(Thethaovanhoa.vn) - Tuyến Dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (Km0+000 – Km139+204) với độ dài toàn tuyến gần 140 km đã được chính thức thông xe và đưa vào khai thác hoàn toàn vào sáng ngày 02/09.
- Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát lệnh thông xe tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng
- Cao tốc Hạ Long-Hải Phòng thông xe vào ngày 1/9
- Phó Thủ tướng yêu cầu gỡ vướng thủ tục, đảm bảo tiến độ cao tốc Bắc-Nam
Dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi là dự án đường bộ cao tốc đầu tiên ở khu vực miền Trung do VEC làm chủ đầu tư, quản lý khai thác.
Việc hoàn thành và đưa dự án vào khai thác không chỉ góp phần hoàn thiện tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam mà quan trọng hơn là đánh thức tiềm năng. Đồng thời, thúc đẩy liên kết giao thương và phát triển kinh tế-xã hội khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Từ đó, góp phần cải thiện đời sống của người dân ở khu vực phía Tây tuyến đường từ thành phố Đà Nẵng qua các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Phát biểu tại lễ thông xe, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực và tinh thần trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải, Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), các cấp, các ngành các địa phương có tuyến đường đi qua, các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, hoàn thành một dự án hết sức có ý nghĩa với sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung.
Cùng đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cảm ơn Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Thế giới (WB) đã tài trợ vốn cho dự án và hợp tác chặt chẽ, hiệu quả trong suốt quá trình thực hiện dự án.
Để bảo đảm khai thác an toàn, hiệu quả toàn bộ tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các công trình phụ trợ trên tuyến đường gom, hệ thống rào chắn, biển báo,…
Đặc biệt, yêu cầu Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước trong tổ chức quản lý khai thác, bảo trì công trình, đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, vận hành công trình an toàn, thông suốt và hiệu quả.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, các quy hoạch ngành, sản phẩm trên cơ sở tái cấu trúc nền kinh tế, gắn với hệ thống hạ tầng giao thông mới để tận dụng cơ hội mà đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi mang lại, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là tiềm năng kinh tế biển của các tỉnh.
Mặt khác, xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết để huy động nguồn lực, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, phong trào. Các địa phương cũng cần phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam để kịp thời hỗ trợ, phối hợp xây dựng các hạng mục công trình kết nối nhằm phát huy cao nhất hiệu quả của toàn bộ tuyến đường, phục vụ kinh tế, đời sống của nhân dân.
Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Giao thông Vận tải, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam và chính quyền các địa phương cần quan tâm đến người dân, nhất là các hộ nghèo. Phát triển đường cao tốc song song với phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, để người dân được hưởng những lợi ích mà công trình mang lại.
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị quản lý và người dân cần chung tay có ý thức chăm lo bảo dưỡng và bảo vệ các công trình, hạng mục công trình đã hoàn thành, bảo đảm chất lượng cho công trình, ngày càng bền vững, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng các đồng chí lãnh đạo bộ, ngành, trung ương và địa phương đã cắt băng thông xe tuyến đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.
Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi được khởi công từ năm 2013, đi qua địa phận các tỉnh/thành phố: thành phố Đà Nẵng (7,9 km), tỉnh Quảng Nam (91,2 km) và tỉnh Quảng Ngãi (40,1 km). Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến 139,204 km, trong đó tuyến cao tốc có chiều dài 131,5km, đoạn nối tuyến cao tốc với Quốc lộ 1A có chiều dài 7,7km.
Dự án được chia thành 13 gói thầu xây lắp chính với tổng mức đầu tư là 34.516 tỷ VNĐ (tương đương 1.640,82 triệu USD).
Trong đó, vốn vay Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là 798,56 triệu USD (tương đương 16.799 tỷ VNĐ), vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) là 590,39 triệu USD(tương đương 12.419 tỷ VNĐ); công tác giải phóng mặt bằng, di dời công trình công cộng, rà phá bom mìn, thuế VAT, chi phí quản lý dự án… sử dụng vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 5.298 tỷ VNĐ.
Ngày 2/8/2017, đoạn tuyến hợp phần JICA tài trợ (Km0+000 – Km65+000) tư Đà Nẵng – Tam Kỳ với độ dài 63 km đã được thông xe và đưa vào khai thác. Sau 1 năm vận hành, tuyến đã phục vụ 720.000 lượt phương tiện an toàn và thông suốt (chưa kể 23.500 lượt phương tiện miễn phí).
Để phục vụ thi công Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tổng diện tích đất phải thu hồi 609,69 ha, với 9.861 hộ gia đình bị ảnh hưởng; bố trí tái định cư tập trung và tại chỗ cho 769 hộ gia đình với việc bố trí 1.130 lô đất…
Việc hình thành tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sẽ giúp rút ngắn khoảng cách và thời gian đi lại giữa các trung tâm kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, các khu công nghiệp của Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Cụ thể, thời gian di chuyển từ Đà Nẵng đi Quảng Ngãi chỉ còn hơn 1 giờ, rút ngắn được 2 giờ so với lưu thông trên Quốc lộ 1.
Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi được kỳ vọng là con đường tạo cơ hội cho các tỉnh Trung Trung Bộ phát triển đột phá, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp, du lịch dọc tuyến và các khu du lịch sinh thái ven biển miền Trung.
Không chỉ có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi còn góp phần phân luồng giao thông rất hiệu quả để kết nối vận chuyển quốc tế trong khu vực tam giác kinh tế Việt Nam - Lào - Campuchia qua Hành lang kinh tế Đông - Tây đến các cảng biển miền Trung Việt Nam.
Đặc biệt, tuyến cao tốc này khi đưa vào khai thác sẽ góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, đảm bảo giao thông thuận lợi, ổn định và liên tục bền vững trong mọi tình huống, đặc biệt trong mùa mưa bão sẽ cùng với Quốc lộ 1A đảm nhận nhiệm vụ quan trọng vận tải hàng hóa và hành khách cho khu vực và cả nước. Việc hoàn thành và đưa Dự án vào khai thác đã góp phần hoàn thiện tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam.
Thảo Nhi
Tags