Đó là một trong những nội dung của Nghị định 105/2009 của Chính phủ ban hành ngày 11/11, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2010, quy định cụ thể về các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai., hình thức, mức xử phạt; thẩm quyền, thủ tục xử phạt và thi hành quyết định xử phạt.
Theo đó, có 2 hình thức xử phạt chính là cảnh cáo và phạt tiền. Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả.
Các mức xử phạt dựa trên mức độ hậu quả của hành vi vi phạm hành chính, được xác định theo nguyên tắc quy đổi giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất bị vi phạm thành tiền theo giá đất tại thời điểm xử phạt do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có đất đó quy định và chia thành 4 mức.
|
Đặc biệt, các hành vi lấn, chiếm đất; hủy hoại đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất nhưng không đủ điều kiện nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai có thể bị phạt tới mức cao nhất là 500 triệu đồng. (quy định hiện hành tối đa là 30 triệu đồng).
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động dịch vụ đất đai như: hành nghề tư vấn về giá đất mà không thực hiện đúng nguyên tắc, phương pháp xác định giá đất theo quy định của pháp luật hoặc không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép hay hành vi hành nghề tư vấn về lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mà không đăng ký hoạt động hành nghề. Các hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 1 - 20 triệu đồng.
Chủ tịch UBND các cấp và thanh tra chuyên ngành về đất đai có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt. Quá thời hạn trên, nếu không tự nguyện chấp hành thì bị cưỡng chế thi hành.