(Thethaovanhoa.vn) - Vào ngày 8/6/1959, Cục bưu chính Mỹ, phối hợp với Hải quân, đã phóng đi một quả tên lửa hành trình chất đầy thứ mà họ đặt tên là “thư tên lửa”!
- Tàu ngầm Mỹ 'cõng' theo 154 tên lửa Tomahawk tới bán đảo Triều Tiên để làm gì?
- Tàu ngầm Mỹ chở đặc nhiệm SEAL 'mon men' vùng biển Bán đảo Triều Tiên
- Kịch bản đánh phủ đầu Triều Tiên của nhóm tàu sân bay, tàu ngầm Mỹ
Ngày nay, chỉ với giá tương đương một ly cà phê là thư của bạn có thể được Bưu chính Mỹ tiếp nhận và gửi tới bất cứ nơi nào trên lục địa Mỹ chỉ trong vòng 1 -2 ngày. Nhưng trước đây thì không như vậy, và đó là lý do người Mỹ gọi dịch vụ gửi thư là “snail mail” (thư sên).
Để giải quyết vấn đề này, vào thập niên 1950, ngành Bưu chính Mỹ đã vạch ra một kế hoạch táo bạo, dùng tên lửa loại lớn để chuyển thư từ cho nhanh.
Và vào ngày 8/6/1959, Cục bưu chính Mỹ, phối hợp với Hải quân, đã phóng đi một quả tên lửa chất đầy thứ mà họ đặt tên chính thức là “thư tên lửa”!
Hôm đó, tàu ngầm USS Barbero của hải quân Mỹ bắn một quả tên lửa hành trình (có thể mang theo đầu đạn hạt nhân) hướng về căn cứ hải quân ở Mayport, bang Florida. Sau quãng đường đi 100 dặm trong hơn 20 phút, nó sẽ “giao hàng”. Thay vì đầu đạn nặng 4.000 pound như thiết kế, quả tên lửa được gắn theo chiếc thùng chứa 3.000 bức thư. Nó trở thành “sứ giả” của cuộc chuyển thư bằng tên lửa đầu tiên và cũng là cuối cùng trên nước Mỹ.
Vụ phóng gây kinh ngạc, khi 3.000 lá thư được nhồi vào thân bom bởi chính Tổng Giám đốc Bưu điện Mỹ ông Arthu A. Summerfield. Trong số địa chỉ nhận thư có rất nhiều người Mỹ nổi tiếng, trong đó có Tổng thống Eisenhower.
Ông Summerfield rất lạc quan, khẳng định đây là “bước tiến lịch sử của loài người trên toàn thế giới” và rằng “trước khi con người tới được Mặt trăng, thư từ sẽ được chuyển đến người nhận chỉ trong vòng vài giờ từ New York tới California, tới Anh, Ấn Độ hay Australia bằng tên lửa dẫn đường”.
Đây không phải là lần đầu tiên con người dùng công cụ phóng để chuyển phát thông điệp, trong lịch sử từ xa xưa, cung tên đã thường xuyên được sử dụng để chuyển thông điệp ngang qua các con sông, các tường thành… Năm 1810, tác giả Heinrich von Kleist từng đăng bài viết có nhan đề “Những phát minh hữu ích” trong đó đề xuất dùng đạn pháo, chất đầy thư từ, để gửi thư đi khắp nước Đức thông qua một hệ thống các loại pháo kiểu này. Nhưng ý tưởng đó chưa bao giờ được ứng dụng.
Năm 1934, tại Áo, người ta đã từng thử chuyển thư bằng tên lửa không dẫn đường. Mỗi quả rocket mang 200-300 lá thư, được đựng trong thùng kim loại. Những quả rocket được phóng đi ở góc 65 độ, hướng lên trên tới khi nó hết nhiên liệu thì rơi xuống.
Tại Mỹ thì đã có một vài trường hợp, những người hâm mộ tên lửa sử dụng các loại máy bay chạy bằng năng lượng phản lực để gửi thư. Trong số này có sự kiện vào ngày 23/2/1936, một số quả rocket đã được dùng để phóng đi một loạt lá thư từ vùng Hồ Greenwood ở New York tới Hewitt, bang New Jersy, ngang qua một con hồ lớn đã đóng băng. Những quả tên lửa đã lao xuống đất sau một chặng bay chỉ xa khoảng nửa dặm. Toàn bộ thư từ sau đó được các nhân viên bưu điện Hewitt thu gom và đưa tới bưu điện để xử lý thêm.
Trở lại với sự kiện ngày 8/6/1959 khi Bưu chính Mỹ sốt sắng với kế hoạch “thư tên lửa”, cho dù lẽ ra họ cần một bước tiến công nghệ lớn nữa trước khi thử nghiệm.
Lãnh đạo ngành bưu chính, Arthur Summerfield khi đó lại rất tự tin về triển vọng của ý tưởng và coi đây như một bước tiến vượt trước đối thủ Liên Xô. Thời điểm đó Chiến tranh Lạnh đã bắt đầu và việc chuyển phát đi những kiện thư từ cách xa hàng trăm kilomet bằng tên lửa được Bộ Quốc phòng Mỹ coi là một màn trình diễn bất ngờ để phô trương sự chính xác của kho vũ khí Mỹ.
Cuối cùng, tên lửa được chọn để gửi thư là Regulus-1 – một loại tên lửa hành trình thông thường, được gắn với đầu đạn hạt nhân, nhưng trong kế hoạch này được thay thế bằng hai thùng đựng thư.
Mỗi quả tên lửa chứa khoảng 3.000 bức thư, gửi cho đủ mọi người, từ các nhân viên bưu điện của các quốc gia đồng minh cho tới Tổng thống Eisehnhower. Ngoài ra, Bưu chính Mỹ còn lưu ý rằng bất cứ ai trên con tàu ngầm nơi quả tên lửa được phóng đi đều nhận được một bản sao của lá thư như là một món đồ kỷ niệm sự kiện lịch sử này.
Quả tên lửa được phóng từ tàu ngầm USS Barbero. Mục tiêu của nó là căn cứ không quân của hải quân Mỹ ở Florida, cách nơi phóng hơn 300 km.
Trưa ngày 8/6/1959, quả tên lửa hạ cánh an toàn sau hành trình bay dài gần 22 phút. Đích thân ông Summerfield chờ sẵn để thu gom thư, và từ đây các lá thư được đưa đến bưu điện ở Jacksonville, bang Florida, rồi được phân loại.
Quá háo hức trước thành công của sứ mạng và tốc độ chuyển thư chưa từng có tiền lệ, ông Summerfield phát biểu: “Ứng dụng hòa bình của một quả tên lửa dẫn đường cho mục đích thực tế và quan trọng là chuyển thư, là ứng dụng tên lửa đầu tiê của ngành Bưu chính tại bất cứ quốc gia nào. Trước khi con người đặt chân lên Mặt trăng, thư từ sẽ được chuyển đi chỉ trong vòng vài giờ từ New York tới California, từ Anh tới Ấn Độ hay Australia bằng những quả tên lửa dẫn đường”.
Ông Summerfield còn mắc lỗi nghiêm trọng khi công bố cả cách thức chuyển thư bằng tên lửa, thậm chí còn giới thiệu cách cách thức Bưu chính Mỹ phối hợp với Bộ Quốc phòng để hiện thực hóa ý tưởng "thư tên lửa".
Tuy vậy, kế hoạch chuyển thư bằng tên lửa đã không thể tiến xa hơn. Sau đó, một số ý tưởng tương tự đã được thử nghiệm, như việc công ty XCOR Aerospace sử dụng một trong các máy bay EZ-Rocket để chuyển thư cho Bưu chính Mỹ từ Mojave tới California (cách khoảng 290km). Chương trình này nhằm chứng tỏ rằng, những quả tên lửa tái sử dụng có thể sẽ mang lại lợi ích kinh tế rõ ràng khi được dùng để gửi thư và bưu kiện đi bất cứ nơi đâu trên thế giới trong vòng vài tiếng.
Nhưng tới nay, “thư tên lửa” vẫn chỉ là một miếng bánh trong giấc mơ. Ngày nay Amazon đã tính đến kế hoạch dùng máy bay không người lái để chuyển phát thư từ, cho dù ông chủ Jeff Bezos có cổ phần lớn tại công ty tên lửa AND Amazon.
Theo Thu Hằng - Tin tức
Tags