(Thethaovanhoa.vn) - Thông tin từ Bộ Y tế chiều 12/3 cho biết, từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 12/3, Việt Nam ghi nhận 15 ca mắc mới (2536-2550), trong đó có 13 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Quảng Ninh, Bình Dương, Đồng Nai và 2 ca tại Hải Dương.
Ca bệnh 2536 (nữ, 24 tuổi), là chuyên gia, quốc tịch Philippines. Ngày 10/3/2021, bệnh nhân từ Hàn Quốc nhập cảnh Sân bay Nội Bài, đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Quảng Ninh. Kết quả xét nghiệm ngày 12/3/2021 là dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.
Ca bệnh 2537 (nam, 58 tuổi), là chuyên gia của Hồng Kông (Trung Quốc). Ngày 10/3/2021, bệnh nhân từ Philippines nhập cảnh Sân bay Tân Sơn Nhất, đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Bình Dương. Kết quả xét nghiệm ngày 11/3/2021 là dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương.
Ca bệnh 2538 (nữ, 33 tuổi), địa chỉ tại huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh; 2539 (nữ, 43 tuổi), địa chỉ tại huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh; 2540 (nữ, 34 tuổi), địa chỉ tại An Đồng, Hải Phòng; 2541 (nữ, 21 tuổi), địa chỉ tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang; 2542 (nữ, 26 tuổi), địa chỉ tại Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh; 2543 (nữ, 29 tuổi), địa chỉ tại huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa; 2544 (nam, 35 tuổi), địa chỉ tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An; 2545 (nam, 51 tuổi), địa chỉ tại huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương; 2546 (nam, 27 tuổi), địa chỉ tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình; 2547 (nam, 47 tuổi), địa chỉ tại huyện Đông Anh, Hà Nội; 2548 (nam, 38 tuổi), địa chỉ tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Ngày 10/3/2021, các bệnh nhân trên (đều có quốc tịch Việt Nam) từ UAE (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) nhập cảnh Sân bay Tân Sơn Nhất, đã được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Đồng Nai. Kết quả xét nghiệm ngày 11/3/2021, các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai.
- Dịch Covid-19: LHQ phát động phong trào ủng hộ cung cấp vaccine một cách bình đẳng
- Không có ca mắc Covid-19 trong nước, có 4 ca nhập cảnh được cách ly ngay
Ca bệnh 2549 ghi nhận tại Chí Linh, tỉnh Hải Dương, là công nhân Công ty TNHH Điện tử Poyun Việt Nam, F1 của bệnh nhân 2296 và 2402, đã được cách ly tập trung trước đó. Kết quả xét nghiệm ngày 11/3/2021 là dương tính với SARS-CoV-2. Ca bệnh 2550 ghi nhận tại Chí Linh, tỉnh Hải Dương, là công nhân Công ty TNHH Điện tử Poyun Việt Nam, đã được cách ly tập trung trước đó, kết quả xét nghiệm ngày 10/3/2021 là dương tính với SARS-CoV-2. Hiện cả hai bệnh nhân đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 3 - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương cơ sở 2.
Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 12/3, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 2.550 ca mắc COVID-19. Trong đó có 1.592 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, 899 ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 có 38 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh gồm bệnh nhân 2156, 2201, 2178, 2182, 2194, 2155, 2327, 2312, 2344, 1993, 2154, 2388, 2404, 2084, 2331, 1913, 2351, 2301, 1928, 2383, 2426, 1722, 2158, 1862, 2444, 2437, 2453, 2454, 2164, 2068, 2354, 2355, 2505, 2506, 2507, 1763, 1659, 2452.
Đến nay, Việt Nam đã chữa khỏi 2.086 bệnh nhân; ghi nhận 35 ca tử vong liên quan đến COVID-19 trên nền bệnh lý trầm trọng.
Trong số những bệnh nhân đang được tiếp tục điều trị tại các cơ sở y tế, 48 người có kết quả xét nghiệm âm tính lần một với SARS-CoV-2, có 48 người âm tính lần hai và 91 người âm tính lần ba.
Cả nước hiện có 44.540 người tiếp xúc gần với các bệnh nhân COVID-19 hoặc nhập cảnh từ vùng dịch, đang được cách ly theo dõi sức khỏe; trong đó 497 người được cách ly tại bệnh viện, 15.065 người được cách ly tập trung tại các cơ sở khác, 28.978 người được cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
* Đảm bảo tiêm chủng đến đâu bảo đảm an toàn đến đấy
Chiều 12/3, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đề cập về thông tin đã xảy ra một số phản ứng nghiêm trọng sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca tại một số nước châu Âu, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Lãnh đạo Bộ Y tế đã nghe báo cáo và phân tích từ các đơn vị triển khai Chương trình Tiêm chủng mở rộng, các chuyên gia, nhà khoa học, cùng các thông tin từ Cơ quan Dược châu Âu (EMA) và các quốc gia cho thấy chưa tìm ra sự liên quan giữa những trường hợp gặp sự cố nghiêm trọng sau khi tiêm chủng với vắc xin AstraZeneca, một số trường hợp đang tiếp tục nghiên cứu. Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia tiếp tục triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca.
“Việc triển khai tiêm chủng phải thực hiện theo đúng quy trình chặt chẽ, an toàn, hiệu quả. Người được tiêm chủng được theo dõi tại chỗ 30 phút sau khi tiêm. Nếu có phản ứng, thì được theo dõi tiếp tại phòng bệnh trong 24 giờ. Sau khi về nhà, tiếp tục theo dõi sức khỏe trong những ngày sau đó và thông báo ngay cho cơ quan y tế khi có bất kỳ phản ứng bất thường nào xảy ra để được chẩn đoán và xử trí kịp thời. Đây là quy trình được Bộ Y tế chỉ đạo hết sức chặt chẽ. Tiêm đến đâu bảo đảm an toàn đến đấy”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.
Tại Việt Nam, để chủ động phòng, chống dịch COVID-19 và bảo vệ sức khỏe cho người dân, Bộ Y tế đã phê duyệt sử dụng vắc xin có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Khi về đến Việt Nam, vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca đã được Viện Kiểm định Quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm y tế tiến hành lấy mẫu kiểm định theo quy định và có giấy chứng nhận xuất xưởng ngày 4/3/2021.
Để đảm bảo an toàn trước khi triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, ngày 6/3/2021 Bộ Y tế đã tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về hướng dẫn sử dụng và tổ chức tiêm chủng vắc xin COVID-19 bao gồm đối tượng sử dụng, chỉ định, chống chỉ định của vắc xin, sử dụng phiếu sàng lọc trước tiêm chủng để thực hiện khám sàng lọc nhằm đảm bảo chỉ định đúng. Cán bộ y tế các tuyến cũng đã được các chuyên gia đầu ngành hướng dẫn về theo dõi phát hiện sự cố bất lợi sau tiêm chủng và xử trí trường hợp phản vệ. Đồng thời, Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia đã hướng dẫn các tỉnh/thành phố lập kế hoạch chi tiết triển khai và các phương án tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản vắc xin.
Qua 4 ngày triển khai từ 8-11/3/2021, trong số 1.585 mũi tiêm đã thực hiện tại 13 cơ sở của 9 tỉnh, thành phố, các tuyến đã ghi nhận các trường hợp phản ứng sau tiêm, hầu hết các trường hợp này là phản ứng thông thường như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, phát ban, đau cơ, đau đầu, tiêu chảy… và 5 trường hợp phản vệ độ 2 (2 trường hợp đã hồi phục và ra viện, 3 trường hợp đã ổn định, đang tiếp tục được theo dõi), 2 trường hợp tiêu chảy và 1 trường hợp kẹt huyết áp.
Đây là vắc xin mới đưa vào sử dụng, vì vậy các dữ liệu về hiệu quả cũng như tính an toàn trên thế giới vẫn đang được Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế các nước và các nhà sản xuất theo dõi, cập nhật thường xuyên. Bộ Y tế khuyến cáo người dân khai báo đầy đủ cho cán bộ y tế về tiền sử dị ứng và các bệnh cho cán bộ y tế, chủ động theo dõi sức khỏe.
TTXVN
Tags