Phiên xử Hà Văn Thắm: Viện Kiểm sát khẳng định đủ căn cứ để kết tội

Thứ Năm, 03/05/2018 20:38 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 3/5, phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (Oceanbank) và đồng phạm xảy ra tại Oceanbank tiếp tục với phần công tố của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Hà Nội và đối đáp của các bị cáo, luật sư bào chữa.

Trước đó, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên bản án sơ thẩm vụ án Hà Văn Thắm cùng các bị cáo liên quan về các tội “Tham ô tài sản,” “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản,” “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến vụ án tại Ngân hàng Ocean Bank.

Chú thích ảnh
Bị cáo Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank tự bào chữa tại phiên tòa. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Đưa quan điểm tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát tiếp tục khẳng định Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng pháp luật để tuyên phạt các bị cáo với bốn tội danh trên trong vụ án tại OceanBank là có căn cứ pháp luật, không oan sai. 

Tại phiên phúc thẩm, các bị cáo đều cho rằng trong hoàn cảnh những năm 2008-2011, bức tranh kinh tế Việt Nam có nhiều khó khăn. Trong hoàn cảnh đó, các ngân hàng nói chung, OceanBank nói riêng đã tìm nhiều cách, nhiều nguồn lực để huy động vốn nên đã áp dụng chính sách chi lãi ngoài. 

Theo đại diện Viện Kiểm sát, trong thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội thì có hai văn bản pháp luật đáng chú ý là Thông tư số 02/2011/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về quy định mức lãi suất huy động vốn tối đa bằng đồng Việt Nam và Chỉ thị 02/2011/CT-NHNN về việc chấn chỉnh việc thực hiện quy định về mức lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam và bằng USD của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo đại diện Viện Kiểm sát, từ những quy định trong hai văn bản pháp luật trên đã có đủ căn cứ quy kết việc chi lãi ngoài là vi phạm nghiêm trọng các quy định về quản lý kinh tế trong các hoạt động tín dụng của ngân hàng. Việc chi lãi ngoài vượt trần lãi suất, thu phí của người vay là vi phạm pháp luật.

Căn cứ việc chi tiền ngoài lãi suất cho thấy việc Viện Kiểm sát truy tố, quy kết tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” là đúng quy định pháp luật. 

Chú thích ảnh
Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Hà Nội Lê Tư Quỳnh, đại diện Viện Kiểm sát, thực hiện quyền công tố tại phiên tòa. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Về tội danh này, tại phiên tòa, một số bị cáo nhận tội, còn một số bị cáo chỉ cho rằng "cảm nhận là có sai nhưng không phạm luật." Viện Kiểm sát cho rằng mặc dù phần lớn các bị cáo là người làm công ăn lương, phải chấp hành chỉ đạo của Tổng Giám đốc, Hội đồng Quản trị ngân hàng, nhưng quy định của pháp luật, quy định về quản lý ngân hàng thì các bị cáo phải nhận thức được đúng và sai.

Trong quá trình điều tra, các bị cáo đều khai đã tiếp cận được nội dung Thông tư 02, Chỉ thị 02 nhưng các bị cáo vẫn thực hiện thủ tục chi ngoài lãi suất trong một thời gian dài, chỉ đến khi bị thanh tra, kiểm tra, bị yêu cầu dừng mới thôi. 

Tại phiên tòa, một số bị cáo cho rằng việc chi lãi suất ngoài sai thì chỉ bị xử lý hành chính, tuy nhiên Viện Kiểm sát nhận định hành vi của các bị cáo đã gây hậu quả nghiêm trọng nên bị khởi tố, điều tra, xét xử theo tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” là đúng căn cứ pháp luật, không oan. 

Theo đại diện Viện Kiểm sát, các bị cáo chia thành các nhóm: Nhóm Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị; nhóm Phó Giám đốc, Giám đốc các Khối tại Hội sở; nhóm Giám đốc các chi nhánh. Việc xử lý hình sự các bị cáo căn cứ vào hậu quả của hành vi, hậu quả lớn hơn thì hình phạt cao hơn, chứ không chỉ nhìn vào vị trí công tác của các bị cáo.

Các cơ quan tố tụng đã phân tích và chỉ đưa ra truy tố, xét xử những người gây hậu quả trên 1 tỷ đồng, còn những người có hành vi vi phạm tương tự nhưng gây hậu quả dưới 1 tỷ đồng thì không đưa ra truy tố xét xử, đây là tính nhân đạo của pháp luật. 

Chú thích ảnh
Bị cáo Hà Văn Thắm (bên phải) và bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (bên trái), nguyên Tổng giám đốc Oceanbank tại phiên tòa. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Trong các bị cáo bị xét xử thì có bốn bị cáo bị xét xử về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” gồm Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Minh Thu (nguyên Tổng Giám đốc OceanBank), Nguyễn Văn Hoàn (nguyên Phó Tổng Giám đốc OceanBank). Theo Viện Kiểm sát, tội danh này xuất phát từ hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước liên quan đến việc chi lãi ngoài. 

Bên cạnh đó, đại diện Viện Kiểm sát đưa quan điểm, truy tố bị cáo Nguyễn Xuân Sơn về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và "Tham ô tài sản" là hoàn toàn chính xác bởi số tiền bị cáo Sơn chiếm đoạt có 20% tài sản của Nhà nước trong số vốn góp của PVN tại ngân hàng OceanBank. Theo đó, Viện Kiểm sát khẳng định bị cáo Nguyễn Xuân Sơn là người đại diện phần vốn góp của PVN tại Ngân hàng OceanBank nên truy tố tội "Tham ô tài sản" là hoàn toàn chính xác. Các bị cáo còn lại đóng vai trò đồng phạm giúp sức. 

Đối đáp về quan điểm của Viện Kiểm sát, luật sư Nguyễn Minh Tâm là người bào chữa riêng cho phần tội "Tham ô tài sản" của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn tiếp tục nhấn mạnh lại các quan điểm, luận cứ của luật sư đã nêu ra tại những phiên trước và đề nghị Viện Kiểm sát, Hội đồng xét xử xem xét.

Theo Luật sư Minh Tâm, để kết tội Nguyễn Xuân Sơn về tội "Tham ô tài sản" thì phải chứng minh được 2 thành tố quan trọng. Đó là: Về chủ thể, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn là người có "chức vụ, quyền hạn, có trách nhiệm quản lý tài sản" ở OceanBank; về khách thể, số tiền 49 tỷ đồng bị quy là chiếm đoạt phải là tiền thuộc sở hữu hợp pháp của Nhà nước. 

Chú thích ảnh
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giám đốc Oceanbank tự bào chữa tại phiên tòa. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Luật sư tiếp tục nêu lại những căn cứ đã từng đưa ra để chứng minh rằng, về mặt pháp lý, Nguyễn Xuân Sơn không phải là chủ thể của tội "Tham ô tài sản" vì bị cáo Sơn không phải là người đại diện phần vốn góp của PVN tại OceanBank theo quy định của pháp luật. Đồng thời, số tiền 49 tỷ đồng bị cáo Sơn bị quy buộc tham ô không phải là tiền của Nhà nước.

Bản án sơ thẩm lấy phép tính đơn giản: Trong số tiền 246 tỷ đồng mà bị cáo Sơn bị quy kết là chiếm đoạt có 20% là tiền của PVN (tức bằng 49 tỷ đồng) nên kết luận cho Nguyễn Xuân Sơn tham ô tài sản Nhà nước 49 tỷ đồng là chưa dựa vào các căn cứ pháp lý. Từ đó, luật sư tiếp tục đề nghị Hội đồng xét xử xem xét kỹ vấn đề này vì "để tuyên hình phạt cao nhất là tử hình thì phải rất thận trọng, cân nhắc từng tài liệu, chứng cứ thật vững chắc, áp dụng pháp luật thật chính xác."

Theo quan điểm của Viện Kiểm sát, về phần dân sự, việc bản án sơ thẩm quy kết thiệt hại 1.576 tỷ đồng trong vụ án là có căn cứ. Về số tiền liên đới bồi thường thiệt hại, Viện Kiểm sát khẳng định đó là hậu quả của vụ án, các bị cáo đều tham gia vào hành vi vi phạm pháp luật, việc buộc phải bồi thường thiệt hại là hoàn toàn có căn cứ. 

Về việc kháng cáo của các tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ án, vị đại diện Viện Kiểm sát khẳng định những người nhận tiền chi lãi ngoài trái pháp luật phải trả lại theo yêu cầu của pháp luật. Cơ quan điều tra đã yêu cầu các tổ chức, cá nhân giải trình về việc chi lãi ngoài, hiện chỉ có 19 khách hàng trả lời nên Oceanbank có quyền khởi kiện dân sự những tổ chức, cá nhân liên quan đến việc nhận tiền chi lãi ngoài. 

Liên quan tới nội dung trong đơn kháng cáo của một số bị cáo đã nhắc tới vai trò chỉ đạo của ông Trần Thanh Quang, nguyên Phó Tổng Giám đốc OceanBank liên quan đến việc chi trả lãi ngoài cho các khách hàng, Viện Kiểm sát cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an (C46) đang thực hiện kiến nghị của Hội đồng xét xử và Viện Kiểm sát đang thực hiện việc kiểm sát hoạt động điều tra. Viện Kiểm sát thấy chưa có đủ căn cứ để khởi tố với ông Quang. Tuy nhiên, sau phiên tòa phúc thẩm này, Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Hà Nội sẽ có báo cáo về vấn đề này./.

Vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm: Tiếp tục phần tranh luận của các bị cáo, luật sư bào chữa

Vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm: Tiếp tục phần tranh luận của các bị cáo, luật sư bào chữa

Chiều 2/5, phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank) và đồng phạm xảy ra tại Oceanbank, tiếp tục với phần tranh luận của các bị cáo và các Luật sư bào chữa.

TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›