Shinkansen tròn 50 tuổi: Tàu siêu tốc của những giấc mơ

Thứ Năm, 02/10/2014 07:17 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - Dù đã ở tuổi 73, ông Fumihiro Araki chưa bao giờ quên được trải nghiệm của lần đầu ngồi trên một đoàn tàu cao tốc Shinkansen. "Cảm giác giống như anh đang bay ở trên trời vậy" - ông nói.

Đoàn tàu Shinkansen kể trên vừa bước qua tuổi 50. Vào ngày 1/10/1964, sau lễ cắt băng khánh thành tại ga chính ở Tokyo, một đoàn tàu Shinkansen đã chạy một mạch tới Osaka nằm cách đó 513km trong vỏn vẹn 4 giờ.

Mang tới niềm tự hào và hy vọng

Sự kiện đã chính thức khai trương tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của Nhật Bản. Nó cũng đánh dấu sự trỗi dậy đáng kinh ngạc của nước này, chỉ chưa đầy 2 thập kỷ sau khi bại trận đầy cay đắng trong Thế chiến II.

"Với việc đưa vào vận hành Shinkansen, chúng tôi có cảm giác thời gian khó khăn sẽ sớm kết thúc và Nhật Bản sẽ thay đổi chóng mặt" - ông Fumihiro Araki, người từng có thời gian được đào tạo lái tàu cao tốc nhớ lại - "Shinkansen đã được chế tạo với mục tiêu trở thành con tàu nhanh nhất thế giới. Nó mang tới cho con người hy vọng, khiến Nhật Bản nhìn về phía trước".


Ông Fumihiro Araki vẫn không thể quên cảm giác "lướt như bay" trong lần đầu đi tàu cao tốc

Ông Araki giờ là Giám đốc Bảo tàng Đường sắt ở Omiya, Bắc Tokyo, nơi chứa đầu tàu Shinkansen đầu tiên có tên Hikari (Ánh sáng). "Đoàn tàu đã được đặt cho biệt danh "tàu siêu tốc  của những giấc mơ" và quả thực nó đã mang tới cho người dân Nhật Bản một mơ ước" - ông nói.  

Hãng tin AFP nói rằng lễ khai mạc đoàn tàu viên đạn đầu tiên của Nhật Bản là sự kiện trung tâm của bữa tiệc diễn ra ngay sau đó ở Nhật Bản đó là Thế vận hội Tokyo. Nó cho thấy Nhật Bản đã bắt kịp và thậm chí vượt qua nhiều quốc gia phát triển khác.

Tàu cao tốc đã giúp bữa tiệc thành công, dù hoạt động xây dựng nó khiến Nhật Bản vướng khoản nợ khổng lồ và sự phản đối của công chúng. Nhiều người đã chất vấn vì sao Nhật Bản lại thực hiện một dự án đắt đỏ như thế, khi hàng loạt đường cao tốc đã được xây dựng và hoạt động đi lại bằng máy bay trở nên phổ biến.

Ngày hôm nay, những nghi ngờ và chỉ trích đã tan biến. Các đoàn tàu Shinkansen mới nhất đã đi lại giữa Tokyo và Osaka chỉ trong 2 giờ đồng hồ. Điều này có nghĩa một doanh nhân Tokyo có thể tới Osaka làm việc rồi về nhà trong ngày và ngược lại. Người dân ở một thành phố giờ đã có thể đi xem hòa nhạc hoặc mua sắm ở thành phố kia một cách dễ dàng, qua đó thúc đẩy hoạt động tiêu dùng trong nước. Tàu cao tốc cũng giúp cho việc đi tới các điểm du lịch hấp dẫn như cố đô Kyoto trở nên gần hơn, cho phép hành khách được ngắm cảnh đẹp kỳ vĩ của núi Fuji, bên cạnh nhiều lợi ích khác.


Nhật Bản đã làm lễ kỷ niệm 50 năm khai trương đoàn tàu Shinkansen tại ga Tokyo trong ngày 1/10

"Tàu Shinkansen đã giúp tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế Nhật Bản, thông qua việc đẩy nhanh tốc độ tập trung của cư dân và các ngành công nghiệp ở Tokyo"  - Osuke Itazaki, một nhà phân tích cao cấp tại Công ty Chứng khoán SMBC Nikko Securities ở Tokyo nói.

Trong những thập kỷ tiếp theo kể từ khi xuất hiện, mạng đường sắt cao tốc đã tiếp tục mở rộng, kết nối thêm các vùng đất khác nhau ở Nhật Bản và giờ đã đi tới gần như mọi thành phố đông dân nằm trên đảo chính Honshu cùng đảo Kyushu ở phía Nam.

Đã không còn giữ thế độc tôn

50 năm sau khi đi vào hoạt động, tàu Shinkansen không còn giữ thế độc tôn nữa. Vài quốc gia, gồm Trung Quốc, giờ đã có các mạng đường sắt cao tốc. Trong nỗ lực lấy lại vinh quang xưa kia, Nhật Bản đã thử nghiệm một đoàn tàu siêu tốc dựa trên công nghệ đệm từ (maglev). Các đoàn tàu maglev của Nhật Bản đã di chuyển với tốc độ 581 km/h trên đường chạy thử.

Người Nhật cũng có kế hoạch triển khai dịch vụ tàu maglev từ Tokyo tới Nagoya vào năm 2027. Tới năm 2045, tuyến maglev này sẽ kết nối Tokyo và Osaka. Việc đi lại giữa 2 thành phố sẽ giảm xuống chỉ còn 1 giờ 7 phút - một con số kỷ lục.

Song giới chuyên gia đã nghi ngờ tính khả thi của các kế hoạch trên. Họ chỉ ra rằng chi phí sản xuất đường ray và đoàn tàu maglev rất lớn. Ước tính riêng đoạn chạy từ Tokyo tới Nagoya đã tốn 100 tỷ USD. Liệu một Nhật Bản với nền kinh tế đang teo lại và dân số già đi nhanh có đủ tiềm lực để theo đuổi dự án dài hơi, quy mô lớn như thế? Câu hỏi lớn hơn nữa là đoàn tàu maglev sinh ra để phục vụ mục đích gì?

"Tôi không kỳ vọng nhu cầu đi lại của người dân Nhật Bản sẽ tăng lên mạnh một khi tàu maglev đi vào hoạt động" - Takaji Suzuki, một chuyên gia về kinh tế và hệ thống vận tải ở Đại học Chukyo nhận xét. Ông đánh giá dự án maglev được bật đèn xanh chẳng qua bởi đoàn tàu Shinkansen tới Osaka đang lão hóa và sẽ cần phải làm mới lại vào thời điểm nào đó.  "Khi anh nhìn vào quá trình biến đổi và đặc điểm cân bằng của dân số Nhật Bản, rõ ràng là công ty tiến hành chế tạo hệ thống maglev đang  ở trong tình thế không được lạc quan lắm" - Suzuki nói.

Đoàn tàu Shinkansen đầu tiên có tốc độ tối đa 210km/h. Trước đó, đoàn tàu nhanh nhất ở châu Âu cũng chỉ đạt tốc độ 160km/h. Ngày hôm nay tàu viên đạn ở Nhật Bản và những nơi khác có thể đạt tốc độ bằng và vượt mức 300km/h.

Tuy nhiên tốc độ nhanh quá làm cho hoạt động di chuyển bằng tàu cao tốc mất đi chút yếu tố lãng mạn. "Vấn đề nằm ở chỗ Nhật Bản chỉ là một quốc gia nhỏ" - Akari nói - "Nếu anh đi quá nhanh, anh sẽ tới đích nhanh. Anh sẽ chẳng còn thời gian mà thưởng thức một bữa ăn ngon lành trên tàu nữa".

Hương Giang (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›