Tại cuộc họp báo chiều 27/8, Thiếu tướng Lê Mã Lương, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết: Triển lãm giới thiệu 716 hiện vật trong bộ sưu tập gồm 18 loại vũ khí lạnh, 5 loại vũ khí nóng, thể hiện sự phát triển từ đơn giản đến hiện đại, sự đa dạng, phong phú về cấu tạo, kiểu loại, kích thước, tính năng, tác dụng của các loại vũ khí.
Thiếu tướng Lê Mã Lương nhận định: Các loại vũ khí thô sơ tự tạo của Việt Nam không chỉ là sản phẩm của ý chí tự cường, trí thông minh, óc sáng tạo của quân và dân ta mà còn phản ánh đường lối quân sự, nghệ thuật quân sự độc đáo của Việt Nam. Bảo vệ Tổ quốc trong hoàn cảnh nước nhỏ, nghèo, phải đối chọi với kẻ thù luôn mạnh hơn gấp nhiều lần về tiềm lực kinh tế, quân sự, để giữ yên bờ cõi, các thế hệ người Việt Nam đoàn kết một lòng, biết dựa vào "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" để xây dựng và phát triển lực lượng với phương châm "có gì đánh nấy". Quân và dân ta sử dụng nguyên liệu sẵn có ở các địa phương như tre, gỗ, đá, ong bò vẽ, lá độc, thu nhặt thanh tà vẹt, dây đồng, bom đạn lép để chế tạo thành vũ khí. Từ em nhỏ đến cụ già, không phân biệt tuổi tác, ai cũng có thể sáng tạo, sản xuất được vũ khí và tự trang bị cho mình để đánh địch.
Tại triển lãm này, người xem sẽ hiểu rõ hơn vai trò của vũ khí thô sơ tự tạo trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta; tiếp xúc với các hiện vật đặc sắc như mìn VM, súng ngựa trời, các loại thủy lôi, thanh long đao, bàn chông...Vũ khí thô sơ, tự tạo đã được đúc kết thành tri thức, kinh nghiệm, trở thành di sản văn hóa quân sự Việt Nam. Các nhà nghiên cứu quân sự nước ngoài cho rằng: "Mìn, cạm bẫy, hầm chông" đã vượt xa khuôn khổ vũ khí, phương tiện chiến đấu, chiến thuật, trở thành "một phương thức chiến tranh" - một trong những nét thần kỳ của chiến tranh nhân dân Việt Nam.