(Thethaovanhoa.vn) - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 10 giờ ngày 11/9, vị trí tâm bão số 5 ở vào khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 118,2 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 800km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 80km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, cơn bão số 5 di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km và có khả năng mạnh thêm. Đến 10 giờ ngày 12/9, vị trí tâm bão ở khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 115,5 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam khoảng 480km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 110km tính từ vùng tâm bão.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 6-7,vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 11; biển động mạnh.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (vùng gió mạnh cấp 6 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 18,5 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 112,5 độ Kinh Đông.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km và còn có khả năng mạnh thêm. Đến 10 giờ ngày 13/9, vị trí tâm bão ở khoảng 20,9 độ Vĩ Bắc; 111,0 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển Đông Bắc Hải Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 12. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 130km tính từ vùng tâm bão.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 10 giờ ngày 14/9, vị trí tâm áp thấp nhhiệt đới ở khoảng 21,1 độ Vĩ Bắc; 106,3 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực phía Đông Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ).
Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Ngoài ra, bão rất mạnh, bão MANGKHUT trên vùng biển Tây Bắc Thái Bình Dương đang tiếp tục mạnh lên, có thể đạt cấp siêu bão. Siêu bão MANGKHUT di chuyển hướng về khu vực Bắc Biển Đông trong khoảng 4 ngày tới.
Bản tin tiếp theo phát lúc 14h30 ngày 11/9.
Cảnh báo lũ sông Cửu Long
Mực nước sông Mê Kông đang xuống. Mực nước tại một số trạm chính như sau:
Do lũ thượng nguồn về kết hợp với kỳ triều cường, mực nước sông Cửu Long đang lên. Mực nước cao nhất ngày 10/9, trên sông Tiền tại Tân Châu 4,09m (trên BĐ2 0,09m); trên sông Hậu tại Châu Đốc 3,71m (trên BĐ2 0,21m); tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long ở mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3.
Dự báo, trong 1-2 ngày tới, mực nước sông Cửu Long tiếp tục lên. Đến ngày 13/9, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu lên mức 4,15m, trên BĐ2 0,15m; tại Châu Đốc lên mức 3,8m, dưới BĐ3 0,2m, tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long dao động ở mức BĐ2-BĐ3, sau đó xuống chậm. Đến ngày 20/9, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 4,0m, ở mức BĐ2; tại Châu Đốc ở mức 3,6m, trên BĐ2 0,1m, tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long xuống mức BĐ1.
Trong những ngày tiếp theo, mực nước sông Cửu Long sẽ lên lại theo kỳ triều cường. Đến ngày 25/9, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 4,2m, trên BĐ2 0,2m; tại Châu Đốc ở mức 3,8m, dưới BĐ3 0,2m, tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long lên mức BĐ1-BĐ2.
Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp và mất an toàn đê bao tại tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An.
Tình hình thủy văn trên sông Mê Kông diễn biến phức tạp, cần chủ động đề phòng lũ có khả năng lên cao, đặc biệt khi xảy ra các hình thế thời tiết bất lợi trên lưu vực. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 2-3.
Dự báo mùa mưa bão năm 2018: 6 cơn bão trên biển
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, dự báo từ tháng 9 đến hết năm 2018 số lượng bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên khu vực Biển Đông còn có khả năng xuất hiện khoảng 4-6 cơn, trong đó có khoảng từ 2-3 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung ở khu vực Trung Bộ.
Những tháng cuối năm 2018 nhiều khả năng hoạt động của bão và ATNĐ trên vùng biển phía Nam Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khu vực phía Nam nước ta không nhiều như năm 2016 và 2017.
Ngoài bão và ATNĐ gây mưa lớn, gió mạnh trên biển và đất liền, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác sẽ có khả năng xảy ra trên phạm vi cả nước, đặc biệt các hiện tượng dông lốc, mưa đá, mưa lớn cục bộ, lũ quét và sạt lở đất ở các khu vực xung yếu ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, các khu vực có địa hình dốc và thảm thực vật yếu.
Ngoài ra, cần đề phòng gió mạnh trên các khu vực ven biển và vùng biển phía Nam Biển Đông từ tháng 9 đến nửa đầu tháng 10/2018 trong thời kỳ hoạt động mạnh của gió mùa Tây Nam và vào những tháng cuối năm 2018 trên các vùng biển khu vực Bắc và Giữa Biển Đông do hoạt động của gió mùa Đông Bắc gây ra.
Nhiệt độ trung bình trong bốn tháng cuối năm 2018 và hai tháng đầu năm 2019 trên phạm vi cả nước phổ biến ở mức xấp xỉ so với TBNN, riêng các khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có xu hướng cao hơn 0,5-1,00C so với TBNN.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, thời điểm kết thúc mùa mưa ở Bắc Bộ và khu vực Tây Nguyên-Nam Bộ có khả năng sớm hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN).
Mùa lũ chính vụ khu vực Bắc Bộ có khả năng kết thúc sớm hơn TBNN. Nguồn nước từ tháng 9-12/2018 tại các khu vực Bắc Bộ có xu thế nhỏ hơn TBNN từ 10-20%. Mực nước lớn nhất trong tháng 9-10/2018 trên thượng lưu hệ thống sông Hồng-Thái Bình và các hồ chứa lớn thấp hơn năm 2017, phổ biến ở mức BĐ1- BĐ2.
Mùa lũ trên các sông ở Trung Bộ phù hợp quy luật hàng năm. Đỉnh lũ năm trên các sông ở Thanh Hóa ở mức báo động BĐ1 - BĐ2, riêng sông Bưởi ở mức BĐ3, xấp xỉ đỉnh lũ TBNN; các sông từ Nghệ An đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên ở mức BĐ2-BĐ3, tương đương đỉnh lũ TBNN; trên một số sông suối nhỏ và thượng lưu các sông khả năng xuất hiện lũ lớn cục bộ.
Đỉnh lũ năm 2018 ở đầu nguồn sông Cửu Long ở mức trên BĐ2-BĐ3, tương đương đỉnh lũ TBNN. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ năm vào khoảng nửa đầu tháng 10/2018. Tuy đỉnh lũ ở mức TBNN nhưng tiềm ẩn nguy cơ tác động lớn đến khu vực.
Thảo Nhi
Tags