Phòng chống vi phạm nồng độ cồn khi lái xe: Nâng cao hiệu quả ngăn chặn

Thứ Bảy, 18/01/2020 14:05 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Bên cạnh việc tăng cường chế tài xử phạt, các nước cũng áp dụng nhiều biện pháp phòng ngừa như đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phổ biến quy định pháp luật, lan tỏa các thông điệp để tăng cường ý thức cho người dân, hạn chế việc sử dụng rượu bia hay có nhiều hình thức để người lái xe lựa chọn nếu muốn di chuyển khi đã uống rượu bia.  

Phòng chống vi phạm nồng độ cồn khi lái xe: Phạt nặng để góp phần thay đổi ý thức

Phòng chống vi phạm nồng độ cồn khi lái xe: Phạt nặng để góp phần thay đổi ý thức

Phần lớn các nước đều coi việc điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia quá mức cho phép là một loại tội phạm với những chế tài xử phạt nặng để ngăn chặn. Tại nhiều nước, người đã uống rượu bia lái xe còn bị tước bằng lái vĩnh viễn hoặc thậm chí ngồi tù.

Tại Mỹ, chính quyền liên bang và các bang đề cao hoạt động phối hợp giữa các cơ quan thực thi pháp luật và các đơn vị, tổ chức liên quan để giảm thiểu những vụ tai nạn giao thông do người lái xe sử dụng rượu bia. Như tại thủ đô Washington, độ tuổi uống rượu hợp pháp là 21, những người dưới 21 tuổi không thể mua, tiêu thụ hoặc tàng trữ bất cứ loại đồ uống có cồn nào. Nếu họ bị phát hiện đang vận hành xe mà trong xe chỉ cần chứa đồ uống có cồn có thể đo lường được, họ có thể bị bắt giữ và chịu hình phạt tương tự đối với người trên 21 tuổi phạm lỗi lái xe khi đang say rượu. Ngoài ra, sau thời hạn bị giam giữ còn phải tham gia chương trình giáo dục, cải tạo dành cho người vi phạm lái xe trong tình trạng có độ cồn. 

Nhiều giải pháp công nghệ cũng được áp dụng tại Mỹ để ngăn chặn tình trạng uống rượu lái xe, như lắp đặt thiết bị phát hiện người lái sử dụng rượu bia và lập tức tác động khiến xe không nổ máy được. Công nghệ mới, có tên gọi là “Hệ thống phát hiện lái xe sử dụng rượu bia vì mục đích an toàn”, phát triển một thiết bị lắp bên trong xe, khiến người lái không khởi động được xe khi nồng độ cồn trong máu vượt quá ngưỡng cho phép. Ngoài ra, các chuyên gia Mỹ cũng kiến nghị nhiều giải pháp khác như tăng đáng kể thuế rượu bia, thắt chặt các chính sách phòng ngừa việc bán rượu bia bất hợp pháp cho người dưới 21 tuổi và những người đã mắc bệnh nghiện rượu sẵn, có kế hoạch điều trị hiệu quả hơn cho những người mắc bệnh nghiện rượu. 

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa.  Ảnh: TTXVN

Đối với những người vi phạm quy định về nồng độ cồn khi lái xe, nhiều nơi cũng áp dụng các hình thức cụ thể để ngăn chặn nguy cơ tái phạm. Nếu một người vi phạm ở bang Victoria  của Australia, không chỉ bị tước bằng lái, xe của người này còn bị gắn thiết bị kiểm soát nồng độ cồn được kết nối với bộ phận khởi động chiếc xe (tương tự thiết bị ở Mỹ). Thiết bị này được gắn trên xe của người vi phạm liên tục trong vòng 6 tháng và người vi phạm sẽ phải thanh toán mọi phí tổn liên quan đến việc lắp đặt và hoạt động của thiết bị này

Tại Đức, sau khi chấp hành xong các án phạt hành chính và hình sự, người vi phạm quy định uống rượu lái xe còn phải chịu nhiều án phạt dân sự đánh vào các lợi ích kinh tế khác trong nhiều năm tiếp đó, như chịu mức mua bảo hiểm xe cao đáng kể so với mặt bằng chung, người làm nghề lái xe hoặc vận tải chuyên nghiệp sẽ bị lưu lý lịch vi phạm trong hồ sơ làm việc. Chưa kể họ phải gánh những chi phí như tiền phạt, tiền thuê luật sư bào chữa, tiền phí tòa án, tiền học và thi lại, thậm chí cả tiền thuê lái xe trong thời gian bị cấm... Anh thì chia sẻ thông tin vi phạm của những người này với một số quốc gia đồng minh thân cận khác như Mỹ, Australia… để ngăn chặn người vi phạm điều khiển phương tiện giao thông khi đến các nước đó. .

Trong trường hợp đã sử dụng rượu bia, hệ thống giao thông công cộng rất phát triển ở Đức giúp mọi người yên tâm trở về nhà, tránh được việc phải vi phạm pháp luật. Hoặc mọi người sẽ chủ động sử dụng tàu điện hay xe bus khi đi uống rượu bia, hoặc có thể để xe ô tô lại và trở về nhà bằng phương tiện công cộng, hôm sau quay lại lấy xe, cùng lắm thì bị phạt tiền vì đỗ xe quá giờ quy định. Ngoài ra, để giúp người dân có đầy đủ thông tin, cơ quan quản lý còn cung cấp công cụ tra cứu trực tuyến, mỗi người căn cứ vào thể hình và cân nặng, có thể tính toán được lượng đồ uống có cồn để khi uống vào không bị vượt ngưỡng cho phép, cũng như biết rõ mức phạt đối với từng mức độ vi phạm, và thời gian cần nghỉ ngơi để nồng độ cồn trong máu trở lại mức cho phép

Các cơ quan chức năng tại Anh khuyến cáo người dân về nhà bằng các phương tiện khác nếu đã uống rượu bia, dù chỉ là một chút vì ảnh hưởng của cồn đối với mỗi người rất khác nhau và có những người chỉ cần “nhấp môi” cũng đã đủ vượt mức vi phạm. Thậm chí, ở Anh việc uống say nằm ngủ trong xe chờ tỉnh cũng bị nghiêm cấm tuyệt đối và bị xử lý không khác gì uống rượu lái xe.

Nhằm hạn chế việc sử dụng rượu bia, Australia đã hoàn tất chiến lược quốc gia mới về phòng chống tác hại của rượu bia cho giai đoạn 2019-2028, đề ra mục tiêu giảm 10% lượng tiêu thụ rượu bia có hại. Theo chiến lược trên, Chính phủ của Thủ tướng Scott Morrison sẽ đầu tư 140 triệu AUD (100 triệu USD) cho việc phòng ngừa và giảm thiểu tác hại từ rượu bia, thuốc lá và các loại ma túy khác; tập trung cho các dịch vụ điều trị nghiện rượu và ma túy; đồng thời xây dựng một báo cáo tính toán chi phí xã hội của việc lạm dụng rượu, bia.

Tại Nga, quốc gia có nhiều người nghiện rượu nặng, lượng rượu tiêu thụ đã giảm 43% kể từ năm 2003 tính trên đầu người, do một loạt biện pháp áp dụng dưới thời Tổng thống Nga Vladimir Putin, bao gồm việc hạn chế bán rượu và quảng bá các lối sống lành mạnh, cấm các cửa hàng bán bất kỳ loại rượu nào sau 23h, tăng giá bán lẻ đối với rượu... Cơ quan lập pháp Nga cũng xem xét dự luật tăng cường hình phạt đối với các lái xe sử dụng rượu bia gây tai nạn đường bộ dẫn tới hậu quả chết người. Theo dự luật, hình phạt sẽ tăng nặng hơn là phạt tù từ 3 đến 7 năm, thay vì mức 4 năm như luật hiện nay, nếu vụ tai nạn gây tổn hại nặng nề sức khỏe của người khác. Nếu vụ tai nạn làm một người tử vong, mức phạt tù sẽ từ 5 đến 12 năm (luật hiện nay từ 2 đến 7 năm) còn nếu dẫn đến cái chết của 2 người trở lên, mức phạt tù từ 8 đến 15 năm tù (hiện tại từ 4 đến 9 năm). Ngoài ra, dự luật cũng đề xuất tăng cường hình phạt đối với các hành vi phạm tội tương tự trong tình trạng say rượu khi tham gia giao thông đường sắt, đường hàng không, đường biển, đường thủy nội địa và tàu điện ngầm.

Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc đang xem xét cấm in hình ảnh những người nổi tiếng trên các nhãn đồ uống có cồn. Biện pháp này được đưa ra trong khuôn khổ mở rộng nỗ lực hạn chế tình trạng uống rượu, bia ở Hàn Quốc, bởi việc in ảnh người nổi tiếng lên nhãn sản phẩm đồ uống có cồn có thể gây ấn tượng sai và cổ xúy uống rượu, bia. Hàn Quốc hiện là nước duy nhất trong số các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho phép hình thức quảng cáo này.  Đức cũng hạn chế quảng cáo bia rượu trên các phương tiện thông tin, hạn chế uống bia rượu ở nơi công cộng, trên các phương tiện giao thông. . 

Nam Phi cũng đang nghiên cứu dự luật nâng độ tuổi được phép mua rượu - bia từ 18 như hiện nay lên 21 tuổi. Thay đổi này cũng sẽ đi kèm với quy định cấm các loại hình quảng cáo đồ uống có cồn nhằm vào lứa tuổi dưới 21. Ngoài ra, các điểm bán đồ uống có cồn bắt buộc phải cách xa tối thiểu 500 mét tính từ các cơ sở giáo dục, trung tâm giải trí, bệnh viện, khu dân cư và các cơ sở nghiên cứu. Dự luật cũng đề xuất gia tăng trách nhiệm hình sự đối với các công ty sản xuất và kinh doanh đồ uống có cồn, trong đó các công ty này phải chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với những thiệt hại gây ra cho người sử dụng nếu họ mua phải các sản phẩm của công ty từ những cửa hàng không phép./.

TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›