(Thethaovanhoa.vn) - Gần đây, một lần nữa cụm từ “quấy rối tình dục” được truyền thông ghi nhận bằng những đơn thư tố cáo, nạn nhân chủ yếu là nữ. Vậy làm thế nào để “gọi tên” hành vi này và khi nào thì cần lên tiếng trước những hành vi này?
- Tổng chưởng lý New York, người đấu tranh cho phong trào #MeToo từ chức vì... quấy rối tình dục
- Hoãn giải Nobel Văn học 2018, Viện Hàn lâm Thụy Điển cải tổ mạnh sau bê bối tình dục
- Sáng tác về đề tài tình dục - giới hạn ở đâu? (Kỳ 5 & hết): Ngoài luật, cần 'giới hạn' bằng truyền thống văn hóa
Chuyện 1 nhà báo bị một CTV tố cáo quấy rối tình dục đã dấy lên trong làn sóng dư luận nhiều ý kiến khác nhau. Tiếp đó, liên tiếp những thông tin ca sĩ Phạm Anh Khoa bị tố quấy rối tình dục khiến làng giải trí cũng như dư luận xã hội nổi giận.
Tuy nhiên, đây là những sự việc được truyền thông nhắc tới. Từ đó, những chia sẻ về tình trạng quấy rối tình dục nơi công sở cũng được nhiều độc giả chia trẻ trên các nhóm diễn đàn, các trang mạng xã hội. Vì thế, khi trưởng thành, tham gia vào hoạt động ngoại giao hay công việc, bạn trẻ không chỉ trang bị kiến thức chuyên môn mà còn cần phải trang bị kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ mình trước nhiều biến tướng của hành vi quấy rối tình dục.
Theo các chuyên gia tâm lý, ngôn ngữ thì việc nhận biết và gọi tên được những hành vi này bắt đầu từ lời nói, ngữ điệu ở nơi làm việc. PGS TS Phạm Văn Tình, Tổng Thư kí Hội Ngôn ngữ học Việt Nam kể lại: “Có sinh viên từng thực tập tại một tờ tạp chí đã chia sẻ lại với tôi như sau: Một hôm, chú nhà văn nói với cháu rằng chú vừa viết xong một truyện ngắn tuyệt vời. Chú thức mấy đêm liền,… Hôm nay chú rất mệt. Cháu phải giúp chú nạp lại năng lượng để giúp chú thăng hoa chứ nhỉ. Và gọi cháu vào phòng riêng của chú ấy. Nhưng cháu đã không dám vào. Tôi thấy rằng bạn sinh viên này đã nhận ra được những từ ngữ và ngữ điệu không bình thường của người nói chuyện, từ đó biết cách từ chối để không đưa mình vào “thế khó”.
PGS Phạm Văn Tình cũng dẫn chứng rằng ở nhiều nơi làm việc, hoặc cách giao tiếp hiện nay việc nam giới nói chuyện với nữ giới đôi khi quá đà về những chỗ nhạy cảm, lộ hàng và nói kháy qua lời nói và cử chỉ. Nếu bạn phản ứng lại bằng thái độ có thể sẽ gặp phải những lời nói bỗ bã như: Em đã bao giờ lộ hàng chưa? Hàng của em có ra gì đâu mà phải ngại.
Sau khi nhận biết được từ ngữ như vậy thì “nạn nhân” thì không nên im lặng. Bởi theo PGS Phạm Văn Tình, trước những từ ngữ, ngữ điệu như vậy nếu đối tác im lặng thì họ sẽ tiếp tục lấn tới, điều này chính bản thân các em đã “tạo điều kiện” cho đối phương.
Thạc sỹ Nguyễn Hà Thành đang là quản lý chương trình Hợp tác Quốc tế và Phát triển Cá nhân tại Đại học FPT cũng cho rằng: Cái "ngưỡng" của mỗi người là khác nhau. Khi một ai đó có những cử chỉ, lời nói làm bạn khó chịu thì đó chính là lúc cái ngưỡng của bạn đang lên tiếng. Những lúc như vậy, bản thân phải có những lời đáp trả kịp thời, không nên để mọi chuyện xảy ra mới cân nhắc là có lên tiếng hay là không.
“Bình thường một nhóm bạn rất thân có thể nói những từ ngữ về thân thể khá bậy bạ nhưng không sao bởi đó là ngưỡng riêng của họ. Nhưng nếu bạn là một người mới đến nghe được sẽ cảm thấy “tức tai”. Đó là ngưỡng của mỗi người. Ở môi trường công sở cũng vậy, việc nói đùa về bản thân mình rất nhiều. Nhưng bản thân thấy khó chịu thì phải lùi lại ngay trước khi quá muộn. Cùng lắm bạn cũng chỉ nghe được câu: “Khó tính thế...”… Nhưng đây cũng là lối thoát cho tất cả mọi người”, Th.s Nguyễn Hà Thành nói.
Nhiều chuyên gia chia sẻ, thực tế quấy rối tình dục không chỉ diễn ra với nữ và ngay cả với nam giới. Ở Việt Nam có câu “không có lửa làm sao có khói” đã là rào cản để nạn nhân cất lên lời tố cáo trong các môi trường truyền thông, xã hội ngày càng phổ biến.
HA - Báo Tin Tức
Tags