(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 3/10, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, ngày 2/10, tại tỉnh Bình Dương, triều cường gây ngập khoảng 100m đường giao thông, ảnh hưởng đi lại trên địa bàn Thành phố Thủ Dầu Một.
Tại tỉnh Sóc Trăng, từ 29/9 đến 1/10, triều cường trên địa bàn các huyện Mỹ Tú, Long Phú, Kế Sách, Cù Lao Dung đã làm vỡ 2 đoạn bờ bao, ngập 19ha cây ăn trái và 1,9ha hoa màu; tràn 15.961m đường giao thông, ảnh hưởng 63 hộ dân; tràn 10.418m đê bao làm ngập 178 ha lúa, 296ha cây ăn trái; tràn 103 đoạn đê với tổng chiều dài 3235m, hiện đã xử lý 78 điểm.
Từ 29/9 đến 1/10, trên địa bàn xã An Viên Đông huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, triều cường làm vỡ 23m bờ vuông tôm của 7 hộ dân, thiệt hại khoảng 6 triệu đồng.
- Cần Thơ: triều cường dâng cao, một phụ nữ tử vong vì lao xe xuống hồ
- VIDEO: Nam Bộ hứng đợt triều cường lịch sử
- Triều cường vượt mức báo động III tại Thành phố Hồ Chí Minh
Lúc 18 giờ 40 phút ngày 1/10, tại công trình thi công đường bờ kè Búng Xáng, phường An Khánh, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, triều cường dâng cao, che khuất mặt đường đã khiến bà Lê Thị Kim Thúy (50 tuổi, thường trú phường An Lạc, quận Ninh Kiều) bị mất phương hướng khi di chuyển bằng xe máy và chạy thẳng xuống hồ chết đuối.
Để tiếp tục ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cần triển khai các biện pháp ứng phó với triều cường, ngập lụt để bảo đảm an toàn tính mạng người dân và giảm thiểu thiệt hại.
Chi cục Phòng chống thiên tai miền Nam báo cáo tổng kết đợt triều cường, trong đó cần đánh giá diễn biến, ảnh hưởng và đề xuất giải pháp chỉ đạo, ứng phó.
Thắng Trung - TTXVN
Tags