Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Sớm kết luận liên quan đến vụ Asanzo, làm rõ đúng sai

Thứ Tư, 31/07/2019 20:53 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 31/7, chủ trì cuộc họp của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ rõ, chống gian lận thương mại nhưng không được ảnh hưởng đến đầu tư kinh doanh, quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, có vướng mắc phải sớm kết luận đúng, sai. 

Giải hạng Nhì QG 2019 xóa tên nhà tài trợ Asanzo

Giải hạng Nhì QG 2019 xóa tên nhà tài trợ Asanzo

Chiều nay (10/7), giải bóng đá hạng Nhì QG 2019 đã chính thức khởi tranh lượt về với các trận đấu thuộc 2 bảng A và B.

 

Chậm triển khai thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia

Báo cáo của Ủy ban 1899 cho thấy, tính đến ngày 10/7, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 174 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối, với trên 2,3 triệu hồ sơ của hơn 30,9 nghìn doanh nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm 2019, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã phối hợp với các bộ để triển khai các thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Trong đó, xây dựng mới và hoàn thành công tác kết nối đối với 3 thủ tục hành chính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 4 thủ tục hành chính của Bộ Y tế; 3 thủ tục hành chính của Bộ Thông tin và Truyền thông; xây dựng mới và đang trong quá trình kiểm thử 7 thủ tục hành chính của Bộ Y tế; điều chỉnh hệ thống để triển khai mở rộng 3 thủ tục của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành cho biết, việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia trong 6 tháng đầu năm của các bộ, ngành còn chậm. Mục tiêu triển khai 61 thủ tục hành chính mới đến cuối năm 2019 là khó đạt được. Nguyên nhân là do sau một thời gian phát triển nhanh (từ đầu năm 2018 đến hết quý I/2019 đã triển khai 126 thủ tục mới), các bộ, ngành cần tập trung để rà soát, đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định cũng như triển khai mở rộng nên nguồn lực bị phân tán, chưa tập trung đầy đủ cho triển khai các thủ tục mới. Nhanh nhất có thể quý I/2020 mới hoàn thành mục tiêu này.

Về triển khai Cơ chế một cửa ASEAN và kết nối ngoài ASEAN, Việt Nam đã chính thức trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi mẫu D (C/O mẫu D) với 6 nước gồm: Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan; Brunei và Campuchia. Tính đến ngày 10/7, tổng số C/O Việt Nam nhận từ các nước là: 87.355, tổng số C/O Việt Nam gửi sang các nước là: 153.872. Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, ngành tiến hành đàm phán để hoàn thiện các Nghị định thư, thống nhất yêu cầu kỹ thuật và xây dựng hệ thống để trao đổi thông tin tờ khai hải quan, chứng nhận xuất xứ với Liên minh kinh tế Á - Âu; đàm phán để trao đổi thông tin C/O điện tử với Hàn Quốc.

Theo rà soát của Tổng cục Hải quan, đến 15/6, các bộ, ngành đã sửa đổi, bổ sung 84/87 văn bản về quản lý và kiểm tra chuyên ngành (chiếm 97%). Hiện Tổng cục Hải quan đang nghiên cứu rà soát tổng thể và xây dựng dự thảo tiêu chí về thành lập, giải thể địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung nhằm đảm bảo các địa điểm này hoạt động có hiệu quả, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa. 

Tuy nhiên, ông Mai Xuân Thành cho hay, một số bộ, ngành chưa hoàn thành chỉ tiêu cắt giảm danh mục hàng hóa quản lý và kiểm tra chuyên ngành. Theo số liệu của cơ quan hải quan, quý II/2015 có 82.698 mặt hàng thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành, đến tháng 3/2019 còn 70.087 mặt hàng (giảm 12.600 mặt hàng). Việc triển khai một số văn bản mới được ban hành theo chỉ đạo cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành của Chính phủ còn nhiều bất cập, vướng mắc hoặc chưa phù hợp với quy định của văn bản. Nhiều bộ chậm ban hành thông tư hướng dẫn hoặc ban hành không đúng chỉ đạo của Thủ tướng, gây khó khăn cho doanh nghiệp. 

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, gần đây nổi lên tình trạng doanh nghiệp gian lận xuất xứ và chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp. Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan xây dựng đề án kiểm soát tình hình. Có một số dấu hiệu gian lận mới như nhập khẩu hàng về là một người nhưng xuất khẩu đi lại là người khác, lấy xuất xứ Việt Nam; thay đổi nhãn mác để giả xuất xứ; tình trạng mặt hàng không ghi nhãn mác trên sản phẩm, qua biên giới mới ghi nhãn hiệu xuất xứ để phân phối vào Việt Nam và xuất khẩu. Tổng cục sẽ phối hợp với các Bộ Công Thương, Công an, Khoa học và Công nghệ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để xác minh, báo cáo Chính phủ đối với việc nhập linh kiện sản xuất ở nước ngoài về, lắp ráp đơn giản rồi ghi xuất xứ Việt Nam. 

Báo cáo về tình hình logistic, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, hệ thống hạ tầng logistics còn nhiều bất cập. Hiện có khoảng 4.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics nhưng đa phần là nhỏ, yếu cả về nghiệp vụ, kỹ năng, kinh nghiệm quốc tế, chưa theo kịp hoạt động xuất nhập khẩu.  

Chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ

Ghi nhận kết quả đạt được của Ủy ban 1899 trong 6 tháng đầu năm, song, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng chỉ ra một số tồn tại như số lượng thủ tục hành chính mới triển khai trên Cơ chế một cửa quốc gia còn chậm, số lượng còn lại phải triển khai  là 45 thủ tục, trong đó 3 bộ trọng điểm là Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn 12, Y tế còn 14 , Quốc phòng còn 8 thủ tục. Việc cắt giảm danh mục hàng hóa quản lý kiểm tra chuyên ngành còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, mới giảm 15% mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành, trong khi chỉ tiêu của Quốc hội là cắt giảm từ 15 - 35%, mới đạt ở mức cận dưới. Một số bộ, ngành còn thiếu quyết liệt, khẩn trương, chậm ban hành thông tư hoặc ban hành thông tư không đúng chỉ đạo, gây cản trở cho doanh nghiệp. 

Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ rà soát quy trình thủ tục, phát triển hệ thống công nghệ thông tin và các giải pháp liên quan nhằm hoàn thành đúng mục tiêu triển khai 61 thủ tục trên Cơ chế một cửa quốc gia; tiếp tục triển khai công tác cải cách với hàng hóa xuất nhập khẩu theo tinh thần vừa tạo thuận lợi thương mại nhưng tăng cường chống gian lận thương mại, bám sát nhiệm vụ được giao tại Quyết định 824/QĐ-TTg 2019 về phê duyệt Đề án Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ.

“Nhiệm vụ này gác cửa là của Tổng cục Hải quan. Chúng ta phải xử lý sớm, nghiêm những sai phạm, sớm kết luận liên quan đến vụ Asanzo, làm rõ đúng sai”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và cho biết còn nhiều trường hợp khác tương tự, phải triển khai quyết liệt, mạnh mẽ vấn đề này.

“Phát hiện và xử lý nghiêm một số vụ để làm gương, nhưng cũng phải đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật, các đồng chí đã phát ngôn rồi phải bám sát và làm cho chắc. Tổng cục trưởng đã nói sẽ sớm có kết luận về vấn đề này, cần phối hợp với các Bộ Công Thương, Công an, các bộ khác, có kết luận, đừng để kéo dài”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói. 

Đề cập đến thông tin trên báo chí mới đây về việc sản phẩm ván dăm, máy bơm sản xuất ở Trung Quốc tẩy nhãn hiệu, dán nhãn Việt Nam, Phó Thủ tướng yêu cầu Hải quan phải chốt chặt. Các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành, đặc biệt là các nội dung liên quan đến kiểm tra nhà nước về hải quan, để các văn bản đi vào cuộc sống, tránh tình trạng văn bản chồng chéo, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. 

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai đề án tổng thể về phát triển công nghệ thông tin phục vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN theo định hướng xử lý tập trung. Trong đó, Tổng cục Hải quan chủ trì phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện Cổng thông tin một cửa quốc gia vận hành trên nền tảng cơ sở dữ liệu quản lý nhà nước tập trung đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh, người và phương tiện xuất nhập khẩu, quá cảnh, nhập cảnh đáp ứng các yêu cầu cung cấp các dịch vụ tiện ích để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước trong thực hiện thủ tục hành chính theo Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN; phục vụ cho công tác quản lý, chỉ đạo điều hành về kinh tế - xã hội của Chính phủ và chính quyền các cấp; kết nối và trao đổi được thông tin giữa các bộ, ngành với các bên liên quan, giữa Việt Nam và các nước ASEAN và các đối tác thương mại quốc tế khác.

Đề cập tới con số chi phí logistics của doanh nghiệp chiếm tới 20% GDP, nhưng đóng góp của ngành logistics vào GDP chỉ chiếm 4 - 5%, Phó Thủ tướng cho rằng phải tăng cường đóng góp của ngành này và giảm chi phí logistics của doanh nghiệp trong GDP. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu đánh giá tổng thể việc xây dựng chương trình mục tiêu phát triển dịch vụ  logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ này đến năm 2025, phấn đấu đóng góp từ 8 - 10% GDP, tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 14 - 20%, đứng thứ 50 trong chỉ số cạnh tranh của thế giới trở lên.

Chu Thanh Vân - TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›