(Thethaovanhoa.vn) - Thời gian qua, ngành Y tế Quảng Ninh đã tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động khám chữa bệnh (KCB), chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân. Qua đó, mang lại nhiều tiện ích trong công tác cải cách hành chính, quản lý, điều hành của ngành.
Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành Y tế tiếp tục đẩy mạnh phối hợp tăng cường ứng dụng CNTT vào công tác truy vết, kiểm soát an toàn. Theo đó, các giải pháp CNTT hỗ trợ phòng, chống dịch đã được các cơ sở KCB triển khai đến nhân viên y tế, người bệnh và người nhà bệnh nhân, như: Khai báo y tế tự nguyện NCOVI dành cho người dân; khai báo y tế khi di chuyển bao gồm trong nước và di chuyển nội địa: tokhaiyte.vn (Vietnam Health Decralation); Bluezone phát hiện tiếp xúc gần với người bệnh, người nghi nhiễm thông qua bluetooth của điện thoại thông minh; hệ thống bản đồ chống dịch: An toàn COVID (antoancovid.vn) để các cơ sở KCB công bố an toàn Covid-19 hằng ngày. Các cơ sở KCB đều phải thực hiện kiểm soát y tế đối với người đến bằng QR Code...
Đồng thời, triển khai phần mềm quản lý xét nghiệm Covid-19, giúp cho việc lấy mẫu xét nghiệm nhanh, chính xác, giảm nhân lực và hỗ trợ việc trả kết quả nhanh, cũng như tổng hợp báo cáo kịp thời hơn. Các phần mềm tổng hợp, phân tích, dự báo dịch bệnh được ứng dụng, nhằm cung cấp thông tin kịp thời cho Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh, Bộ Y tế chỉ đạo kịp thời truy vết, ngăn chặn, khoanh vùng, cách ly, dập dịch, điều trị bệnh hiệu quả.
Tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC), ngay khi dịch Covid-19 bùng phát, đơn vị đã triển khai phần mềm báo dịch Covid-19 trực tuyến trên Trang thông tin điện tử tổng hợp: http://quangninhcdc.vn. Đồng thời, triển khai và đưa vào hoạt động Tổng đài báo dịch miễn phí 18009214, tự động cung cấp thông tin tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, báo trường hợp nghi ngờ hoặc mắc Covid-19, thông báo các số điện thoại đơn vị y tế tiếp nhận thông tin trên địa bàn tỉnh, nghe tư vấn về dịch trực tiếp từ tư vấn viên.
Thông qua 4 đợt khai báo sức khỏe toàn dân, ngành Y tế đã cập nhật thông tin sức khỏe người dân vào hệ thống phần mềm quản lý sức khỏe toàn dân tại 177 trạm y tế tuyến xã. Qua thống kê cập nhật, toàn tỉnh hiện có trên 99% dân số đã được tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử và lưu trên phần mềm.
Thực hiện kết nối liên thông dữ liệu KCB từ các phần mềm của 100% bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế trên địa bàn tỉnh với hệ thống phần mềm quản lý sức khỏe toàn dân. Cũng thông qua hệ thống phần mềm quản lý sức khỏe toàn dân, ngành Y tế đã thống kê, dự báo số lượng người trong độ tuổi tiêm chủng, nhằm tham mưu giúp tỉnh nhanh chóng xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện tiêm vắc-xin phòng Covid-19 trên diện rộng trong thời gian tới.
Trong hoạt động KCB, các đơn vị y tế của tỉnh đã ứng dụng triệt để tiện tích của CNTT vào các hoạt động: Quản lý bệnh viện; quản lý KCB; quản lý sức khỏe toàn dân; sử dụng hệ thống Telemedicine trong công tác đào tạo, hội chẩn, tư vấn, KCB từ xa; bệnh án điện tử; hệ thống Kios thông minh, chuông gọi y tá...
Quảng Ninh hiện đã có 3 bệnh viện (Đa khoa tỉnh, Bãi Cháy, Sản Nhi) trong số 10 bệnh viện trên cả nước triển khai thành công hồ sơ bệnh án điện tử. Các bệnh viện đã được đầu tư hạ tầng CNTT với hệ thống máy chủ trung tâm, hệ thống lưu trữ, hệ thống mạng, bảo mật, thiết bị ngoại vi hỗ trợ bác sĩ và bệnh nhân.
- Xử lý nghiêm đối tượng đi xe máy từ Hà Nội về Quảng Ninh trốn trạm kiểm dịch Covid-19
- Quảng Ninh: Thí điểm cách ly 7 ngày với người nhập cảnh có 'hộ chiếu vaccine'
- Quảng Ninh: Mở cửa du lịch trong trạng thái bình thường mới
Đặc biệt, hồ sơ bệnh án điện tử đã thay thế hồ sơ giấy, nhằm góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, xây dựng bệnh viện ngày càng hiện đại, thông minh. Trong hồ sơ bệnh án điện tử có các phần mềm hệ thống quản lý thông tin bệnh viện (HIS), hệ thống thông tin xét nghiệm (LIS), hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y khoa (PACS) đã giúp thầy thuốc dễ dàng tìm kiếm thông tin bệnh nhân hay tiền sử của những lần khám trước đó để thuận lợi khi điều trị và tăng an toàn cho người bệnh.
Có thể thấy, những ứng dụng CNTT của ngành Y tế đều hướng đến xây dựng y tế thông minh. Theo đó, ngành Y tế đã ứng dụng CNTT trong xây dựng cơ sở dữ liệu toàn ngành; triển khai các ứng dụng CNTT nhằm tăng thêm tiện ích cho người dân khi sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; các ứng dụng CNTT trong phát triển chuyên môn và công tác quản trị bệnh viện góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; các ứng dụng CNTT trong công tác quản lý nhà nước và cải cách hành chính trong lĩnh vực y tế; triển khai các ứng dụng CNTT nhằm duy trì độ bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân trong thời kỳ dịch Covid-19.
Thảo Nhi
Tags