Bảo mẫu Quản Thị Kim Hoa hành hạ các bé. (Ảnh chụp từ clip). |
Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong hai năm 2008 – 2009, cả nước đã xảy ra gần 6.000 vụ trẻ em bị bạo lực, trung bình mỗi năm có 3.000 vụ. Tình trạng này diễn ra ở nhiều địa phương, từ Nam chí Bắc.
Dư luận chưa hết sốc với hình ảnh bé Lê Quang Vinh ở Thành phố Hồ Chí Minh bị bảo mẫu Trần Thị Xuân Nữ nhốt vào thang máy, bấm cho thang chạy để dọa, dẫn đến đa chấn thương khắp mình mẩy thì người dân cả nước lại "choáng" khi clip bảo mẫu Trần Thị Phụng ở xã Thuận Giao, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương, hành hạ bé Hồ Thị Thúy Ngân, 3 tuổi, được tung lên mạng. Trong clip, bà Phụng dùng chân đạp lên người bé Ngân, giật tóc bé và liên tục đổ từng ca nước lớn vào miệng bé.
"Cũng có con bằng tuổi bé Ngân nên nhìn clip bé bị bà Phụng hành hạ khi tắm mà tôi không cầm lòng nổi. Không thể hiểu nổi tại sao người ta lại có thể hành xử như thế với một đứa trẻ mới 3 tuổi đầu," chị Nguyễn Thanh Thủy, Hà Đông, Hà Nội, chia sẻ.
Còn chị Nguyễn Thị Thúy, thuê trọ trên phố Lê Trọng Tấn thì mấy ngày nay ăn ngủ không yên vì lo cho con. Từ Thái Bình lên Hà Nội lập nghiệp, không xin được cho con vào nhà trẻ công, trường tư thì quá đắt, chị đành gửi nhờ một bà cụ hưu trí trông giúp với mức thù lao 500.000 đồng/tháng. Bà cụ rất tốt tính, yêu trẻ, nhưng từ những vụ việc trên báo, chị cho biết vẫn thấy lo vì bà cũng chỉ là người trông trẻ tự phát, không có trình độ chuyên môn.
Trong lúc các bà mẹ có con nhỏ lo con bị bảo mẫu bạo hành thì các phụ huynh có con đã lớn tuổi lại có thêm mối lo từ chính các bạn của con mình khi tình hình bạo lực giữa các học sinh với nhau cũng ngày càng đáng báo động.
Theo ông Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng Cục bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đây không phải là hiện tượng mới song bộc lộ những tính chất nguy hiểm và nghiêm trọng như học sinh đánh học sinh gây thương tích, thậm chí tử vong. Trong năm học 2009-2010, xảy ra 7 vụ việc học sinh đánh nhau dẫn đến chết người ở trong và ngoài trường học.
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho thấy, từ đầu năm học 2009-2010 đến tháng 9/2010, trên toàn quốc đã xảy ra khoảng 1.598 vụ học sinh đánh nhau ở trong và ngoài nhà trường. Các trường đã xử lý kỷ luật khiển trách 881 học sinh, cảnh cáo gần 1.600 em, buộc thôi học có thời hạn (3 ngày, 1 tuần, 1 năm học) 735 em.
"Giá mà có vắc-xin phòng bệnh bị bạo lực cho con thì chắc ông bố, bà mẹ nào cũng sẵn sàng mua, vì ở tuổi các cháu, hâu quả đáng sợ nhất của nạn bạo hành không phải chỉ là những vết sẹo trên cơ thể mà là sai chấn tâm lý, tinh thần," chị Thủy lo lắng nói.
Tình trạng trẻ bị xâm hại có xu hướng tăng
Không chỉ bị hành hạ bằng đòn roi, thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng cho thấy, số lượng trẻ em bị xâm hại tình dục có xu hướng tăng nhanh và độ tuổi bị xâm hại ngày càng thấp.
Cụ thể, năm 2005, cả nước có 200 em bị xâm hại tình dục nhưng đến năm 2008, con số này đã là 1.427 em. Như vậy, chỉ sau 3 năm, số lượng trẻ bị xâm hại tình dục đã tăng gấp hơn 7 lần. Năm 2009, con số này giảm xuống còn 833 em nhưng tới năm 2010 lại tiếp tục tăng, ước tính là 900 em.
“Đây là số trẻ bị xâm hại tình dục được trình báo. Trên thực tế, con số này còn cao hơn do nhiều vụ xâm hại bị che giấu do tâm lý mặc cảm của gia đình nạn nhân hoặc sự dàn xếp thỏa thuận giữa hai bên...” ông Nguyễn Hải Hữu chia sẻ.
Kết quả khảo sát trẻ em bị xâm hại tình dục tại khu vực có số trẻ bị xâm hại nhiều nhất là 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, từ năm 2009 đến tháng 6/2010, cho thấy số trẻ dưới 6 tuổi chiếm 13,5%, từ 6 đến dưới 13 tuổi chiếm 37,2%, từ 13 đến 16 tuổi chiếm 49,3%.
Theo ông Hữu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên như nhận thức về bảo vệ trẻ em của người dân chưa đầy đủ, việc giáo dục đạo đức và kỹ năng sống cho các em còn hạn chế trong khi môi trường xã hội ngày càng phức tạp, thiếu hệ thống bảo vệ trẻ em...
Tuy nhiên, nhìn ở một góc độ khác, bà Lê Hồng Loan, Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em của Unicef tại Việt Nam, cho rằng một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em ngày càng trầm trọng do Việt Nam còn thiếu những quy định pháp lý cụ thể về vấn đề này.
“Thời gian qua, Việt Nam đã có thêm rất nhiều bổ sung tốt cho hệ thống pháp luật nhưng mới ở mức chung. Cần cụ thể, chi tiết hóa các khái niệm bạo lực, xâm phạm trẻ em, đặc biệt là với những hành vi ở dưới mức vi phạm chưa được quy định rõ ràng, ví dụ như việc khiêu dâm trước mặt trẻ thì có là xâm hại hay không,” bà Loan chia sẻ. Bà Loan cho rằng, khi có những quy định cụ thể, người dân sẽ phải ý thức hơn về các hành vi của mình đối với trẻ để tránh vi phạm pháp luật.