Thủ tướng yêu cầu: Từ mai, dừng các cuộc họp để tập trung chỉ đạo chống bão

Thứ Năm, 18/08/2016 19:45 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Thủ tướng cũng yêu cầu từ ngày mai (19/8), các địa phương, Bộ, ngành liên quan, từ Trung ương đến cơ sở dừng các cuộc họp để tập trung chỉ đạo ứng phó với bão số 3.

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, với sức gió có thể mạnh đến cấp 10, giật cấp 13, chiều 18/8, đến thăm hỏi, động viên, giao nhiệm vụ cho Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Trung tâm phải mở rộng liên kết, hợp tác quốc tế, đưa ra dự báo chính xác nhất kèm những khuyến cáo về thiệt hại do bão gây ra.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Theo báo cáo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, bão số 3 có đường đi phức tạp, chiều tối 18/8, bão sẽ đi vào Vịnh Bắc Bộ. Sau đó, bão sẽ liên tục mạnh lên và không còn giữ cường độ cấp 8 nữa, mà 12 giờ sau có thể giật cấp 12 đến cấp 14.  Dự kiến ngày 19/8, tất cả vùng biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An có thể có gió mạnh. Đến trưa 19/8 bão có thể cập bờ.

Điều đáng nói là quỹ đạo bão được dự báo là khá phân tán. Vùng nhận diện bão có thể đổ bộ từ Quảng Ninh đến Nghệ An. Toàn bộ vùng đồng bắc Bắc Bộ từ Hải Phòng đến Ninh Bình có nguy cơ cao hơn. Khi đi vào đất liền bão có thể vẫn duy trì cấp bão và có gió mạnh kéo dài. Hoàn lưu bão tương đối rộng với bán kính có thể đến 200km.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, dự báo trước những cơn bão cũng như là thiên tai là công việc thiết thực, khoa học tổng hợp, đòi hỏi trí tuệ cao, trách nhiệm lớn. Nếu khâu này làm tốt thì hiệu quả chỉ đạo phòng, chống bão sẽ cao hơn, nếu dự báo không tốt thì ngược lại.

Đối với bão số 3, Thủ tướng đánh giá cao việc Trung tâm đã tăng cường phối hợp và thu nhận các nguồn tin khác nhau từ các nước trên thế giới để có dự báo kịp thời, chính xác.

Thủ tướng yêu cầu phải dự báo thống nhất và thông tin đến các ngành, người dân là bão cấp độ lớn, giật cấp 12-13, thậm chí 14, càng vào sâu bão càng lớn. Trường hợp nếu bão lớn, triều cường cao, cần phải di dời dân để đảm bảo an toàn.

Thủ tướng chỉ đạo cần chuẩn bị tốt các phương án dự phòng trường hợp nếu bão vào với cấp độ lớn và thủy triều dâng cao thì di chuyển người dân ven biển một số nơi.

“Từ ngày mai, các cấp, các ngành, kể cả Trung ương dừng mọi cuộc họp để chỉ đạo phòng chống bão số 3. Tôi đề nghị các địa phương, cấp Trung ương cũng vậy, dành thời gian phòng chống bão lụt để bảo vệ tính mạng, tài sản Nhà nước và của người dân”, Thủ tướng nêu rõ.

Đồ họa: Ngày mai, bão số 3 đi vào đất liền các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa

Đồ họa: Ngày mai, bão số 3 đi vào đất liền các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa

Dự báo đến 4 giờ ngày 19/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc; 108,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển Bắc Vịnh Bắc Bộ.


Thủ tướng cũng chỉ đạo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương từ kinh nghiệm của các cơn bão trước, hoàn thiện quy trình phối kết hợp và lắng nghe các nguồn tin khác nhau, tập hợp các nguồn tin dự báo từ nhiều nước trên thế giới như: Mỹ, Nhật, Trung Quốc để đưa ra các dự báo chính xác nhất có thể. Trong tình hình thời tiết cực đoan thì phải đưa ra các phương án để người dân không chủ quan, chủ động phòng, tránh.

Thủ tướng lưu ý, ngoài các tỉnh ven biển là Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An tập trung cao độ chỉ đạo phòng, chống bão, thì các tỉnh phía trong như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương đều phải báo động và có phương án cụ thể, nhất là phương án về việc đường đi của bão có thể thay đổi. Thủ tướng cũng n hấn mạnh đang là thời điểm tháng triều cường, nguy cơ vỡ đê rất dễ xảy ra và gây tác hại lớn, bởi vậy, trong phòng chống bão cần có phương án sẵn sàng ứng cứu những đoạn đê xung yếu.

Bày tỏ lo lắng có khả năng mưa lớn do bão số 3 sẽ gây tác hại nặng đến vụ lúa vừa chịu thiệt hại từ bão số 1, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành địa phương lưu ý, cấp điện thường xuyên, khắc phục nhanh các trung tâm bơm lớn để xả nước; cần thiết thì đặt một số trạm bơm trung gian bằng dầu để hỗ trợ cho một số vùng có nguy cơ ngập kéo dài gây chia cắt. Bên cạnh đó, ngành điện cần có sự chủ động, ứng trực, xử lý kịp thời; sớm cấp điện cho người dân ngay sau khi bão qua.

Nhấn mạnh đến mục tiêu cao nhất là bảo vệ tính mạng người dân trong công tác phòng chống thiên tai, Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương có biện pháp phòng, chống sạt lở núi có thể gây sạt lở lớn, nhất là trong khu dân cư.

Thủ tướng cũng đề nghị cơ quan dự báo phải thường xuyên cung cấp thông tin dự báo đến người dân và các cơ quan chức năng. Trên cơ sở đỏ, các địa phương phát huy tinh thần 4 tại chỗ trong phòng, chống bão; sớm có biện pháp đảm bảo an toàn nhà cửa, cứu lúa, cảnh giác lở đất, an toàn hồ đập, kể cả giao thông hàng không. Thủ tướng yêu cầu căn cứ vào tình hình thực tế, nếu cần thiết thì cho các em học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Lưu ý các bộ, ngành địa phương không được chủ quan trước tác hại khôn lường của cơ bão số 3, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng chủ động tính toán các phương án, kể cả vấn đề lương thực, thực phẩm, thuốc men, vệ sinh môi trường sau bão. Nhất là đây mới chỉ là cơn bão số 3, trong khi dự báo năm nay có thể có đến 10 cơn bão.

Thủ tướng cho rằng, cơn bão số 3 có thể lớn nhưng với sự chủ động vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng, đặc biệt là việc dự báo chính xác của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, sẽ góp phần giảm thiệt hại về tính mạng cũng như tài sản của nhân dân./.

Quang Vũ (TTXVN)


Đọc thêm
  • Xem thêm  ›