Tết Nguyên đán: Đừng thản nhiên dùng chữ 'bỏ'

Thứ Ba, 24/01/2017 07:05 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Chỉ mươi, mười lăm năm trước, hiếm ai trong chúng ta hình dung tới một giả thiết đặc biệt: Ngày Tết Nguyên Đán sẽ không còn tồn tại ở Việt Nam.

Vậy mà, cuộc tranh cãi về vấn đề này bỗng rộ lên trước thềm năm mới 2017.

Thực tế, đây không phải lần đầu, ý tưởng này được nhắc tới. Như những gì được trích dẫn, đề xuất ấy đã từng được một chuyên gia lớn tuổi đưa ra từ cách đây hơn chực năm. Từ đó, vài năm một lần, vào dịp cuối năm, câu chuyện "bỏ Tết" lại được xới lên.

Để rồi, theo tiến trình thời gian ấy, sự quan tâm của dư luận lớn dần. Và nếu ở những năm đầu tiên, ý tưởng này rơi tõm vào sự im lặng, hờ hững của độc giả thì trong những năm gần đây, chuyện "bỏ Tết" bắt đầu nhận được sự hưởng ứng của thêm một số người.

***

Thế nhưng, chuyện tranh cãi ấy chỉ "nóng" trên không gian mạng. Còn lại, trong những ngày cuối năm âm lịch 2016 này, chỉ cần bước chân ra đường vài trăm mét, hẳn mỗi chúng ta đều thấy: những ý kiến đề nghị "bỏ Tết" không ảnh hưởng gì tới bầu không khí đón Xuân đang diễn ra ở mọi nơi.

Bầu không khí ấy không đơn thuần  đến từ cảnh trang trí phố phường, hay những bánh chưng, hoa đào, phong bao lì xì... được bày bán ở khắp mọi cửa hàng. Đó còn là cảnh tất bật mua sắm, tay xách nách mang ở mọi góc phố, mọi con đường, là cảnh dòng người cuồn cuộn đổ về các bến xe, ga tàu trong thành phố để về quê. Và phần nào, cả cảnh đi "chúc Tết sớm" của nhiều gia đình nữa.

Nghĩa là, hình như chuyện giữ hay bỏ Tết cũng vẫn dừng ở việc thể hiện quan điểm của cá nhân trên mặt báo hay mạng internet. Còn trong đời sống thường nhật, nếu cố gắng cân đong đo đếm đến mấy, hẳn chúng ta cũng khó mà tính được những ý kiến đề xuất "bỏ Tết" đã tác động tới đời sống thường nhật thế nào.


Với rất nhiều người Việt, ngày Tết vẫn là dịp đặc biệt để sum họp gia đình

Bởi, như nhiều ý kiến phân tích trong cuộc tranh luận ấy, Tết âm lịch không chỉ dừng ở vấn đề hưởng thụ, vui chơi hay giao lưu gặp gỡ. Trong tâm thức của người Việt, ngày Tết còn gắn bó với những giá trị cốt lõi và quan trọng nhất về truyền thống văn hóa, để tôn vinh đạo lý và gia đình.

Thực tế đã chứng minh: những giá trị hình thành theo lịch sử và trở thành phong tục như vậy không dễ thay đổi, dù chỉ ở sự sắp xếp cơ học về ngày. Chẳng hạn, cả chục năm nữa, chắc chắn, vẫn sẽ  không nhiều người thoải mái với việc dùng bữa ăn vào Tết dương lịch, hoặc những ngày cuối tuần bình thường, để thay thế cho bữa cơm sum họp gia đình theo câu "mùng Một ăn Tết nhà cha, mùng Hai Tết mẹ...."

Cứ cho là ý tưởng gộp Tết âm vào Tết dương sẽ tới lúc thực thi, chúng ta sẽ mất bao nhiêu năm để cộng đồng người Việt – đặc biệt là những người sống ở nông thôn, nơi nhịp điệu sinh hoạt gắn với lịch âm – cảm thấy thoải mái và đồng ý bứt ra khỏi nếp nghĩ đã bén rễ suốt hàng ngàn năm?

Như lời chia sẻ của GS Văn Như Cương với Thể thao &Văn hóa (TTXVN), người Việt có tới 80% là ở nông thôn, hoặc đã có tuổi thơ ở nông thôn. Và, với những người sống ở nơi xa như vậy, ngày Tết muôn đời vẫn là dịp đặc biệt nhất để tìm về bản quán, củng cố sợi dây liên kết giữa gia đình, họ hàng. Ông nói: "Tôi phản đối, và chắc chắn tất cả những người đang sống ở nông thôn đều phản đối. Bởi với cách nghĩ đơn giản của chúng tôi, những thay đổi theo thời gian của Tết chỉ là hình thức, còn bản chất của nó vẫn là những hằng số bất biến về sum họp gia đình, hướng về tổ tiên, hướng về cội nguồn, sinh hoạt cộng đồng..."

***

Cũng cần nói thêm, trong sự phản ứng của luồng ý kiến "khó chịu" với đề xuất thay đổi Tết âm lịch, một cách nghĩ chung thường được đưa ra: đó chỉ là quan điểm của những người trẻ, và ít nhiều có sự hờ hững với cái Tết cổ truyền.

Nhưng, trong những lần tiếp xúc với Thể thao &Văn hóa (TTXVN), khá nhiều gương mặt trẻ cũng tỏ ra không tán thành với quan điểm ấy.

Chẳng hạn, dù đề nghị không nên quy chụp, mạt sát những người đề xuất bỏ Tết âm, nhưng MC Phan Anh vẫn khá rõ ràng về quan điểm giữ Tết truyền thống. Anh trả lời ngắn gọn: "Mình phản đối việc gộp Tết Ta vào Tết Tây. Bởi với mình, Tết cổ truyền mãi mãi là một khoảng thời gian thiêng liêng, là một phần văn hoá Việt đẹp nhất và riêng nhất trong mình".


MC Phan Anh, một trong những gương mặt trẻ phản đối việc bỏ Tết Nguyên đán

Hoặc, một gương mặt ở độ tuổi 9x như violinist Hoàng Rob đưa ra một so sánh đơn giản từ công việc của mình: "Mỗi dân tộc trên thế giới đều có ngày Tết. Bản sắc riêng là điều vô cùng quan trọng trong  thời buổi hội nhập - khi mà nhiều yếu tố ngoại lai đang dần lấn át những giá trị cổ truyền.Giống như, là nghệ sĩ, nếu không có những cá tính riêng, mà chỉ chăm chăm học lại từ người khác, thì khó có thể thành công."

Là một người trẻ sống và làm việc xa quê hương, Hoàng Rob bảo rẳng với anh, Tết không chỉ là sự kiện về thời gian, mà còn là khái niệm nằm sâu trong tâm thức của mỗi người. Anh nói: "Dù càng trưởng thành, Tết đối với bản thân tôi càng khác đi, nhưng có một giá trị vẫn luôn vẹn nguyên. Đó là nghĩa vụ thiêng liêng của con cháu dành cho ông bà, tổ tiên trong những ngày đầu năm mới."


Violinist Hoàng Rob

Tết âm lịch là văn hóa truyền thống. Mà văn hóa truyền thống, không chỉ đơn thuần là những gì hiện hữu, hoặc những thói quen được duy trì trong cuộc sống hàng ngày. Xa hơn, đó còn là những giá trị thiêng liêng trong tâm thức, dù trong những thời khắc nhất định, chúng ta có thể vô tình không nhận ra.

Khi mà tâm thức vẫn hướng về những điều chưa thể và chưa tới lúc đổi thay, tại sao chúng ta không nghĩ về câu hỏi "Nên ăn Tết thế nào cho đúng, cho hay", mà lại thản nhiên đưa ra chữ "bỏ"?

Sơn Tùng – Ngọc Minh  - Mỹ Mỹ

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›