Báo TT&VH đã từng có bài phản ánh việc thực hiện NSVMĐT ở TP.HCM đang gặp rất nhiều khó khăn. Việc xây dựng cơ sở hạ tằng giao thông, cải tạo hệ thống cấp thoát nước đã làm mọc lên hàng ngàn chiếc lô cốt gây cản trở giao thông vẫn tiếp tục tăng lên. Người dân chưa được tuyên truyền đầy đủ về ý thức, trách nhiệm trong việc xả rác thải gây ô nhiễm môi trường?
Trong hội nghị chuyên đề này, nhiều đại biểu đặt vấn đề, sẽ khó có thể thực hiện được NSVMĐT trong năm nay nếu đường cứ bị đào bới, rồi bao bọc bởi hàng tá lô cốt. Đời sống người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng do lòng, lề đường lộn xộn
Ông Trần Quang Phượng, Giám đốc sở Giao thông công chánh TP.HCM giải thích, tình trạng mất trật tự lòng lề đường đã giảm đáng kể, nhất là sau những chuyến khảo sát quyết liệt của UBMTTQ. Một số hạn chế còn tồn tại là điều khó tránh khỏi trong quá trình xây dựng, bởi xây dựng NSVMĐT là một quá trình lâu dài, không phải ngày một ngày hai chúng ta có thể thực hiện được, nhất là đối với một thành phố gần 10 triệu dân như TP.HCM. Theo ông Phượng, vấn đề đào đường để chống ngập cho toàn TP là bắt buộc, không thể không làm, mà đã làm thì phải dựng rào chắn rồi. Cái khổ nhất là đô thị TP.HCM là đô thị quy hoạch cho TP 2,5 triệu dân từ thời chế độ cũ. Từ sau giải phóng đến nay chúng ta chưa có điều kiện để quy hoạch lại cho phù hợp với điêu kiện phát triển; đặc biệt là quy hoạch hệ thống thoát nước. Chính vì vậy mà tình trạng ngập úng rồi kẹt xe mới diễn ra nhiều như vậy. Ông Phượng cho biết, từ nay đến cuối năm 2020 TP phải xây dựng thêm 5.000 km đường cống thoát nước thì mới chống ngập được. Riêng khu vực trung tâm TP phải xây dựng ít nhất 1.000 km và dự tính đến cuối năm 2012 mới hoàn thành…
Ông Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ tịch UBMTTQ TP.HCM đặt ngay vấn đề, người dân không phản đối việc ngành GTCC chống ngập cho thành phố. Người dân thắc mắc và đặt câu hỏi là tại sao thành phố làm không có lộ trình. Năm 2008 là năm được chọn để xây dựng NSVMĐT, nhưng cũng là năm ngành giao thông cho dựng lô cốt ồ ạt! Vậy có đối nhau hay không?
Minh chứng cụ thể nhất là tại Q.1, cho dù nhân dân đã tích cực thực hiện chỉnh trang đô thị nhưng lại có dự án đại lộ Đông tây đang trong quá trình thi công nên tuyến bến Chương Dương đi qua phường Cầu Kho và nhiều phường khác trở nên bề bộn; các lô cốt thực hiện công trình Cầu Nguyễn Văn Cừ kéo dài thời gian thi công nên đã gây ngập nước, muỗi và phát dịch bệnh. Tình trạng ùn tắc giao thông cũng thường xuyên xảy ra trên địa bàn, đặc biệt là các tuyến đường như Trần Đình Xu, Nguyễn Cảnh Trân, Nguyễn văn Cừ (Q.1) do việc thi công một số công trình môi trường nước của TP.
Vấn đề vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường vẫn còn khá phổ biến ở nhiều nơi. Cụ thể, tại khu vực Mạc Thiện Tích - Đặng Thái Thân (xung quanh khu vực ĐH Y Dược); tại phường 14, Q.8 tình trạng buôn bán nước giải khát và thức ăn, trái cây lấn chiếm hết cả kề đường tại tuyến Bến Bình Đông đang sảy ra; quận Bình Thạnh vẫn còn phức tạp tình trạng buôn bán, lấn chiếm òng lề đường ở khu vực giao lộ chợ cây Quéo đoạn đường Hoàng Hoa Thám - Nguyễn Văn Đậu…
Nhiều đại biểu bức xúc, tại sao có mỗi vấn đề này nhưng chúng ta làm không được? Bà Diệu, ông Đằng đặt vấn đề: Hình như chính quyền “run” tay khi phạt các điểm lấn chiếm. Phạt một lần không được kiểm tra phạt thấy vi phạm lại phạt nữa. Phạt thật năng, nếu vẫn vi phạm thì tiến tới rút giấy phép kinh doanh coi họ còn vi phạm nữa không.
Ông Lê Hiếu Đằng cho rằng, không thể thực hiện tốt NSVMĐT khi không gắn liền với đời sống dân nghèo. Ông Đằng dẫn chứng, chuyển đổi phương tiện cho dân nghèo thì dễ chứ tìm được cho người ta một cái nghề để họ có thể nuôi cả gia đình như ngày họ còn chạy xe ba gác thì rất khó. Do vậy, khi giải quyết một vấn đề có ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người nghèo như cấm xe ba gác, cấm bán hàng rong thì chúng ta nên tính toán, vạch ra lộ trình cụ thể sau đó mới thực hiện, không nên làm theo hình thức, theo phong trào….