(Thethaovanhoa.vn) - Trong những tháng đầu năm 2021, tỉnh Quảng Ninh cũng phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày càng diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới, khu vực và trong nước.
Trong bối cảnh đó, Quảng Ninh đã tập trung giải pháp đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, kịp thời, giữ vững được địa bàn “An toàn - Ổn định trong trạng thái bình thường mới”, từng bước thực hiện thành công “mục tiêu kép”, chủ đề năm 2021: “Giữ vững địa bàn an toàn và đà tăng trưởng trong trạng thái bình thường mới; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy liên kết vùng” thực hiện “mục tiêu kép”.
Giao thông đi trước một bước
Để "đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy liên kết vùng” thực hiện “mục tiêu kép", Quảng Ninh đã xác định giao thông cần đi trước một bước. Ngay từ đầu năm, tỉnh đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với dự án khởi công mới; đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm: Dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Cửa Lục 1, cầu Cửa Lục 3, nút giao Đầm Nhà Mạc, nút giao Hạ Long Xanh, Đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều, đoạn từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến đường tỉnh 338 (giai đoạn 1)... Đồng thời, chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng tiến độ cụ thể, chi tiết cho từng hạng mục công trình; đảm bảo tuân thủ phương án huy động nhân công, phương tiện trên công trường thi công hiện đại; bố trí giám sát trực tiếp tại hiện trường.
Điển hình như Dự án đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả trong thời gian qua đã được các chủ đầu tư, nhà thầu tích cực khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công. Đặc biệt, ngày 11/7, đốt hầm cuối cùng nhánh phải của đường hầm xuyên núi thuộc Dự án đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả đã chính thức được thông. Và ngày 23/7, tỉnh Quảng Ninh cũng tiến hành thông nhánh trái - nhánh cuối cùng của đường hầm. Đây là đường hầm xuyên núi lớn nhất Quảng Ninh đến thời điểm này, đồng thời cũng là một trong những đường hầm xuyên núi có nền đường lớn nhất Việt Nam và là hạng mục khó khăn nhất toàn dự án. Hiện nay, nhà thầu đang tiến hành hoàn thành tường, vòm ngược và theo kế hoạch sẽ hoàn thành bê tông vỏ hầm vào tháng 5/2022, chính thức nghiệm thu và đưa vào sử dụng trong tháng 8/2022, đồng bộ cùng tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả.
Tương tự như thế, tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái cũng đang được Quảng Ninh tích cực đẩy nhanh tiến độ thi công. Tỉnh xác định đây là tuyến cao tốc có ý nghĩa chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là khu vực miền Đông; đồng thời kết nối liên vùng, nội vùng, kết nối quốc tế để thúc đẩy phát triển các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, tam giác kinh tế trọng điểm và khu vực phía Bắc. Với các ý nghĩa quan trọng đó, dự án đã nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân trong công tác giải phóng mặt bằng. Tỉnh cũng đã thành lập Ban chỉ đạo dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái do trực tiếp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng ban chỉ đạo cùng tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên quan tâm sâu sát, chỉ đạo xuyên suốt từ công tác giải phóng mặt bằng, quá trình thi công nhằm đảm bảo chất lượng công trình.
Trên công trường cầu Cửa Lục 1 và 3, các nhà thầu cũng tích cực đẩy mạnh tiến độ thi công để đảm bảo mục tiêu hoàn thành vào cuối năm 2021. Tại cầu Cửa Lục 1 - cầu 6 làn xe đầu tiên ở Quảng Ninh, đến nay đã tiến hành hợp long nhịp chính dài 90m; hệ vòm ống thép nhồi bê tông đã gia công xong phần sắt; 2 nhịp 60m đều đạt 24/28 đốt, nhịp 40m đạt 10/20 đốt. Công trình đang phấn đấu về đích sớm hơn 1 tháng so với kế hoạch vào tháng 11/2021. Còn tại cầu Cửa Lục 3, đến nay đã xong phần hạ bộ và cơ bản xong thân trụ chính giữa sông. Nhà thầu hiện đang tập trung thi công đà giáo để tổ chức đúc dầm mặt cầu.
Đồng chí Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết: UBND tỉnh thường xuyên có văn bản chỉ đạo, đôn đốc các ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với dự án khởi công mới; đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, động lực; quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư công, không để tình trạng chây ỳ, nợ đọng xây dựng cơ bản. Trong năm 2021, tỉnh cũng đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành một số dự án trọng điểm, động lực, như: Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường ven biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Cửa Lục 1, cầu Cửa Lục 3, nút giao Đầm Nhà Mạc, nút giao Hạ Long Xanh và đường nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng (Km 6+700) đến đường tỉnh 338 (giai đoạn 1)… Các dự án hoàn thành, đi vào sử dụng chắc chắn sẽ góp phần quan trọng trong thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.
Đầu tư xây dựng hạ tầng theo hướng ưu tiên, có trọng tâm, trọng điểm
Không chỉ đầu tư cho các công trình giao thông, Quảng Ninh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở xây dựng kế hoạch cụ thể, có bước đi thích hợp, tập trung nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng theo hướng ưu tiên, có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự đột phá cho sự phát triển. Ngoài nguồn lực từ ngân sách Nhà nước đóng vai trò chủ chốt, tỉnh đã tích cực và chủ động huy động mọi nguồn lực cho đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp cùng tham gia, tạo sự đồng thuận, quyết tâm chính trị cao để thực hiện mục tiêu phát triển của tỉnh. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 39.292 tỷ đồng, tăng 10% cùng kỳ, đạt 100,6% kịch bản. Trong đó vốn khu vực nhà nước 15.074 tỷ đồng, tăng 31,3% kịch bản; vốn khu vực có vốn nước ngoài 4.261 tỷ đồng, bằng 97,4% và vốn ngoài ngân sách 19.957 tỷ đồng, bằng 85,2% kịch bản.
Trong đó, tỉnh đã tập trung nguồn lực đầu tư công cho các dự án quan trọng và động lực. Đến nay các công trình động lực của tỉnh đều không có nhu cầu bổ sung thêm vốn. Đã tập trung chỉ đạo phân khai dự toán; giao các địa phương tự quyết, tự chịu trách nhiệm trong việc khởi công mới các dự án và không để nợ đọng xây dựng cơ bản. Kế hoạch chi đầu tư công năm 2021 đến ngày 25/6/2021 là 18.730 tỷ đồng, chiếm 57% tổng chi ngân sách địa phương; giải ngân 6.111/18.730 tỷ đồng, bằng 32,6% kế hoạch (cùng kỳ đạt 26,5%). Công tác kiểm soát và thanh toán nợ đọng XDCB cơ bản đã được các địa phương tích cực nghiêm túc thực hiện theo đúng chỉ đạo của Trung ương, quy định của pháp luật.
Đối với đầu tư ngoài ngân sách, tỉnh đã lập danh sách các dự án sử dụng vốn đầu tư ngoài ngân sách ưu tiên cần hỗ trợ giải quyết, tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ triển khai hoặc khởi công năm 2021 trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, ngày 10/6/2021, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 1823/QĐ-UBND thành lập Tổ công tác hỗ trợ dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh. Trong đó: Tổ trưởng là đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, Tổ phó thường trực là đồng chí Vũ Thị Kim Chi, Phó trưởng Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư cùng với đại diện các sở, ban, ngành, địa phương. Đến nay, Tổ đã rà soát 87 dự án. Trong đó: Quảng Yên 4 dự án, Cẩm Phả 7 dự án, Đầm Hà 5 dự án, Hải Hà 3 dự án, Bình Liêu 2 dự án, Móng Cái 5 dự án, Vân Đồn 10 dự án, Đông Triều 24 dự án, Hạ Long 7 dự án, Uông Bí 17 dự án, Tiên Yên 3 dự án.
Đồng thời, tỉnh cũng thành lập các tổ công tác hỗ trợ một số dự án đầu tư trọng điểm như Tổ chăm sóc nhà đầu tư trực thuộc Tổ công tác PCI và ban hành Quy chế hoạt động của Tổ chăm sóc nhà đầu tư (Investor Care); thành lập Tổ công tác hỗ trợ Tập đoàn Foxconn tại Quảng Ninh; Tổ công tác hỗ trợ triển khai Dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar; Tổ công tác hỗ trợ triển khai các Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN trên địa bàn TX Quảng Yên... Tỉnh cũng tập trung chỉ đạo và chủ động làm việc với các chủ đầu tư để nắm bắt khó khăn, vướng mắc nhằm tháo gỡ thủ tục về đầu tư, đất đai, GPMB; nhanh chóng hoàn thiện thủ tục cấp phép đầu tư, trọng tâm là các dự án trong KKT, KCN; hỗ trợ, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng của tỉnh.
- Quảng Ninh đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư trong bối cảnh dịch
- Quảng Ninh: Thí điểm cách ly 7 ngày với người nhập cảnh có 'hộ chiếu vaccine'
- Quảng Ninh: Mở cửa du lịch trong trạng thái bình thường mới
Tổng vốn ngoài ngân sách thu hút trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2021 đạt 276.088 tỷ đồng, gấp 5,1 lần kịch bản (kịch bản 53.762 tỷ đồng); trong đó: Cấp mới và điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư cho 24 dự án có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài, với tổng vốn đăng ký và tăng thêm là 24.133 tỷ đồng; phê duyệt mới và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 32 dự án vốn trong nước, với tổng vốn đăng ký là 251.955 tỷ đồng.
Trong đó có những dự án lớn như: Dự án khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 529/QĐ-TTg ngày 1/4/2021 với số vốn đầu tư 10 tỷ USD; Dự án Công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam của Công ty Jinko Solar Hong Kong với số vốn đăng ký 498,04 triệu USD; Dự án Nhà máy sản xuất công cụ y khoa tại xã Quảng Phong, huyện Hải Hà (2.422 tỷ đồng) và Dự án Tổ hợp nhà máy sản xuất trang thiết bị y tế tại xã Quảng Phong, huyện Hải Hà (2.036,8 tỷ đồng)... Đã cấp và miễn 2.479 giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ do dân làm chủ đầu tư, đạt 61,6% kịch bản với tổng vốn đạt 2.169 tỷ đồng.
Thực tế những năm qua cho thấy, được sự hỗ trợ của Trung ương, sự quan tâm của các cấp, các ngành, huy động nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức, doanh nghiệp (đầu tư theo hình thức BOT, xã hội hóa...) và sự tham gia đóng góp của nhân dân trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, Quảng Ninh đã đạt được những thành tựu vô cùng quan trọng trong việc cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
Nhiều công trình quan trọng trong các lĩnh vực về giao thông, điện, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học và công nghệ, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, đô thị - nông thôn... được hình thành và tăng nhanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh trên địa bàn tỉnh. Hạ tầng đô thị phát triển nhanh, bộ mặt nông thôn thay đổi rõ nét, khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn từng bước được thu hẹp, đời sống nhân dân được cải thiện.
Thảo Nhi
Tags