(Thethaovanhoa.vn) - UBND tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát huy giá trị di sản văn hóa hoàn thành báo cáo về tình trạng hát xoan trình các cấp có thẩm quyền. Theo đó, Việt Nam đã gửi hồ sơ, báo cáo đề nghị Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể xem xét nhằm đưa hát xoan ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp.
- Các chuyên gia di sản châu Á: Đưa hát Xoan vào danh sách "đại diện" thay vì "cần bảo vệ khẩn cấp" là khả thi
- Phú Thọ đưa hát Xoan vào trường học
- Đề nghị UNESCO chuyển hát Xoan thành di sản 'đại diện nhân loại'
Theo UBND tỉnh Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ đã thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp để "giải cứu" hát xoan. Cụ thể, số lượng thành viên ở 4 phường xoan trên địa bàn tỉnh đều tăng. So với năm 2006, phường An Thái có 42 thành viên nay có 85; phường Thét có 30 thành viên nay có 50. Đào, kép ở mỗi phường đủ khả năng trình diễn hoàn thiện một đêm hát xoan thờ vua tại đình làng.
Bên cạnh đó, những người "truyền lửa" cho hát xoan cũng không còn ở tình trạng "cần bảo vệ khẩn cấp". Cụ thể, năm 2009, trong số 31 nghệ nhân cao tuổi (từ 80 tới 104 tuổi), chỉ có 7 cụ còn khả năng thực hành, truyền dạy bài xoan cổ cho lớp trẻ. Đến nay, Phú Thọ đã có 62 nghệ nhân kế cận có khả năng truyền dạy.
Ông Nguyễn Ngọc Ân, giám đốc sở VH,TT&DL Phú Thọ chia sẻ: Tỉnh Phú Thọ cũng đã tư liệu hóa 31 bài cơ bản của 3 chặng hát xoan do các nghệ nhân nắm giữ.
Đồng thời, 19 di tích liên quan tới hát xoan, đặc biệt Miếu Lãi Lèn, đình Thét, đình làng Kim Đới xã Kim Đức và đình An Thái xã Phượng Lâu (thành phố Việt Trì) - những di tích cổ gắn với sự ra đời hát xoan đã và đang được khôi phục, tu bổ, tôn tạo đưa vào sử dụng.
Cũng theo ông Ân, tỉnh Phú Thọ cũng đã đưa hát xoan vào trong trường học để hát xoan lan tỏa trong cộng đồng. Cụ thể, 80/90 trường học ở thành phố Việt Trì đã gắn kết hát xoan với chương trình của nhà trường. "Mỗi năm có 4 tiết học hát xoan và một buổi trải nghiệm giao lưu với các nghệ nhân xoan" - ông Ân cho hay.
Theo TS Nguyễn Thị Minh Lý, từ những cơ sở trên, Phú Thọ hoàn toàn tự tin để xin rút hát xoan khỏi danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. "Đây là lần đầu tiên trên thế giới, quốc gia thành viên xin UNESCO rút khỏi danh hiệu di sản văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp" - bà Lý chia sẻ.
"Theo quy định của UNESCO, cứ 4 năm, các quốc gia thành viên sở hữu di sản văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp phải báo cáo UNESCO một lần. Năm ngoái, 8 di sản cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại trong đó có ca trù của Việt Nam đã báo cáo UNESCO về những việc đã làm được trong bảo tồn, song không quốc gia nào xin rút" - TS Lê Thị Minh Lý chia sẻ.
Dự kiến, cuối năm 2016, UNESCO sẽ ra quyết định nên chăng "xóa tên" hát xoan khỏi danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Và nếu được ghi nhận tính bền vững, năm 2017 sẽ có kết quả về việc hát xoan có được vinh danh ở hạng mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại hay không?
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa
Tags