(Thethaovanhoa.vn) - Ở nhiều nơi có những thầy cô giáo không chỉ dạy chữ, dạy kiến thức cho các em học sinh trong những điều kiện khó khăn mà còn kiêm cả vai trò là người cha, người mẹ, chăm sóc, động viên từ miếng ăn, giấc ngủ cho đến đời sống sinh hoạt hằng ngày của các em, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ.
Sáng nay, trong không khí cả nước chào mừng 34 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11-2016), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm, làm việc và chúc mừng lãnh đạo, ban giám hiệu, giảng viên, cán bộ, nhân viên, sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM.
Bày tỏ xúc động đến thăm Đại học Quốc gia TPHCM vào đúng dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Thủ tướng cho rằng đây là ngày hội lớn không chỉ của ngành giáo dục, của các thầy giáo, cô giáo và các sinh viên mà còn là ngày hội của trái tim, của truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn trong suốt chiều dài lịch sử, văn hiến của dân tộc ta.
Thủ tướng chúc mừng các thầy, cô giáo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
“Ở nhiều nơi có những thầy cô giáo không chỉ dạy chữ, dạy kiến thức cho các em học sinh trong những điều kiện khó khăn mà còn kiêm cả vai trò là người cha, người mẹ, chăm sóc, động viên từ miếng ăn, giấc ngủ cho đến đời sống sinh hoạt hằng ngày của các em”, Thủ tướng nói và cho rằng, trải qua 34 năm, kỷ niệm Ngày 20/11 luôn là sự kiện đặc biệt, giàu cảm xúc của toàn ngành giáo dục và của mọi người dân Việt Nam.
“Hôm nay, cho phép tôi thay mặt Đảng, Nhà nước bày tỏ tấm lòng tri ân sâu sắc đến toàn thể các thầy giáo, cô giáo trên cả nước, đặc biệt là các thầy giáo, cô giáo ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên cương, hải đảo của Tổ quốc. Chính phủ và nhân dân ta luôn ghi nhớ, biết ơn tấm lòng, sự hy sinh và mọi cống hiến thầm lặng, không mệt mỏi của các thầy giáo, cô giáo”, Thủ tướng bày tỏ.
Nhân dịp này, Thủ tướng biểu dương Đại học Quốc gia TPHCM đã luôn đi tiên phong cả nước về công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học, với việc hình thành hệ thống hơn 70 phòng thí nghiệm và hơn 30 tổ chức khoa học công nghệ phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đào tạo theo các chương trình nghiên cứu trọng điểm.
Trường đã hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh trong hầu hết các lĩnh vực khoa học trọng điểm. Trung bình mỗi năm công bố từ 180 - 200 bài báo trên các tạp chí danh tiếng quốc tế. Trường cũng đã hợp tác với quốc tế, với cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu.
Với những thành quả đạt được, Thủ tướng đánh giá Đại học Quốc gia TPHCM và Đại học Quốc gia Hà Nội đã thực hiện rất tốt tầm nhìn và kỳ vọng của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người có công sáng lập hai đại học quốc gia này.
Thủ tướng trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho NGND. GS TS. Phan Thị Tươi và NGƯT. PGS. TS. Dương Ái Phương của ĐHQG TPHCM. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Nhấn mạnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra thách thức với hệ thống giáo dục đại học, Thủ tướng cho rằng đây là sức ép đòi hỏi sự thay đổi mạnh mẽ từ nội dung đào tạo đến phương thức dạy và học, cách thức mà ở đó thầy và trò tương tác với nhau, cách thức mà tri thức được tạo ra cho đến sự tiếp cận và lĩnh hội tri thức cũng thay đổi đáng kể.
Cách mạng công nghiệp đồng nghĩa với tư duy khởi nghiệp và sản sinh ra những thế hệ khởi nghiệp mới, Thủ tướng cho rằng, khởi nghiệp là mệnh lệnh của cách mạng công nghiệp. Đại học Quốc gia TPHCM cần chú trọng xây dựng những kỹ năng cần thiết, ươm trồng những tài năng và ước mơ khởi nghiệp. Những hoạt động nghiên cứu khoa học có sự tham gia của sinh viên, các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng; các đề án, ý tưởng do sinh viên đề xuất, nhằm đem đến những thay đổi tích cực cho Nhà trường. Nếu khuyến khích những điều này chính là khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, tinh thần đổi mới sáng tạo trong thế hệ trẻ.
Trên cương vị là người đứng đầu Chính phủ, một lần nữa Thủ tướng khẳng định, khởi nghiệp chính là thước đo thành công của Chính phủ kiến tạo.
Chia sẻ với các sinh viên của Trường, Thủ tướng nêu rõ sinh viên hiện nay có trong tay những điều kiện kết nối, học tập và phát triển tốt nhất. Vấn đề là tận dụng và phát huy những điều kiện đó.
“Trong bài phát biểu đầu tiên khi được Đảng và nhân dân giao phó trách nhiệm làm Thủ tướng Chính phủ, tôi đã nói rõ, chúng ta phải làm sao để con em nông dân, người nghèo đều có cơ hội học tập, tiến thân, có cơ hội trở thành lãnh đạo của đất nước trong tương lai. Cá nhân tôi thấy không có gì ý nghĩa hơn khi được trò chuyện với các tài năng trẻ của đất nước. Các bạn không chỉ là tiềm năng, tương lai mà còn là động lực, là những người quyết định đến vận mệnh phát triển của dân tộc Việt Nam.
Tôi kêu gọi các bạn hãy mạnh dạn hơn nữa, làm chủ việc học tập của chính mình. Sinh viên phải là người có trách nhiệm cao nhất với quyết định của mình, là người gánh chịu nhiều thiệt hại nhất nếu để lãng phí thời gian, tiền của trong quá trình học đại học. Phải chủ động nghiên cứu, tăng cường trao đổi với bạn bè, với thầy cô giáo, tham gia hoạt động cộng đồng, thực tập ở doanh nghiệp để tích lũy kinh nghiệm, trao đổi kiến thức, kỹ năng qua khảo sát thực tiễn và hãy nhớ học thật tốt ngoại ngữ vì đó chính là chìa khóa không giới hạn” - Thủ tướng nói.
*Sau đó, Thủ tướng đã có buổi làm việc với Đại học Quốc gia TPHCM để đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để Nhà trường phát triển hơn nữa.
Tags