Sở GTVT Hà Nội: Đã cấm là triệt để, không phân biệt xe tỉnh hay Hà Nội

Thứ Ba, 20/09/2016 18:32 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Liên quan đến đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội, ông Hà Huy Quang, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải khẳng định, đề án có đề cập đến việc cấm xe máy để giảm ùn tắc giao thông tại Thủ đô nhưng khi đã cấm là cấm triệt để tất cả các xe máy chứ không phân biệt xe biển ở tỉnh hay biển Hà Nội.

Theo ông Quang, đề án mới chỉ là dự thảo sơ bộ ban đầu và Sở Giao thông Vận tải đang tiếp tục lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện trước khi báo cáo Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.

“Về cơ bản đây mới là dự thảo được xây dựng để có cơ sở thảo luận, lấy ý kiến hẹp của các chuyên gia, nhà quản lý để tiến tới tổ chức hội thảo. Đề án chưa phải là đề xuất chính thức của Sở Giao thông Vận tải,” ông Quang phân trần.

Trả lời đến vấn đề được nhiều người quan tâm về đề xuất sẽ cấm xe máy ngoại tỉnh vào các tuyến đường nội đô Hà Nội, vị Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải thừa nhận, đề án có đề cập đến việc cấm xe máy để giảm ùn tắc giao thông tại Thủ đô.


Theo Sở Giao thông Vận tải, khi đã cấm là cấm triệt để tất cả các xe máy chứ không phân biệt xe biển ở tỉnh hay biển Hà Nội. Ảnh: PV/Vietnam+

Tuy nhiên, ông Quang cho rằng, khi đã cấm là cấm triệt để tất cả các xe máy chứ không phân biệt xe biển ở tỉnh hay biển Hà Nội. Đặc biệt, mới đây thành phố đã triển khai 12 tuyến phố đi bộ và đã cấm triệt để các loại phương tiện chứ không phân biệt xe của địa phương hay tỉnh ngoài.

Đề cập đến cơ sở của lộ trình, ông Quang cho rằng, khi triển khai đề án hạn chế phương tiện giao thông cá nhân tại khu vực nội đô (vành đai 1) sẽ lựa chọn các tuyến có đầy đủ hạ tầng từ trông giữ phương tiện đến việc vận hành hiệu quả các phương tiện vận tải khách công cộng để đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân. Khi các tiêu chí này đáp ứng được yêu cầu mới tiền hành cấm hoặc hạn chế phương tiện cá nhân.

Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân thành phố đã chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải cần gắn đề án này với việc xây dựng tổng thể hệ thống giao đô thị thông thông minh cho thành phố Hà Nội đến năm 2030.

Bên cạnh đó, theo ông Quang, Hiện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang phối hợp với Viện chiến lược Giao thông Vận tải nghiên cứu xây dựng đề án sau đó lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, nhà khoa học.

Về vấn đề này, các chuyên gia giao thông đều bày tỏ quan điểm, việc cấm xe máy ngoại tỉnh vào khu vực nội đô phải phụ thuộc vào tốc độ phát triển của giao thông công cộng bởi nếu không tính toán đến thì người dân không có phương tiện đi lại.

Mặt khác, nhiều chuyên gia cũng lo lắng đến việc các phương thức vận tải công cộng như xe buýt nhanh BRT, đường sắt đô thị, tàu điện ngầm không thể hoàn thành đúng với dự thảo lộ trình mà Hà Nội đưa ra hạn chế và tiến tới cấm xe máy ngoại tỉnh vào khu vực nội đô.

Thậm chí, các câu hỏi của đa số các chuyên gia đều đặt ra trường hợp đến khi cấm phương tiện cá nhân thì người dân di chuyển bằng phương tiện gì? Trả lời được câu hỏi đó không đơn giản vì đất không “nở” ra mà người thì đông lên. Phải có phương tiện thay thế để người dân đi.

Tại Đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia cũng như các bộ, ngành trong đó dự kiến, ôtô cá nhân sẽ bị hạn chế hoạt động theo giờ, xe máy ngoại tỉnh theo lộ trình sẽ bị dừng hoạt động vào khu vực nội đô (vành đai 1) từ 7 giờ đến 19 giờ hàng ngày đồng thời hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ các ngày trong tuần.

Theo đề án này, lộ trình hạn chế xe máy ở thủ đô theo 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1: Từ năm 2020 sẽ hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ hai ngày cuối tuần, lễ, Tết. Năm 2021 sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh vào khu vực nội đô (vành đai 1) từ 7 giờ đến 19 giờ hàng ngày đồng thời hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ các ngày trong tuần.

Giai đoạn 2: Từ năm 2023 sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh trong vành đai 2 đồng thời mở rộng hạn chế ra các tuyến phố cũ (phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt...).

Giai đoạn 3: Đến năm 2025 sẽ cấm xe máy một số địa điểm trong vành đai 3. Ôtô cá nhân sẽ bị hạn chế hoạt động theo giờ tại một số tuyến đường, khu vực. Ngoài ra, một số khu vực trung tâm cho phép ôtô cá nhân đi vào giờ cao điểm nhưng có thu phí.

Theo Việt Hùng - Vietnam+

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›