(Thethaovanhoa.vn) - Những bông mai vàng rực rỡ giữa sắc Xuân tràn về. Năm cánh hoa mỏng, thanh thoát, hơi ưỡn mình về phía mặt trời. Từng bông hoa nở chụm lại thành từng chùm một điểm xuyết trên nhành mai phảng phất một làn hương dìu dịu rất riêng. Đó là “phong thái” của mai đất Huế mà không phải hoa mai ở nơi nào cũng có được.
Tết đang cận kề, những nhành mai đua nhau khoe sắc, đâm chồi lộc xuân. Giữa muôn vàn các loại mai bắc nam như mai Hồng Diệp, mai Hồng Cúc..., mai Huế vẫn được nhiều người chú ý bởi sự khác biệt và giá trị của cây mai Huế mang lại.
Người ta chuộng cái cốt cách thanh tao và màu vàng vương giả của hoa mai. Mai Huế toát lên khí chất nghiêm chỉnh và có phần khó chơi hơn so với những loại mai khác.
Người chơi mai Huế lâu năm không nhiều. Để chơi được mai Huế cần một sự đam mê và đầu óc biết phán đoán. Người chăm sóc mai phải làm sao cho hoa mai được đâm chồi nảy lộc đúng dịp, những cánh mai được lâu tàn và giữ được màu vàng vương giả của hoa mai. Nó đòi hỏi sự khéo léo và cái duyên với mai Huế. Có gắn bó lâu năm với hoa mai, đặt cái tâm của mình vào mai Huế thì mới “cảm” được mai Huế và biết cách chăm sóc mai cho phù hợp.
Ông Nguyễn Văn Thành (78 tuổi), với hơn 50 năm trồng và chăm sóc mai Huế chia sẻ: “Cây mai, nó cũng giống như con người. Cần một sự chăm sóc tận tình và phải đặt cái tâm của mình vào đó. Chăm sóc mai phụ thuộc vào địa hình địa vật và thời tiết thì mai mới phát triển tốt được”.
Ngày trước, người ta thường dùng xác cá chết hay bã đậu phụng xay nhuyễn bón phân cho cây mai. Mai hấp thu tốt nên lớn nhanh. Nhưng nhiều người không chịu được mùi hôi của xác cá chết. Nên bây giờ, người trồng mai chuyển sang dùng phân tổng hợp để chăm sóc cây.
Mai Huế thường khó trổ bông hơn so với các loại hoa mai khác. Mai Huế cần thời tiết ấm để cây đâm chồi nảy lộc. Trời quá nóng thì mai thường nở sớm. Trời quá lạnh thì cây mai lại khép nụ mãi, không đơm bông được.
Để phân biệt được mai Huế với các loại mai khác, người ta thường nhìn vào màu lá non. Nếu như mai Hồng Diệp lúc đâm lộc có màu đỏ, đến khi chuyển sang lá là màu xanh thì mai Huế từ lúc đâm lộc, lá non đến lá cứng lâu ngày là sự chuyển biến giữa màu xanh nõn nà sang màu xanh đậm hơn. Cả cây hoa mai Huế là sự hòa quyện giữa màu xanh của lá và màu vàng của những cánh hoa.
Mai Huế đặc trưng với 5 cánh hoa vàng nhỏ. Không như mai Hồng Diệp thường từ sáu cánh trở lên. Nếu như mai Hồng Diệp trồng hai năm là đã cho hoa thì mai Huế phải mất năm năm mới đổ bông. Cũng chính vì điều này mà mai Huế được nhiều người chuộng hơn so với mai Hồng Diệp hay mai Hồng Cúc.
Mai Hồng Diệp có hoa nở bung toàn cây. Lá non ngả sang màu đỏ dễ nhận biết
Tết đến xuân về, chưng mai trong nhà không chỉ làm tăng không khí Xuân mà còn như một nét văn hóa của người dân xứ Huế nói riêng và người miền Trung nói chung. Mai Huế có phong thái riêng khiến người chơi mai phải để tâm vào mà vun trồng, mà chăm sóc. Vì thế, dù trên thị trường với nhiều loại mai khác nhau, mai Huế vẫn luôn chiếm một vị trí quan trọng và được nhiều người yêu thích.
Thanh Nhàn
Tags