(Thethaovanhoa.vn) - Tọa lạc trên vùng đất cổ của hai nền văn hóa Núi Đọ và Đông Sơn, với hệ thống danh lam thắng cảnh phong phú, hấp dẫn hòa quyện giữa tự nhiên với các di tích văn hóa lịch sử, TP Thanh Hóa hội tụ nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
- Thanh Hóa tiếp tục hoàn thiện mẫu sản phẩm lưu niệm địa phương
- Thanh Hóa xây dựng phương án giải quyết nguyện vọng chuyển trường của nhiều giáo viên
TP Thanh Hóa sở hữu nhiều danh thắng nổi tiếng như Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng (với điểm nhấn là cầu Hàm Rồng anh hùng, Đền thờ các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các Anh hùng liệt sĩ, Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng); làng cổ Đông Sơn; di chỉ khảo cổ Núi Đọ với nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng; cụm di tích lịch sử văn hóa và thắng cảnh núi An Hoạch...
Trải dọc hai bên bờ sông Mã oai hùng là cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp với nhiều di tích văn hóa, lịch sử có giá trị. TP Thanh Hóa còn hội tụ 232 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 94 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh.
TP Thanh Hóa cũng được biết đến với nhiều trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống, các làn điệu dân ca độc đáo mang nét đặc trưng của người dân xứ Thanh như hò sông Mã, hát bội, hát ghẹo cùng hơn 100 lễ hội truyền thống được tổ chức mỗi năm. Đó là điều kiện thuận lợi, là tiềm năng để TP Thanh Hóa phát triển các loại hình du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh.
Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Bắc Trung bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định TP Thanh Hóa cùng với TP Sầm Sơn và huyện Tĩnh Gia là một trong số các địa bàn trọng điểm du lịch. Theo đó, điểm di chỉ khảo cổ Núi Đọ và Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng là một trong 25 điểm du lịch địa phương của vùng Bắc Trung bộ. Theo phân vùng phát triển du lịch trong chiến lược phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, TP Thanh Hóa cũng được xác định là một trong ba cụm trọng điểm của tỉnh. Để khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, những năm qua, cùng với sự đầu tư của tỉnh, của các doanh nghiệp, thành phố đã huy động đầu tư xây dựng các khu, điểm du lịch.
Nhiều công trình đưa vào hoạt động đã tạo điểm nhấn cho thành phố như Tượng đài Anh hùng dân tộc Lê Lợi, Khu văn hóa tưởng niệm Bác Hồ, quảng trường Lam Sơn, quảng trường Hàm Rồng, Đền thờ các Mẹ Việt Nam Anh hùng và các Anh hùng liệt sĩ, công viên Hội An, Khu tưởng niệm các giáo viên và nữ sinh Hàm Rồng, di tích Đồi C4 anh hùng, kè đê sông Mã... Cùng với đó, nhiều di tích đang được trùng tu, tôn tạo khang trang như Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng, Thái miếu nhà Hậu Lê, chùa Chanh, chùa Tăng Phúc, đền thờ Tống Duy Tân, cụm di tích núi Voi..., góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh của nhân dân và khách du lịch.
Ngoài chú trọng vào công tác đầu tư, hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch cũng được đẩy mạnh. TP Thanh Hóa đã tham gia nhiều sự kiện như “Không gian văn hóa Đông Sơn” trong tuần giao lưu văn hóa Việt - Nhật tại TP Hội An; Liên hoan văn hóa ẩm thực khu vực Bắc miền Trung và một số tỉnh phía Bắc; Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM - Hà Nội; tham gia phiên họp đầu tiên của Dự án “Thành lập mạng lưới các thành phố văn hóa của Diễn đàn hợp tác Đông Á - Mỹ Latinh” tại TP Huế...
Thông qua các hoạt động này đã tạo cơ hội để TP Thanh Hóa tích cực, chủ động hơn trong hội nhập ở lĩnh vực du lịch, đồng thời là dịp để giới thiệu, quảng bá hình ảnh xứ Thanh tới bạn bè trong nước và quốc tế, tạo đà thúc đẩy phát triển du lịch của thành phố và của tỉnh. Đặc biệt, để đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thu hút ngày càng đông du khách đến với xứ Thanh, thành phố đã công bố 16 tour du lịch tham quan TP Thanh Hóa, kết nối các trọng điểm du lịch lân cận trong tỉnh và tuyến du lịch Thanh Hóa – Hội An.
Để định hướng rõ bước đi cụ thể cho tương lai du lịch thành phố, năm 2014, UBND TP Thanh Hóa đã ban hành đề án “Phát triển du lịch TP Thanh Hóa đến năm 2030”, năm 2016 “Chương trình phát triển du lịch TP Thanh Hóa giai đoạn 2016 – 2020” cũng được ban hành. Theo quy hoạch, du lịch thành phố sẽ phát triển theo hướng du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch hội nghị, du lịch giáo dục, vui chơi giải trí cuối tuần... gắn với bảo tồn các giá trị thiên nhiên và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo đảm cho thành phố phát triển bền vững trên mọi phương diện; tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù, có chất lượng cao, mang thương hiệu du lịch TP Thanh Hóa.
Thành phố sẽ phát triển đô thị và du lịch dọc 2 bờ sông Mã; đồng thời quy hoạch và đầu tư phát triển hệ thống các công trình vui chơi giải trí, thể thao, các dịch vụ bổ trợ đi kèm để kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch; bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa, lễ hội truyền thống phục vụ du lịch; xây dựng và hình thành một số tuyến phố ẩm thực, phố đi bộ, phố mua sắm; tập trung xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng nhằm khai thác tối đa các tiềm năng, thế mạnh vốn có.
Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 thu hút 60.000 lượt khách du lịch quốc tế và 1,84 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 100 triệu USD; năm 2025 thu hút 192.000 lượt khách du lịch quốc tế và 3,3 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 273 triệu USD; đến năm 2030 thu hút 750.000 lượt khách du lịch quốc tế và 5,25 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 727 triệu USD, trong thời gian tới TP Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội và cộng đồng đối với sự phát triển du lịch của thành phố.
Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá du lịch trên các phương tiện truyền thông; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nhiều loại hình tham quan, các khu vui chơi giải trí mới, hiện đại tại các khu du lịch đã được quy hoạch. Đẩy mạnh liên kết và hợp tác giữa các địa phương trong tỉnh, với các tỉnh, vùng phụ cận... để TP Thanh Hóa trở thành điểm đến lý tưởng của du khách gần xa.
Thu Vui
Tags