(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 12/12, tại Hà Nội, Tổng cục Môi trường tổ chức Hội thảo về Quy chế trao đổi thông tin hai chiều giữa người dân, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về môi trường.
- Khuyến khích đầu tư tăng trưởng xanh: Đưa môi trường làm tiêu chí thẩm định tín dụng
- Đề xuất giải pháp thực hiện tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường giúp doanh nghiệp phát triển bền vững
- Tìm giải pháp nâng cao công tác quản lý dữ liệu môi trường
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức cho biết, Quy chế này là quy định nguyên tắc hoạt động, nội dung phối hợp và trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc Tổng cục trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin và phản hồi các ý kiến (phản ánh, kiến nghị, góp ý…) của người dân, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến môi trường.
Theo đó, đơn vị tiếp nhận thông tin qua cổng thông tin điện tử của Tổng cục Môi trường là Trung tâm Thông tin và tư liệu môi trường; đồng thời sàng lọc thông tin đầu vào về những vấn đề môi trường thuộc trách nhiệm của Tổng cục. Từ đó phối hợp với các đơn vị chức năng của Tổng cục xử lý theo chức năng, nhiệm vụ để sớm có thông tin phản hồi đến người dân, cộng đồng dân cư và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Tổng cục Môi trường xây dựng Khung chương trình truyền thông đa phương tiện, thuộc nhiệm vụ: “Xây dựng hệ thống, cơ chế trao đổi thông tin hai chiều giữa cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước qua truyền thông đa phương tiện”.
Thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường, vi phạm pháp luật về môi trường bùng phát, xảy ra nhiều sự cố môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống và an ninh trật tự xã hội. Chỉ tính từ đầu năm 2016 đến nay, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 50 vụ việc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đặc biệt là sự cố ô nhiễm biển tại 4 tỉnh miền Trung.
Do đó, việc xây dựng Quy chế trao đổi thông tin hai chiều giữa người dân, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về môi trường; cùng với xây dựng Khung chương trình truyền thông đa phương tiện về lĩnh vực môi trường là rất cần thiết. Ngoài việc nâng cao nhận thức của công dân về bảo vệ môi trường, việc thực hiện quy chế còn góp phần phát hiện các tấm gương, mô hình tốt trong đấu tranh cũng như giảm thiểu ô nhiễm, thân thiện với môi trường; huy động được nguồn nhân lực và mạng lưới truyền thông môi trường, góp phần thực hiện thành công xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường.
Tại Hội thảo, các nhà quản lý, chuyên gia và những người làm công tác truyền thông đã đóng góp nhiều ý kiến bổ ích, để hoàn thiện Quy chế trao đổi thông tin hai chiều trở thành kênh giao tiếp thuận lợi cho cộng đồng, doanh nghiệp phản ánh về môi trường một cách trực tiếp, tránh chồng lấn với Quy chế đường dây “nóng” sẽ được Tổng cục Môi trường ban hành sắp tới; tạo lập ra Khung chương trình truyền thông đa phương tiện một cách hợp lý mang lại hiệu quả cao, giúp cộng đồng dân cư, doanh nghiệp nắm bắt nhanh các chương trình, chính sách bảo vệ môi trường của Đảng và Nhà nước.
Văn Hào
Tags