(Thethaovanhoa.vn) - Sau vụ việc cây phượng vĩ bật gốc vào sáng 26/5 tại Trường Trung học Cơ sở Bạch Đằng (Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh), Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam đã có công văn yêu cầu các trường trên địa bàn tăng cường công tác đảm bảo an toàn trường học, đặc biệt là rà soát lại hệ thống cây xanh để phòng chống tai nạn thương tích.
Trường Trung học Cơ sở Tràng An (huyện Bình Lục, Hà Nam) hiện có 31 cây xanh cổ thụ trong khuôn viên sân trường như: Xà cừ, phượng vĩ, bằng lăng đã được trồng từ 10-15 năm, có những gốc cây đường kính thân lên tới gần 2m, chiều cao hàng chục mét.
Thầy Trần Danh Hùng, Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Hệ thống cây xanh đa phần gắn liền với sự hình thành và phát triển nhà trường, hàng năm trường vẫn hợp đồng với cơ quan chức năng tiến hành tỉa cành, tạo không gian cho lớp học, hạ bớt chiều cao của cây để bán kính không quá 12m. Trong đó, 6 năm trường tiến hành nới bồn một lần để cho rễ cây phát triển, trồng thêm cây thân cỏ để giữ ẩm cho gốc cây. Trước mỗi mùa mưa bão, trường chủ động lập tờ trình báo cáo UBND xã, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Lục thực hiện việc cắt cành, tỉa lá để phần tán không nặng gây bật gốc, đảm bảo an toàn cho học sinh, cán bộ, giáo viên nhà trường. Tuy nhiên, nhiều năm qua, trường chưa thực hiện việc phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra, đánh giá hiện trạng thân cây, bộ rễ.
Tương tự, Trường Trung học Cơ sở Liêm Chính (thành phố Phủ Lý) cũng chưa bao giờ thực hiện việc đánh giá thực trạng cây xanh trong khuôn viên trường. Được biết, hệ thống cây xanh của trường đã có tuổi đời hơn 40 năm. Qua nhiều lần tôn tạo sân trường nâng nền, nhà trường cũng thực hiện việc tỉa cành, nới bồn cho cây cổ thụ trong khuôn viên.
Thầy Phạm Văn Quang, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Liêm Chính cho biết: Hiện nay, số cây trong khuôn viên nhà trường có tuổi đời lớn, trong khi việc chăm sóc và đánh giá thực trạng cây, các thầy cô không có chuyên môn. Vì thế, hiện nay, trường yêu cầu giáo viên thông báo và nhắc nhở thường xuyên để học sinh không tụ tập, chơi đùa dưới gốc các cây to và sẽ chủ động xin ý kiến của địa phương, ngành quản lý trong việc mời đơn vị chuyên môn tới kiểm tra, đánh giá cụ thể hiện trạng các cây cổ thụ để có biện pháp xử lý phù hợp nếu phát hiện thấy những bất thường.
Tỉnh Hà Nam hiện có 381 trường học các cấp. Hầu hết các trường học đều có một số lượng không nhỏ cây xanh được trồng, chăm sóc, quản lý nhằm mục đích tạo cảnh quan trường học xanh-sạch-đẹp.
Để tránh tai nạn thương tích có thể xảy ra, Sở Giáo dục và Đào tạo có công văn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương rà soát, đánh giá hiện trạng cơ sở vật chất, trường lớp nhất là cây xanh trong khuôn viên trường, xung quanh trường… có thể gây nguy hiểm. Từ đó, các nhà trường chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các công ty cây xanh khảo sát, cắt tỉa cành cây để phòng ngừa và khắc phục các yếu tố có nguy cơ mất an toàn, bảo đảm về thể chất và tinh thần cho giáo viên, học sinh trong các cơ sở giáo dục.
Ông Trịnh Xuân Thắng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Phủ Lý, cho biết: Sau khi có văn bản chỉ đạo của Sở, Phòng đã đến các trường để tăng cường công tác phối hợp thực hiện tốt các biện pháp phòng chống tai nạn thương tích, đảm bảo an toàn trường học. Đồng thời, đôn đốc kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất, trong đó có hạ tầng cây xanh, không để xảy ra các vụ việc mất an toàn trường học.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Oanh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Lục, cho biết: Do đặc thù địa bàn là nông thôn nên các trường học đều có số lượng cây xanh với mật độ dày. Nhiều trường còn có hệ thống cây cổ thụ lâu đời gắn liền với sự phát triển của trường. Hàng năm, Phòng đều có chỉ đạo các trường thực hiện cắt tỉa cành, chăm sóc cây với chủ trương không lơ là, chủ quan đối với vấn đề mất an toàn từ hạ tầng cây xanh. Bên cạnh sự chủ động trong công tác quản lý, các nhà trường cần có sự phối hợp, tham vấn từ phía các đơn vị chuyên môn để ngăn chặn tối đa nguy cơ gây mất an toàn với học sinh.
Trên thực tế, việc quản lý cây xanh được phân cấp thực hiện theo Điều 16 Nghị định 64/2010. Quy định nêu rõ “các tổ chức và cá nhân chịu trách nhiệm trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh trong khuôn viên do mình quản lý”. Như vậy, trách nhiệm quản lý cây xanh trong trường học thuộc về các trường. Tuy nhiên, việc đánh giá “khám bệnh cho cây” vẫn cần có sự vào cuộc của các cơ quan có chuyên môn.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Nhương, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần môi trường và công trình đô thị Hà Nam cho biết: Là đơn vị cổ phần có dịch vụ trồng và chăm sóc cây xanh, công ty có đội ngũ kỹ sư lâm nghiệp chuyên về cây xanh đủ khả năng “bắt bệnh” cho cây. Tuy nhiên, việc rà soát phân loại, đánh giá thực trạng cây xanh trong nhà trường cần có sự phối hợp với trường.
Trước mắt, công ty kết hợp với Phòng Quản lý đô thị các huyện, thị xã thành phố tiến hành khảo sát số lượng cây xanh và có phương án chăm sóc cây khi có yêu cầu. Qua khảo sát, hầu hết các cây xanh cho bóng mát trong các trường học đang phát triển bình thường, một số cây có hiện tượng mối mọt, cây lâu năm đơn vị đề xuất chặt hạ để trồng thay thế. Ông Nguyễn Văn Nhương cho rằng chỉ nên chặt hạ những cây nào thật sự nguy hiểm, còn lại vẫn phải sử dụng các biện pháp phòng chống để giữ bóng mát cho sân trường, tạo cảnh quan và không khí trong lành cho trường học.
Đại Nghĩa/TTXVN
Tags