(Thethaovanhoa.vn) - Thời tiết Tết từ ngày 30 Tết đến 3 Tết Tân Sửu, miền Bắc trời nhiều mây về đêm và sáng, vùng đồng bằng có khả năng có mưa nhỏ, mưa phùn, nhiệt độ có xu hướng ấm hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1,0 độ C.
Trung bộ nhiều mây về đêm và sáng, sáng sớm có sương mù nhẹ, ngày trời nắng. Tây Nguyên và Nam Bộ không mưa, ngày trời nắng.
Từ ngày 30 đến mùng 3 Tết, Bắc Bộ mưa phùn, miền Trung miền Nam nắng
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa tổ chức cung cấp thông tin về thời tiết Tết Tân Sửu, cũng như xu thế thiên tai năm 2021 và hội thảo khai thác, sử dụng thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phục vụ cộng đồng.
Nhận định về thời tiết Tết Tân Sửu 2021, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Trần Quang Năng cho biết, khoảng ngày 2/2 tức ngày 21 tháng Chạp âm lịch có không khí lạnh yếu ảnh hưởng tới miền Bắc, nên khoảng thời gian ngay trước 23 tháng Chạp, miền Bắc trời rét về đêm và sáng.
Riêng ngày 4/2 tức ngày 23 tháng Chạp - Tết ông Công ông Táo, thời tiết khá thuận lợi, không mưa, ngày nắng.
Khoảng ngày 5-6/2 tức 24-25 tháng Chạp, miền Bắc tiếp tục ảnh hưởng của 1 đợt không khí lạnh yếu, lệch Đông. Khoảng ngày 8/2 tức ngày 27 tháng Chạp trở đi không khí lạnh suy yếu.
Thời tiết từ ngày 30 Tết đến 3 Tết Tân Sửu, miền Bắc trời nhiều mây về đêm và sáng, vùng đồng bằng có khả năng có mưa nhỏ, mưa phùn, nhiệt độ có xu hướng ấm hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1,0 độ C. Trung bộ nhiều mây về đêm và sáng, sáng sớm có sương mù nhẹ, ngày trời nắng. Tây Nguyên và Nam Bộ không mưa, ngày trời nắng.
Nhìn chung, trong dịp Tết Tân Sửu ít có khả năng xảy ra thiên tai nguy hiểm, ít khả năng xảy ra dông, lốc, sét, mưa đá như Tết Canh Tý. Trên biển Đông chưa có dấu hiệu xuất hiện của bão, áp thấp nhiệt đới.
Năm 2021, xoáy thuận nhiệt đới có khả năng xuất hiện sớm trên Biển Đông
Đề cập đến xu thế thời tiết, thiên tai năm 2021, Trưởng phòng Dự báo thời tiết Trần Quang Năng cho rằng, xoáy thuận nhiệt đới (bão, áp thấp nhiệt đới) có khả năng xuất hiện sớm trên Biển Đông, số lượng xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến nước ta có xu hướng tương đương so với trung bình nhiều năm.
- Học sinh Hà Nội nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 9 ngày
- Mức thưởng Tết Nguyên đán Tân Sửu cao nhất tại Thừa Thiên - Huế là 395 triệu đồng
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 chính thức
Nửa đầu mùa bão (tháng 6-8), xoáy thuận nhiệt đới sẽ tập trung ở khu vực Bắc và giữa Biển Đông, có khả năng ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Thời kỳ nửa cuối mùa (từ tháng 9-11) sẽ tập trung ở khu vực giữa và Nam Biển Đông, ảnh hưởng đến khu vực Bắc Trung bộ trở vào phía Nam.
Nhiệt độ trung bình các tháng trong năm 2021 có xu hướng từ xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm, riêng các tháng cuối năm có xu hướng ở mức xấp xỉ đến thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Nắng nóng ở các khu vực có khả năng xuất hiện tương đương so với trung bình, tuy nhiên không gay gắt và kéo dài như năm 2020.
Tổng lượng mưa 6 tháng đầu năm 2021 có xu hướng xấp xỉ đến thấp hơn trung bình nhiều năm. Trong 6 tháng cuối năm 2021 (các tháng chính của mùa mưa trên hầu hết các khu vực) lượng mưa có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn quốc. Đặc biệt, mưa nhiều hơn so với trung bình ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ vào tháng 7-9/2021 và từ tháng 10-12/2021 ở khu vực Trung Bộ.
Dòng chảy thượng nguồn về Đồng bằng sông Cửu Long suy giảm, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có xu thế gia tăng từ cuối tháng 1/2021.
Các đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 2 (từ 9-15/2, trùng vào thời kỳ Tết Nguyên đán Tân Sửu và thời kỳ từ 26/2-2/3) và tháng 3 (từ 12-16/3, từ 25-29/3); riêng các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 4 (từ 9-14/4, từ 24-28/4), sau đó xâm nhập mặn giảm dần.
Dự báo phạm vi xâm nhập mặn (4g/l) sâu nhất mùa khô năm 2021 tại các cửa sông Cửu Long khoảng 50-75km (thấp hơn năm 2020 khoảng từ 20-30 km), trên các sông Vàm Cỏ từ 85-95km; sông Cái lớn từ 45-52km.
Chỉ số tia cực tím tại các thành phố trong cả nước ở mức gây hại cao đến rất cao
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, chỉ số cực tím (UV) từ ngày 2-4/2 tại các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ đều có nguy cơ gây hại cao. Các tỉnh, thành phố từ Nha Trang (Khánh Hòa) đến Cà Mau có nguy cơ gây hại rất cao.
Chỉ số tia UV dao động từ 0 - 2 được xem là thấp. Chỉ số tia UV từ 3-5 là nguy cơ gây hại trung bình, từ 6-8 nguy cơ gây hại cao, trên 8 là nguy cơ gây hại rất cao.
Từ ngày 2-4/2, chỉ số tia UV tại thành phố Hà Nội lần lượt là 6-4-6; thành phố Hải Phòng là 7-7-7; thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) là 6-4-7; thành phố Huế (Thừa Thiên -Huế) là 8-8-8; thành phố Đà Nẵng là 8-7-8; thành phố Hội An (Quảng Nam) là 8-7-7.
Thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) là 9-8-9, Thành phố Hồ Chí Minh 9-9-9; thành phố Cần Thơ 9-9-9; thành phố Cà Mau (Cà Mau) là 7-9-9.
Ngày 1/2, các tỉnh, thành phố Bắc Bộ đều có chỉ số UV cao: Thành phố Hà Nội 6,1; thành phố Hải Phòng 7,0.
Các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Trung Bộ và Nam Bộ đều ở mức rất cao: Thành phố Huế (Thừa Thiên -Huế) là 7,9; thành phố Đà Nẵng là 8,0; thành phố Hội An (Quảng Nam) là 7,9; thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) là 8,7; Thành phố Hồ Chí Minh 8,9; thành phố Cần Thơ 8,9; thành phố Cà Mau (Cà Mau) là 9,0.
Chỉ số tia cực tím (UV) là phép đo tiêu chuẩn quốc tế về độ mạnh của bức xạ cực tím từ ánh sáng mặt trời. Chỉ số tia cực tím từ 7,5 - 10,4 có nguy cơ gây hại rất cao, có khả năng gây bỏng cho da nếu tiếp xúc trực tiếp dưới ánh mặt trời liên tục trong 25 phút. Người dân cần có biện pháp che chắn khi ra ngoài trời, bôi kem chống nắng, đeo kính râm. Khi chỉ số tia cực tím ở mức từ 9-10, người dân cần hạn chế ra ngoài trời vào thời điểm ban trưa, nên ở dưới bóng mát, lúc này việc đeo kính râm, đội mũ là bắt buộc. Chỉ số tia cực tím từ 11 trở lên được xem là cực kỳ cao, rất nguy hiểm, có nguy cơ làm tổn thương da và mắt khi tiếp xúc trực tiếp trong 15 phút mà không được bảo vệ. Chỉ số tia cực tím ở mức 12 là mức nguy hiểm cực độ.
Việc tiếp xúc quá lâu với tia UV sẽ gây tổn thương và có nguy cơ dẫn đến ung thư da. Người tiếp xúc với bức xạ cực tím còn gây ra ức chế hệ thống miễn dịch. Các nhà khoa học cho rằng, việc cháy nắng có thể làm thay đổi sự phân bố và chức năng của các tế bào bạch cầu suốt đến 24 giờ sau khi tiếp xúc với ánh nắng. Nếu tình trạng này lặp đi lặp lại lâu dài sẽ gây hại nhiều hơn đến hệ thống miễn dịch của con người.
Nhóm P.V
Tags