Nhiều giới chức trong cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, các nhà nghiên cứu luật, giảng viên các trường đại học đã có mặt tại hội thảo: “Pháp luật hình sự phục vụ sửa đổi toàn diện Bộ Luật Hình sự (BLHS)” do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức ngày 24/12 tại TP Hồ Chí Minh, để cùng đánh giá việc thi hành BLHS năm 1999 cũng như đưa ra các kiến nghị cho việc sửa đổi Bộ luật đặc biệt quan trọng này trong tương lai.
Xuất hiện nhiều tội phạm mới
Theo ông Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao: Trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế, đã phát sinh nhiều hành vi nguy hiểm cho xã hội cần phải bị xử lý hình sự nhưng chưa được BLHS quy định như mua bán nội tạng người vì mục đích lợi nhuận, đánh cắp dữ liệu, mại dâm nam, mua bán rác thải y tế chưa qua xử lý, đóng bảo hiểm xã hội, phát tán ảnh đời tư người khác lên mạng internet, rửa tiền, thao túng thị trường, huy động vốn bất hợp pháp, xâm phạm quyền đình công của người lao động...
Giáo sư - Tiến sĩ Hồ Trọng Ngũ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội cho biết: Hiện còn nhiều hiện tượng, vụ việc gắn với các hành vi phạm pháp có tổ chức đặc biệt nguy hiểm vẫn chưa được đánh giá đầy đủ và thiếu cơ sở pháp lý để xử lý hình sự. Lâu nay, tội phạm có tổ chức vẫn chỉ bị giới hạn là tình tiết tăng nặng hình phạt chứ chưa được coi là dấu hiệu bổ sung tội phạm. Vẫn còn phổ biến sự lẫn lộn giữa tội phạm có tổ chức với tổ chức tội phạm trong các cơ quan tố tụng. Thực tiễn đang bức xúc trước việc chủ thể thực hiện hành vi nguy hiểm xã hội là một nhóm người đứng đầu một tổ chức hợp pháp đồng thời nhân danh tổ chức đó để hoạt động nhưng BLHS Việt Nam lại chưa xem xét trách nhiệm hình sự của một tổ chức hay một pháp nhân.
Tiến sĩ Trần Văn Dũng, Bộ Tư pháp cho rằng: Ở Việt Nam, tình hình tội phạm có yếu tố nước ngoài hoặc mang tính quốc tế, xuyên quốc gia đang diễn biến hết sức phức tạp, nhất là tội phạm sử dụng công nghệ cao, rửa tiền, lừa đảo quốc tế. Vậy nhưng BLHS lại không quy định về chế định tổ chức tội phạm mà chỉ có quy định về đồng phạm.
Sửa đổi bộ luật theo hướng nào?
Đây là câu hỏi được nhiều đại biểu nêu lên và lý giải sôi nổi. Ông Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, không phải cứ tăng hình phạt, thêm tội danh là đủ sức răn đe mà quan trọng là phòng ngừa, giáo dục, xử lý tội phạm ngay trong thời kỳ “trứng nước”. Một số vấn đề được đặt ra đòi hỏi phải nghiên cứu, bổ sung toàn diện BLHS như giảm hình phạt tù, mở rộng phạm vi áp dụng các hình phạt không mang tính giam giữ, thay vào đó là phạt tiền, cải tạo không giam giữ, hạn chế phạm vi áp dụng hình phạt tử hình. Tiếp tục hoàn thiện các chế định loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, giảm hình phạt, xóa án tích; phi hình sự hóa đối với một số hành vi phạm tội không còn thực sự phù hợp trong điều kiện hiện nay. Bên cạnh đó, cũng cần hoàn thiện chính sách hình sự liên quan đến người chưa thành niên theo hướng nhân đạo hơn, thân thiện hơn; mở rộng điều kiện và phạm vi áp dụng các hình phạt không mang tính giam giữ đối với người chưa thành niên phạm tội.
Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Thế Liên, sau 20 năm đổi mới, mặt trái nền kinh tế thị trường đang lộ rõ, chính sách hình sự cần góp phần tạo ra khung pháp lý rõ ràng, an toàn và minh bạch cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo sự an tâm cho các doanh nghiệp. Nên sửa các quy định BLHS về tội phạm kinh tế theo hướng rõ ràng, cụ thể và chặt chẽ; bổ sung một số tội phạm mới phát sinh trong các lĩnh vực như tài chính kế toán, lao động, bảo hiểm, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường... Bên cạnh đó cũng phải sửa các kỹ thuật lập pháp như thống nhất các thuật ngữ, thu hẹp khoảng cách khung hình phạt. Liên quan đến vấn đề pháp nhân, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cho rằng, những nhà làm luật cần nghiêm túc nhìn nhận lại một cách kỹ càng trách nhiệm hình sự của pháp nhân, nhất là pháp nhân kinh tế trong các hoạt động đầu cơ, trốn thuế, kinh doanh trái phép...
Đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Đỗ Văn Đương, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, cần quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, nhất là khi kinh tế xã hội ngày càng phát triển, các pháp nhân có nhiều cơ hội và phương tiện để phạm pháp. Theo hướng này, BLHS cần quy định pháp nhân là chủ thể của tội phạm, cùng việc truy tố pháp nhân có thể truy tố cá nhân những người lãnh đạo pháp nhân. Tiến sĩ Đỗ Văn Đương cũng cho rằng, BLHS cần thu hẹp phạm vi chủ thể thực hiện hành vi được quy định là tội danh trong bộ luật để tránh việc xử lý hình sự tràn lan. Chẳng hạn, nếu một người trộm cắp lần đầu từ 2 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự nhưng người đã bị xử lý hành chính trước đó về hành vi này, nếu tiếp tục trộm cắp vài chục ngàn đồng cũng bị xử lý hình sự, lại là điều là không đáng.
Dẫn lại vụ Lê Văn Luyện phạm tội giết người, Tiến sĩ Đỗ Văn Đương kiến nghị, cần thạ thấp độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Hiện nay, tội phạm ngày càng trẻ hóa, tính chất manh động, dã man, quyết liệt, một đứa trẻ 12 tuổi cũng có thể giết người dã man, chẳng lẽ pháp luật lại bó tay? Theo Tiến sĩ Đỗ Văn Đương, nếu sửa đổi BLHS thì cần phải quy định 12 tuổi phải chịu trách nhiệm về tội phạm có tính rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng như giết người, cướp tài sản; 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự như ngưởi đủ 18 tuổi về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên quan điểm này đã bị Tiến sĩ Trịnh Tiến Việt, Giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội phản đối. Theo Tiến sĩ Trịnh Tiến Việt, nếu hạ thấp đội tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì vô tình đã đi ngược lại chủ trương nhân đạo của Đảng cũng như các Công ước quốc tế liên quan đến người chưa thành niên vi phạm pháp luật hình sự.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Dương Tuyết Miên, Giám đốc Trung tâm tội phạm học, Đại học Luật Hà Nội kiến nghị nên bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh trong BLHS, phù hợp với tinh thần của Tổ chức Ân xá Quốc tế mà vẫn đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm. Không nên áp dụng hình phạt chung thân đối với người phạm tội từ 70 tuổi trở lên mà có chính sách khoan hồng như đã từng áp dụng đối với trẻ em, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
Theo Trần Xuân Tình
TTXVN