(Thethaovanhoa.vn) - Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15/5 đã mở lại phiên tòa xét xử Metin Topuz, công dân Thổ Nhĩ Kỳ làm việc cho lãnh sự quán Mỹ, với cáo buộc làm gián điệp. Đây là một trong những vụ việc làm gia tăng căng thẳng giữa Ankara và Washington - quốc gia đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO).
Topuz, bị bắt năm 2017, với cáo buộc liên lạc với cảnh sát và một công tố viên bị tình nghi có quan hệ với giáo sĩ Fethullah Gulen, nhân vật đang sống lưu vong tại Mỹ và bị chính quyền Ankara cáo buộc là chủ mưu cuộc đảo chính bất thành diễn ra ngày 15/7/2016. Bên cạnh đó, Topuz cũng bị cáo buộc làm gián điệp và sắp xếp việc buôn bán vũ khí thông qua dịch vụ WhatsApp.
Tại phiên tòa, Topuz đã bác bỏ mọi cáo buộc, khẳng định không phải là người đưa ra quyết định và mọi việc làm đều tuân theo chỉ thị của lãnh đạo cấp trên tại Cơ quan phòng chống ma túy Mỹ (DEA), đồng thời nhấn mạnh tất cả các cuộc liên lạc là một phần công việc. Luật sư của Topuz cũng đệ trình một danh sách các cuộc gọi mà Topuz đã thực hiện với cảnh sát, cho biết các cuộc gọi này hoàn toàn liên quan đến công việc.
Phiên tòa diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đồng minh trong NATO đang gia tăng bất đồng liên quan đến tình hình tại Syria, cũng như quyết định của Ankara mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga và Washington bác bỏ việc dẫn độ giáo sĩ Gulen.
- FBI điều tra các vụ gián điệp kinh tế của Trung Quốc
- Trung Quốc xác nhận bắt giữ công dân Australia gốc Hoa tình nghi làm gián điệp
- Bộ Ngoại giao Iran phủ nhận cáo buộc cài gián điệp vào quân đội Đức
Kể từ sau khi đập tan đảo chính quân sự năm 2016, chính quyền của Tổng thống Tayyip Erdogan đã bắt giữ hàng chục nghìn người bao gồm cả cảnh sát, sĩ quan quân đội hay các viên chức nhà nước bị nghi ngờ dính líu đến giáo sĩ Gulen.
TTXVN
Tags