(Thethaovanhoa.vn) - Đó là khẳng định của ông Trần Hồng Thái, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn về xu thế thiên tai trong mùa mưa, bão, lũ năm 2018.
- Tin mới nhất cơn bão số 1: Bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới nhưng vẫn giật cấp 9
- Áp thấp nhiệt đới đang mạnh lên và di chuyển nhanh về Biển Đông, miền Bắc trời rét
- Bão số 16 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, mưa to còn kéo dài 2-3 ngày
Nhận định xu thế thời gian tới.
Theo đó, dự báo trong năm 2018 sẽ có khoảng 12 - 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó có 5 - 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Vào thời kỳ đầu mùa, bão và áp thấp nhiệt đới có xu hướng xuất hiện nhiều ở khu vực phía Bắc Biển Đông và xu hướng sẽ dịch dần về phía nam Biển Đông trong những tháng cuối năm 2018. Khả năng cao bão và ATNĐ sẽ ảnh hưởng nhiều hơn tới khu vực Trung Bộ.
Nắng nóng diện rộng ở Bắc Bộ và Trung Bộ năm nay có xu hướng xuất hiện muộn hơn trung bình và mức độ không gay gắt như trong năm 2017.
Mùa khô năm 2018, ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên, trên nhiều sông suối, mực nước sẽ xuống thấp nhất chuỗi số liệu quan trắc, tình trạng hạn hán, thiếu nước cục bộ khả năng cao xuất hiện ở khu vực này.
Tình hình xâm nhập mặn ở Nam Bộ trong mùa khô ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm và tương đương năm 2016 - 2017.
Mùa mưa lũ năm 2018, đỉnh lũ trên các sông suối khu vực Bắc Bộ phổ biến ở mức biến động 2 - 3, một số sông suối nhỏ trên biến động 3. Lũ quét, sạt lở đất xảy ra tương đương năm 2017, đặc biệt tại các khu vực miền núi phía Tây Bắc Bộ.
Mùa lũ ở các sông ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên có khả năng xuất hiện sớm, đỉnh lũ năm 2018 trên các sông ở mức tương đương và cao hơn trung bình nhiều năm.
Trên lưu vực sông Mê Kông mùa lũ đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm, đến cuối tháng 7 mực nước đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng ở mức 2,5 - 3,0 m; đỉnh lũ năm 2018, ở đầu nguồn sông Cửu Long khả năng ở mức báo động 2 - 3.
Trong năm 2018, tại khu vực ven biển Nam Bộ triều cường cao sẽ xuất hiện vào những ngày đầu của tháng 10, 11 và trung tuần của tháng 12. Tại ven biển Nam Trung Bộ (Phú Yên, Phan Thiết) nguy cơ triều cường cao tập trung vào tháng giữa 11 và 12.
Nguy cơ nước dâng do bão và sóng lớn vẫn sẽ tập trung ở ven biển Trung Bộ. Trong các tháng cuối năm 2018 khả năng sẽ có sóng lớn 3-4m tại khu vực ven biển các tỉnh miền Trung và Đông Nam Bộ do ảnh hưởng của không khí lạnh.
Năm 2018 có thể dự báo, cảnh báo bão trước 5 ngày
Ông Trần Hồng Thái, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thuỷ văn, khẳng định, năm 2018 năng lực dự báo, cảnh báo bão có thay đổi đáng kể. Trong đó, điểm nổi bật là từ năm 2018 công tác dự báo, cảnh báo bão sẽ được cảnh báo sớm đến 5 ngày thay vì 3 ngày như trước đây. Tương tự, với áp thấp nhiệt đới, có thể dự báo dài tới 3 ngày thay vì chỉ dự báo ngắn 1 ngày như trước đây.
Dù có tiến bộ trong dự báo bão, ông Thái cũng thừa nhận, công tác dự báo, cảnh báo cường độ bão và mưa hiện còn nhiều hạn chế.
"Dự báo cường độ bão và mưa lớn là hai vấn đề khó chung với cả những nước có công nghệ tiên tiến như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc. Việt Nam cũng gặp khó khăn như vậy, đặc biệt là dự báo mưa vì hiện nay mạng lưới quan trắc của chúng ta còn rất thưa. Việt Nam cũng đã tiệm cận với những công nghệ hiện đại như viễn thám, tuy nhiên mạng lưới quan trắc còn rất ít, chỉ bằng 30% so với thế giới, nên việc dự báo còn khó khăn", ông Thái cho biết.
TTXVN
Tags