhà khoa học khảo cổ trong và ngoài nước tiến hành thành công 3 đợt khai quật: đợt 1, phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản khai quật di chỉ gò sành xã Nhơn Hòa (An Nhơn); đợt 2, phối hợp với chuyên gia Hoàng gia Bỉ khai quật di chỉ gò Hời (Tây Bình, Tây Sơn) và đợt 3, khai quật gò Chàm (Nhơn Lộc - An Nhơn).