(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 20/9, Phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm và các đồng phạm trong vụ án sai phạm xảy ra tại OceanBank bước vào ngày làm việc thứ 17.
- Đại án OceanBank: Hà Văn Thắm xin nhận tội thay cho cấp dưới
- Xét xử 'đại án Oceanbank': Hứa Thị Phấn bị Hà Văn Thắm ép cho mượn tài sản cầm cố?
- Vụ Hà Văn Thắm: Có hay không vai trò đồng phạm của cấp dưới trong thực hiện chi lãi ngoài?
Các bị cáo tiếp tục thực hiện quyền bào chữa của mình tại phiên tòa thông qua việc phân tích nhiều nội dung, luận điểm nhằm giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng trong hành vi vi phạm của mình.
* Bị cáo Nguyễn Văn Hoàn phủ nhận cả hai tội danh
Trong phần tự bào chữa, bị cáo Nguyễn Văn Hoàn (nguyên Phó Tổng Giám đốc OceanBank) đã phủ nhận cả hai tội danh mà bị cáo đã bị Viện Kiểm sát truy tố.
Trong bản luận tội của Viện Kiểm sát, với cương vị là Phó Tổng Giám đốc phụ trách tín dụng, bị cáo Nguyễn Văn Hoàn đã giúp sức tích cực trong việc triển khai thực hiện thu phí khách hàng thông qua Công ty BSC theo sự chỉ đạo của Hà Văn Thắm, trực tiếp ký hợp đồng tín dụng cho Công ty Trung Dung vay 500 tỷ đồng không đủ các điều kiện theo quy định, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho OceanBank và các khách hàng. Tuy nhiên, quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo cũng đã thành khẩn khai báo, thực hiện hành vi phạm tội theo sự chỉ đạo của Hà Văn Thắm, không có hưởng lợi nên cũng cần xem xét, giảm nhẹ cho bị cáo một phần hình phạt.
Trước tòa, bị cáo Nguyễn Văn Hoàn cho rằng, cáo trạng quy kết bị cáo cho vay khi tài sản chưa đủ bảo đảm là không có căn cứ vì theo Quy chế cho vay của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng phải tự hoàn thiện tài sản bảo đảm. Trong phần vốn góp được ký thế chấp của Công ty Trung Dung, không chỉ có phần vốn góp mà còn có quyền tài sản. Bị cáo xin được giám định tư pháp đối với toàn bộ số tài sản bảo đảm.
Bị cáo Nguyễn Văn Hoàn cũng cho rằng, theo điều 11 và 24 trong Quy chế cho vay của Ngân hàng Nhà nước, khách hàng đi vay phải chịu trách nhiệm về tính xác thực của hồ sơ tín dụng. Tuy nhiên, quá trình tố tụng đã không làm rõ vấn đề ai đã chỉ đạo những nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh làm giả hồ sơ vay vốn của OceanBank. Bị cáo không hề nắm được điều này cho đến khi diễn ra phiên tòa. Bị cáo cho rằng, Công ty Trung Dung đã lừa OceanBank nhằm chiếm đoạt tài sản.
Về việc sử dụng tiền vay, thời điểm 21/3/2014, bị cáo Nguyễn Văn Hoàn đã trực tiếp làm việc với Thanh tra của Ngân hàng Nhà nước về một số khoản vay ghi trong kết luận thanh tra, tại đó chỉ ghi khoản vay này có dấu hiệu làm giả hồ sơ. Đó là về phía khách hàng chứ không phải phía OceanBank. Bị cáo Nguyễn Văn Hoàn xin Hội đồng xét xử làm rõ trách nhiệm ai là người đã không phong tỏa tài khoản của Công ty Trung Dung tại Ngân hàng Đại Tín, ai là người đứng ra hạch toán việc chuyển tiền?...
Trước đó, trong phần bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Hoàn, luật sư Lê Văn Cường cho rằng, số tiền 250 tỷ đồng vốn của Công ty Trung Dung được mang ra làm tài sản đảm bảo để vay 500 tỷ đồng tại OceanBank là có thật và có tính pháp lý. Ngoài ra, các tài sản đảm bảo là giá trị cổ phần của các cá nhân và các hợp đồng góp vốn đầu tư xây dựng bất động sản tại một số lô đất là hoàn toàn có cơ sở; chưa kể đến việc giá trị các cổ phần này chưa được xác định giá trị cổ tức tăng thêm. Do đó, việc loại ra và không xác định giá trị cổ phần và tiền mặt tăng thêm này đã ảnh hưởng lớn tới việc xác định giá trị tài sản đảm bảo đối với khoản vay 500 tỷ đồng.
Luật sư Lê Văn Cường cho rằng, việc OceanBank cho Công ty Trung Dung vay là hoàn toàn có cơ sở và phù hợp với quy định của pháp luật. Điều này đồng nghĩa với việc hành vi của bị cáo Nguyễn Văn Hoàn không đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Văn Hoàn cũng cho rằng, bị cáo không phải là người quyết định mức phí phải thu áp dụng cho khách hàng khi “vay” qua Công ty BSC, mà là do Hà Văn Thắm quyết định. Nguyễn Văn Hoàn khai không hề nhận được bất kỳ một khoản vật chất nào liên quan đến khoản tiền Công ty BSC thu được từ khách hàng. Số tiền Công ty BSC thu được, bị cáo Hoàn không biết được dùng vào việc gì. Vì vậy, bị cáo Hoàn cho rằng mình không hề có bất kỳ hành vi vụ lợi nào trong việc thông báo lại chủ trương thu phí do Hà Văn Thắm quyết định.
* Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn: “Bị cáo vô tình làm sai”
Tự bào chữa cho mình, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn đã cảm ơn Hội đồng xét xử đã điều khiển phiên tòa công khai, dân chủ, tạo điều kiện cho luật sư được trình bày quan điểm và tin tưởng chắc chắn các bị cáo sẽ được nhận những mức án thấu tình đạt lý, đúng người, đúng tội, đúng hành vi.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn cho rằng, việc tự bào chữa cho mình không nằm ngoài mục đích gửi đến Hội đồng xét xử lời kêu cứu, thỉnh cầu Hội đồng xét xử minh oan cho bị cáo rằng bị cáo không thể và không hề phạm tội tham ô, chiếm đoạt tài sản của Hà Văn Thắm cũng như của OceanBank.
Thừa nhận những hành vi vi phạm của mình trong vụ án tại hai giai đoạn: Từ năm 2009 - 2010 là Tổng Giám đốc OceanBank đã chi tiền của Hà Văn Thắm để chăm sóc khách hàng và từ năm 2011 đến đầu năm 2014 là Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (PVN) đã chuyển hộ tiền, giúp Hà Văn Thắm chăm sóc khách hàng cho PVN. Tuy nhiên, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn bày tỏ mong mỏi: Hành vi của bị cáo sai phạm đến đâu, mong Viện kiểm sát và Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo.
Nguyễn Xuân Sơn thừa nhận, trong giai đoạn làm Tổng Giám đốc OceanBank, bị cáo đã chi 69 tỷ đồng để chăm sóc khách hàng theo chủ trương của Hà Văn Thắm cho PVN. Tuy nhiên, Nguyễn Xuân Sơn cho rằng bị cáo không chiếm đoạt số tiền này mà đã chuyển toàn bộ cho PVN. Do vậy, Nguyễn Xuân Sơn mong Hội đồng xét xử xem xét lại việc cáo buộc bị cáo đã chiếm đoạt số tiền nói trên.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn phân tích thêm: Bị cáo cũng không phải là người có quyền bắt PVN phải gửi tiền tại OceanBank để hưởng số tiền chi chăm sóc khách hàng. Nguyễn Xuân Sơn cho rằng hành vi của bị cáo chỉ đơn thuần giúp OceanBank có những mối quan hệ khách hàng tốt hơn bằng cách chuyển giúp số tiền chi chăm sóc khách hàng. Mặt khác, Hà Văn Thắm và Nguyễn Minh Thu cũng không bao giờ trao đổi với bị cáo Nguyễn Xuân Sơn về việc chi lãi suất vượt trần, vi phạm Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, Nguyễn Xuân Sơn cho rằng: Bị cáo đã vô tình bị làm sai khi có “công” giúp cho OceanBank giảm bớt chi phí trong quá trình huy động vốn, làm tăng hiệu quả cho OceanBank.
Theo bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, các ngân hàng nhỏ thường phải chi từ 1-3% để chăm sóc khách hàng. Nếu đem nhân tỷ lệ này với số tiền PVN gửi tại OceanBank, số tiền chi chăm sóc khách hàng dành cho PVN phải lên tới trên 1.000 tỷ đồng. Trong khi đó, bị cáo chỉ chi 69 tỷ đồng trong 2 năm, nên “nếu muốn chiếm đoạt, bị cáo sẽ yêu cầu Thắm phải chi nhiều hơn như thế”.
Phân trần trước Hội đồng xét xử, Nguyễn Xuân Sơn cho biết, khi mới chuyển sang OceanBank, Sơn nói với Thắm rằng sẽ hết lòng vì OceanBank, giúp OceanBank phát triển. Vì thế, khi rời khỏi OceanBank, trở lại PVN, bị cáo cũng hết sức băn khoăn, sợ rằng khi mình đi sẽ gây khó khăn cho Hà Văn Thắm, mặc dù lúc này OceanBank đã ăn nên làm ra. Từ những băn khoăn đó, Hà Văn Thắm đã nhờ Nguyễn Xuân Sơn tiếp tục giúp đỡ chăm sóc khách hàng. “Chính sự nhiệt tình của bị cáo đã khiến cho bản thân và PVN bị ảnh hưởng về uy tín của một Tập đoàn Nhà nước lớn”, Nguyễn Xuân Sơn nói.
Trên cơ sở đó, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn mong muốn Hội đồng xét xử và Viện Kiểm sát xác định đúng hành vi, đúng sự thật, đúng tội danh, không quy kết bị cáo tham ô và chiếm đoạt tài sản.
Tại phần tự bào chữa, các bị cáo nguyên là giám đốc khối, chi nhánh, phòng giao dịch và trưởng ban kế toán OceanBank đều đồng tình với quan điểm của các luật sư đã trình bày trong phần tranh tụng tại phiên tòa, nên không trình bày gì thêm. Các bị cáo mong muốn Hội đồng xét xử công minh, thấu tình đạt lý, đúng tội danh, giảm bớt trách nhiệm dân sự trong việc bồi thường đối với các bị cáo.
Hội đồng xét xử tuyên bố kết thúc phần tự bào chữa của các bị cáo. Ngày 21/9, phiên tòa chuyển sang phần bào chữa của luật sư các nguyên đơn dân sự và quan điểm của các tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
TTXVN
Tags