(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 9/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (tính đến 17 giờ ngày 8/6), thế giới ghi nhận hơn 7,1 triệu trường họp mắc COVID-19 tại 215 quốc gia, vùng lãnh thổ; 406.353 trường hợp tử vong.
Về xu hướng dịch bệnh trên thế giới, báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, tính đến nay đã có 83 quốc gia/vùng lãnh thổ ghi nhận lây nhiễm trong cộng đồng, 82 quốc gia/vùng lãnh thổ có xuất hiện chùm ca bệnh, 36 quốc gia/vùng lãnh thổ xuất hiện các ca bệnh rải rác, hai vùng lãnh thổ không ghi nhận ca bệnh.
Việt Nam đã ghi nhận 332 trường hợp mắc COVID-19 (liên tiếp 54 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới tại cộng đồng). Ngày 8/6 ghi nhận thêm 3 trường hợp mắc mới, là các hành khách nhập cảnh trở về Việt Nam, đều được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Đến nay, 316 trường hợp đã được công bố khỏi (chiếm 95%); 16 bệnh nhân đang điều trị, trong đó 15 bệnh nhân tình trạng ổn định. Nam phi công người Anh (bệnh nhân số 91) có diễn biến tốt lên, hiện đã ngồi dậy, tập vận động, tập ăn, tri giác nhận biết tốt.
Ngày 8/6, hiện 8.182 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang thực hiện cách ly y tế, trong đó có 141 trường hợp cách ly tại các cơ sở y tế; 7.093 trường hợp cách ly tập trung và 948 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng cho rằng, số ca mắc trên thế giới còn lớn trong khi nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, hội nhập sâu rộng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, kết quả phòng, chống dịch của Việt Nam thời gian qua là rất đáng trân trọng, gần 2 tháng qua đã không có ca mắc mới trong cộng đồng.
Nhấn mạnh đến định hướng công tác phòng, chống COVID-19 trong thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ mục tiêu hàng đầu là đảm bảo Việt Nam an toàn để phát triển bền vững trong trạng thái "bình thường mới". Thứ hai là quán triệt chỉ đạo của Bộ Chính trị phát triển kinh tế - xã hội trong nước là chính. Cùng với đó là chuẩn bị sẵn sàng, tốt nhất cho tương lai gần để mở cửa hội nhập; tiếp tục xây dựng Việt Nam là điểm đến an toàn của thế giới; không chỉ chú ý đến kinh tế mà cần coi trọng cả quan hệ chính trị, đối ngoại của đất nước, nhất là các đối tác dịch bệnh giảm hẳn, có thể hợp tác với nước ta.
Đưa ra một số nhiệm vụ cần thực hiện thời gian tới, Thủ tướng đặt ra yêu cầu hàng đầu cho công tác phòng, chống COVID-19 trên tinh thần không được lơ là, chủ quan nhất là ở các khu vực biên giới, đường bộ, đường biển, hàng không, các cửa khẩu. Đi đôi với đó là tạo điều kiện cho việc đưa người Việt Nam ở nước ngoài về nước. Mục tiêu nữa, rất quan trọng là phát triển mạnh mẽ kinh tế xã hội trong điều kiện bình thường mới.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo "từng bộ, ngành, từng địa phương đều có kế hoạch cụ thể để phấn đấu, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ kinh tế - xã hội và thu ngân sách theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ".
Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ đang trình Quốc hội Dự thảo Nghị quyết thực hiện Kết luận 77 của Bộ Chính trị để phát triển kinh tế xã hội 6 tháng cuối năm như vấn đề kinh tế số, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.
Thủ tướng đồng ý tạo điều kiện cho các chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, kể cả công nhân lành nghề, để tìm kiếm cơ hội đầu tư và làm việc tại Việt Nam theo địa chỉ. Tuy nhiên, cần có địa điểm trung chuyển giữa trong nước và quốc tế. Do đó, Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải phối hợp Bộ Ngoại giao đề xuất các đường bay, chuyến bay phù hợp. UBND các tỉnh, thành phố bố trí địa điểm cách ly, tổ chức đón tiếp, xét nghiệm thuận lợi theo quy định.
Bộ Tài chính trên cơ sở thống nhất với Bộ Y tế, trên cơ sở quy định pháp luật, xem xét việc thu phí cách ly, đặc biệt là thu phí điều trị, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.Việc đề xuất cách ly, điều trị có thu phí phải nghiên cứu để vận dụng một cách phù hợp, chặt chẽ, tiết kiệm ngân sách, không gây phiền hà cho người dân.
Đối với doanh nhân người Việt Nam, học sinh, sinh viên, người già… có nhu cầu về nước mà chưa về được, Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao đưa ra các tiêu chí cụ thể, mở kênh đăng ký cho người dân, kể cả các chuyên gia Việt Nam và nước ngoài. Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo ngành Hàng không tổ chức và tăng tần suất các chuyến bay đưa các đối tượng này về nước trên tinh thần nhân văn, tạo thuận lợi.
Về việc mở các chuyến bay thương mại quốc tế, Thủ tướng giao Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 công bố các vùng an toàn để mở lại các đường bay với các địa bàn mà trong 30 ngày qua không phát hiện trường hợp mắc COVID-19. Ban Chỉ đạo tiếp tục hướng dẫn, quản lý, cách ly phù hợp với các đối tượng này. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không thể đóng cửa hoàn toàn nhưng không mở cửa ào ạt khi không thể xác định được mức độ an toàn của các nước.
Thủ tướng đồng ý với các đề xuất tại phiên họp cho phép mở cửa trở lại các dịch vụ vũ trường và karaaoke; đồng thời chỉ đạo Bộ Công an, các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ, ngăn ngừa và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật tại các cơ sở này, đặc biệt là việc buôn bán, sử dụng ma túy.
Quang Vũ/TTXVN
Tags