(TT&VH) - Đã từ trăm năm nay, những cây chè tuyết san cổ thụ ở Suối Giàng (Văn Chấn, Yên Bái) là nguồn thu nhập chính của đồng bào nơi đây. Song bước vào thời buổi kinh tế thị trường, chè Suối Giàng đang bị các thương lái tận thu ào ạt.
Vì cái lợi trước mắt, người Suối Giàng đang vô tình đẩy những cây chè đại thụ rơi vào "cái bẫy" (chẳng rõ vô tình hay hữu ý) của các thương lái trong và ngoài nước.
* Giá "nhảy" từng giờ
Vàng A Giàng thoăn thoắt hái những búp chè xanh mướt trước khi mặt trời khuất sau dãy Giàng A. "Hôm nay người ta mua cao, những 40.000 đồng/ cân. Mình cố hái thật nhiều chứ mai kia làm sao bán được giá này."- Vàng A Giàng háo hức.
Một lúc sau, cả yến chè đã ních đầy bao. Buộc chặt chè vào sau con xe Win cà tàng, cậu phăm phăm phi xuống núi. Song lúc này, bao chè ngót chục cân của Giàng bị các thương lái ra giá…50.000 đồng. "Nhưng lúc sáng vừa bán với 40.000 đồng 1 cân cơ mà, chỗ này phải 400 ngàn", cậu trai người Mông cố khự lại.
Hái chè ở Suối Giàng
Một tay thương lái chạc ngoại tứ tuần đáp lại với giọng lạnh tanh: "Giờ giá khác rồi. Có bán không để tao còn về đây?". – "Thôi, bán!" Giàng xót xa nhận 50.000 đồng rồi nhìn công sức cả ngày trời của mình lắc lư theo nhịp chân gã thương lái trước khi biến mất vào trong thùng xe đã ngộn chè.
Trường hợp bị tư thương o bế, "làm phép" để giá cả "nhảy múa" rồi phải bán chè giá rẻ của Giàng là tình trạng chung của đồng bào trồng chè ở Suối Giàng.
Ông Sùng A Nủ, Chủ tịch UBND xã Suối Giàng mô tả tỉ mỉ: "Người ta còn đánh ô tô lên đồi đón. Vì chè tươi không để qua đêm được. Độ 4, 5 giờ, cân rồi ô tô chở đi".
Tuy nhiên, khi được hỏi về những sự can thiệp cần thiết của chính quyền, bà Lâm Thị Kim Thoa, chủ nhiệm hợp tác xã Suối Giàng cho hay: HTX không quản lý, chính quyền địa phương giao chè cho người dân quản lý. Vì bản chất rừng chè này là của tự nhiên. Cách đây nhiều năm, nhà nước chia cho các gia đình. Nhiệm vụ của người dân là bảo vệ, chăm sóc, thu hái và bán cho các nhà máy. Ngày xưa chỉ có một nhà máy duy nhất của nhà nước là nhà máy chè Văn Hưng. Nhà máy chè Văn Hưng thu mua 100% sản lượng. Còn giờ, cơ chế thị trường thay đổi, nhiều nhà máy, nhiều xí nghiệp cùng mua chè Suối Giàng.
"Thương lái Trung Quốc sang mua"
Cũng theo bà Thoa, việc ép giá của thương lái làm ảnh hưởng tới thu nhập người dân là đáng quan ngại. Song nguy hiểm hơn là cách mua chè của một vài thương lái làm ảnh hưởng tới chất lượng cây chè cổ thụ trăm tuổi của Suối Giàng.
Bà Thoa kể tỉ mỉ hơn, những năm gần đây thương lái Trung Quốc tập trung về đây mua chè nguyên liệu về để sản xuất chè vàng của họ. Họ không mua xô bồ, lung tung như mấy năm trước, mà đòi mua chè rất non với giá rất cao. Cụ thể, chè xanh Suối Giàng do HTX Suối Giàng thu mua là loại chè “1 tôm, 2 lá” (nghĩa là 1 búp và 2 lá bánh tẻ ở dưới), giá dao động 10.000 đồng- 20.000 đồng/ kg. Còn thương lái Trung Quốc mua về làm chè vàng thì đòi hỏi người dân phải hái chè “1 tôm, 1 lá” (1 búp và 1 lá bánh tẻ ở dưới) giá khoảng 30, 50 tới 60 ngàn đồng/ kg. Đã thế, giá loại chè này rất phập phù vì thương lái luôn tìm cách đội giá lên, rồi vùi giá xuống để người trồng chè gặp khó.
Bà Thoa cho biết: "Người Trung Quốc sang mua với số lượng không nhiều. Nhưng ngần ấy người (thương lái Trung Quốc – PV) cũng không phải là ít vì sản lượng chè Suối Giàng đâu có nhiều đâu. Và họ lên Suối Giàng thường xuyên ít nhất ngày hai lần".
Một điểm tập kết hàng của thương lái ở lưng núi Giàng B
Khi được hỏi: "Thương lái mua quá nhiều có ảnh hưởng đến nguồn cung chè cho HTX Suối Giàng không?" Mặt buồn rượi, bà Thoa đáp: "Có lúc thấy khó mua. Do nguyên liệu không đạt tiêu chuẩn".
Bà Thoa cũng cho biết thêm, không chỉ riêng vùng Suối Giàng, các vùng chè San Tuyết đều có hiện tượng người Trung Quốc sang mua chè “1 tôm 1 lá”.
Ảnh hưởng xấu đến cây chè
Trước tình cảnh ấy, ông Sùng A Nủ, Chủ tịch UBND xã Suối Giàng tâm sự, họ mua 1 tôm 1 lá như vậy ảnh hưởng xấu tới cây chè. Xã đã cấm không cho dân làm. Chè là của dân thật, song nếu hái 1 cân chè 1 tôm 1 lá phải phạt ít nhất 10 cân vì hái vậy hại cho cây. Vừa rồi xã cũng đi điều tra nhưng chưa bắt được. Họ có hái nhưng chỉ nắm nắm, khó phát hiện lắm.
Trên thực tế, những năm gần đây, 396 ha rừng chè Suối Giàng (trong đó có 296 ha là chè cổ thụ, 100 ha là chè mới trồng) đang có những biểu hiện bất thường: rừng chè cổ thụ chết nhiều, vụ chè thay đổi không theo quy luật trăm năm nay. Có nhiều giả thuyết nguyên nhân của các hiện tượng trên. Và việc thu hái không đúng cách cũng có thể là nguyên nhân của những diễn biến bất thường đó.
"Theo kinh nghiệm, hái chè chưa đến lứa (quá non), sẽ ảnh hưởng không tốt đến lứa sau (làm giảm sản lượng). Bên cạnh đó, việc chỉ hái 1 tôm và 1 lá non, (trái với phương thức hái bao đời 1 tôm 2 lá) sẽ làm còn thừa lá thứ 3. Và lá bánh tẻ còn lại này sẽ hãm tốc độ sinh trưởng của cây chè" - Bà Thoa phân tích.
Mỗi năm, bà con xã Suối Giàng thu được khoảng 400 tấn búp tươi, sau khi sao chế chỉ còn 100 tấn chè khô thành phẩm. Nhưng với việc chè tươi cứ "chảy máu" khỏi Suối Giàng và có khi khỏi Việt Nam như hiện nay, cùng những tình trạng bất ổn về chất lượng cây chè, liệu rồi đây, chè tuyết san cổ thụ Suối Giàng nức tiếng có chìm vào quá khứ?
Phạm Mỹ