(Thethaovanhoa.vn) - Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, Bắc Kinh đã cân nhắc hủy đàm phán thương mại với Washington. Trong bối cảnh một phái đoàn Trung Quốc sẽ tới Washington trong tháng 5-2019 để tiến hành vòng đàm phán được cho là cuối cùng với mục tiêu hoàn tất một thỏa thuận thương mại cho cuộc gặp quan trọng giữa lãnh đạo hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, diễn biến căng thẳng này khiến triển vọng thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung trở nên mờ mịt.
Diễn biến căng thẳng
Ngày 5-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ sớm tăng mức thuế hiện là 10% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD lên 25% từ ngày 10-5 tới, đồng thời đe dọa sẽ "sớm" áp thuế 25% đối với 325 tỷ USD hàng hóa của nước này. Theo Tổng thống Trump, tiến trình đàm phán thỏa thuận thương mại giữa hai nước vẫn "tiếp diễn, nhưng quá chậm, khi họ (Trung Quốc) tìm cách đàm phán lại".
Tổng thống Mỹ Trump cũng đã chỉ trích cách hành xử của Trung Quốc trong hoạt động thương mại, cho rằng Washington đã thiệt hại "hàng tỷ USD" vì Bắc Kinh, đồng thời tuyên bố sẽ bảo vệ thương mại nước này trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bất ngờ leo thang sau tuyên bố của "ông chủ" Nhà Trắng đe dọa tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu.
Trong tuyên bố trên mạng xã hội, ông Trump viết: "Trong nhiều năm, Mỹ đã thiệt hại 600-800 tỷ USD/năm về thương mại. Riêng với Trung Quốc, chúng tôi đã thiệt hại 500 tỷ USD. Xin lỗi, điều này sẽ không xảy ra nữa".
Trong khi đó, các quan chức thương mại hàng đầu của Mỹ cho rằng Trung Quốc đã đi ngược lại những cam kết mà nước này đưa ra trong các cuộc đàm phán thương mại, buộc Tổng thống Mỹ Donald Trump phải tuyên bố áp thuế bổ sung, dự kiến bắt đầu có hiệu lực từ ngày 10-5 tới. Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cũng đã xác nhận rằng thuế bổ sung sẽ được thực thi từ 00h01' ngày 10-5 theo giờ Mỹ (tức 11h01' cùng ngày theo giờ Việt Nam). Tuy nhiên, ông khẳng định Washington vẫn sẵn sàng tiếp tục đàm phán, và hy vọng Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ tham gia đoàn Trung Quốc đến Washington.
Ngay sau khi Tổng thống Trump đưa ra tuyên bố trên, phát biểu trên trang Twitter, Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times), ấn phẩm tiếng Anh của Nhân dân Nhật báo (People's Daily) - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Hồ Tích Tiến ám chỉ khả năng Phó Thủ tướng Lưu Hạc sẽ không đến Mỹ khi viết rằng: "Hãy cứ để ông Trump tăng thuế. Để xem khi nào đàm phán thương mại mới có thể được nối lại". Trong khi đó, tờ The Wall Street Journal đưa tin Trung Quốc đang cân nhắc hủy các cuộc đàm phán với Mỹ trong tuần này sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ. Nếu điều này xảy ra, kinh tế toàn cầu có thể bị ảnh hưởng, thị trường tài chính bị xáo trộn và tăng trưởng kinh tế bị kéo lùi.
Trước thông tin nhiều khả năng Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ hủy chuyến đi tới Mỹ, dự kiến trong tuần này, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa tăng thuế đối với số lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của "gã khổng lồ" châu Á, ngày 6-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết Trung Quốc đang nắm tình hình, đồng thời khẳng định đoàn đàm phán Trung Quốc đang chuẩn bị đến Mỹ. Bắc Kinh hy vọng Mỹ có thể nỗ lực phối hợp với Trung Quốc để tìm điểm chung và đạt một thỏa thuận cùng thắng, đôi bên cùng có lợi, dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau.
Những quan ngại
Sau khi Tổng thống Mỹ Trump đe dọa sẽ tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD từ Trung Quốc, từ mức 10% lên 25%, bắt đầu từ ngày 10-5 tới, Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Peter Altmaier đã cảnh báo về nguy cơ leo thang cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc. Trong một tuyên bố, ông Altmaier bày tỏ quan ngại xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới gia tăng - đi ngược lại so với mong đợi vấn đề có thể được giải quyết vì "cuộc chiến này không có bất kỳ tác động tích cực nào đối với bất kỳ quốc gia nào trong nền kinh tế toàn cầu".
Cùng chung quan điểm trên, nhà đầu tư, doanh nhân Warren Buffet nhận định một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ là điều tồi tệ với cả thế giới. Ông cũng trấn an tâm lý quan ngại của giới đầu tư khi khẳng định Mỹ và Trung Quốc sẽ vẫn là hai cường quốc về kinh tế trong 100 năm tới và hai nước vẫn sẽ có những tranh chấp thương mại, do đó, việc các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu là điều vô lý.
Tuy nhiên, trên thực tế, tâm lý quan ngại của giới đầu tư chứng khoán là điều không thể tranh khỏi khi hầu hết các chuyên gia đều cho rằng tranh chấp thương mại Mỹ - Trung tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu. Hoạt động bán tháo cổ phiếu trong ngày 6-5 đã khiến thị trường chứng khoán thế giới tràn ngập sắc đỏ trong phiên giao dịch đầu tuần.
Thị trường giao dịch New York mở cửa phiên sáng 6-5 chứng kiến các chỉ số chứng khoản chủ chốt Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq mất từ 1,1% đến 1,3% điểm. Trong đó, giá cổ phiếu của các công ty Mỹ đầu tư kinh doanh tại Trung Quốc có mức giảm điểm mạnh nhất, đặc biệt là các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ và công nghiệp. Cụ thể, cổ phiếu của Qualcomm giảm 2,4% điểm, Apple giảm 2,6%, và Caterpillar giảm 2,4%.
Trước đó, thị trường chứng khoán châu Á chốt phiên ngày 6-5 với sự sụt giảm mạnh của các chỉ số chứng khoán. Cụ thể, chỉ số chứng khoán Thượng Hải Shanghai Composite index chốt phiên mất 5,6% điểm, chỉ số chứng khoán Hang Seng của Hong Kong tuột mất 2,9% điểm. Trong khi, thị trường chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt giảm điểm. Một số công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ như J.D.com mất tới 5,4% điểm, trong khi cổ phiếu của công ty tìm kiếm Baidu cũng giảm 2,5% điểm.
Triển vọng mờ mịt
Động thái trên được Tổng thống Trump đưa ra bất chấp hôm 1-5 Nhà Trắng cho biết Mỹ và Trung Quốc đang đạt được "tiến bộ đáng kể" trong các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra, và các báo cáo đã chỉ ra rằng các nước đang ký kết một thỏa thuận.
Theo kế hoạch, dự kiến phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu sẽ tới Washington vào ngày 9 và 10-5 để bắt đầu vòng đàm phán thương mại mới. Trong bối cảnh này, động thái của Tổng thống Trump giống như một "thời hạn chót" mới nhằm gây áp lực mạnh mẽ hơn đối với Bắc Kinh để buộc Trung Quốc phải nhượng bộ, đồng thời phủ bóng đen lên triển vọng hai bên sẽ đạt được 1 thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài nhiều tháng qua khiến tăng trưởng toàn cầu chậm lại cũng như gián đoạn các thị trường.
Theo các nhà phân tích kinh tế, nguyên nhân khiến Tổng thống Trump đưa ra động thái trên là do kinh tế Trung Quốc vẫn đang khởi sắc, tăng trưởng ổn định trong quý I/2019 bất chấp xuất khẩu sang Mỹ giảm. Các nhà kinh tế thuộc Citigroup nhận định Trung Quốc sẽ ít có khả năng đưa ra thêm các nhượng bộ và lời đe dọa trên của Tổng thống Trump phù hợp với việc Mỹ gia tăng sức ép đối với Trung Quốc để đạt được những nhượng bộ này.
Việc Tổng thống Mỹ gây thêm sức ép đối với Trung Quốc trước vòng đàm phán mới này bộc lộ một thực tế rằng những điểm còn vướng mắc, bất đồng giữa hai nước là những vấn đề khó khăn nhất không dễ vượt qua.
Nhìn vào những vấn đề kinh tế đang tồn tại trong quan hệ Mỹ - Trung, có thể hiểu rằng hai bên luôn đi theo hướng "va vào nhau" và trên thực tế những khác biệt then chốt giữa hai bên thực sự rất khó hóa giải, đặc biệt có những điểm được xem là "giới hạn đỏ".
Mặc dù trong các cuộc đàm phán đã và đang diễn ra, hai bên cũng đạt được tiến bộ trong việc thu hẹp thâm hụt thương mại của Mỹ, thông qua việc Trung Quốc sẽ mua một lượng lớn đậu nành, vi mạch và các sản phẩm khác của Mỹ, hay việc mở rộng khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc cho các công ty nước ngoài, song vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy các vấn đề mang tính cấu trúc sẽ có được bước đột phá. Khi tìm cách cân bằng thương mại với Trung Quốc, Washington đang động vào giới hạn đỏ nhạy cảm nhất của Bắc Kinh - đòi Trung Quốc phải cải cách cơ bản các chính sách hiện nay và cải cách cấu trúc nền kinh tế. Washington cho là "Trung Quốc đang thiên vị và chống lại các doanh nghiệp Mỹ", như trợ cấp lớn cho các công ty Trung Quốc và buộc các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ. Mỹ cũng muốn xóa bỏ các rào cản phi thuế quan của Trung Quốc đối với thương mại, như bảo hộ công nghiệp, thủ tục cấp bằng, tiêu chuẩn kỹ thuật và những cách làm khác nhằm tạo lợi thế cho các doanh nghiệp Trung Quốc trước các đối thủ Mỹ.
Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ khó chấp nhận những đòi hỏi như vậy, bởi để đáp ứng các yêu cầu đó, Bắc Kinh phải thay đổi chính sách cũng như cách thức hoạt động của nền kinh tế nước này, một bước đi được cho là có thể khiến Mỹ “kiểm soát” nền kinh tế của Trung Quốc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng khẳng định quan điểm Trung Quốc muốn giải quyết các bất đồng và va chạm kinh tế thương mại giữa hai nước bằng phương thức hợp tác, nhưng là "hợp tác có nguyên tắc” - đồng nghĩa với việc phía Bắc Kinh sẽ không thay đổi lập trường và sẽ kiên trì "giới hạn đỏ" của mình.
Có thể thấy, dù Mỹ và Trung Quốc vẫn đang cố gắng để thu hẹp bất đồng, nhưng càng gần đến giai đoạn cuối thì dường như hai bên lại thể hiện sự quyết liệt nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế và cũng là lợi ích mang tính chiến lược cốt lõi của mỗi quốc gia. Điều này khiến con đường dẫn tới hồi kết cho một thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung vẫn còn chông gai.
TTXVN
Tags