(TT&VH) - Thần thoại Hy Lạp kể rằng Icarus đã được cha chế cho một đôi cánh và có khả năng bay lượn như chim. Thời hiện đại, với mong ước được cất cánh bay như Icarus, Yves Rossy - một người Thụy Sĩ đã dựa vào sức mạnh công nghệ cùng kiến thức cá nhân, tự chế cho mình một đôi cánh và đã bay thành công nhờ đôi cánh này.
Hôm 14/5 vừa qua, lần đầu tiên Rossy đã bay dưới sự chứng kiến của công chúng. Trước tiên ông bay cùng một chiếc máy bay lên độ cao 2.500 m. Từ đó Rossy nhảy khỏi máy bay, mở hai cánh đã đeo sẵn trên vai, rồi khởi động 4 động cơ phản lực của nó và tăng tốc lên mức gần 300km/h. Ở bên dưới đám đông ngỡ ngàng rồi vỡ òa trong tiếng hoan hô. Trên không, Rossy nhao lên, ngụp xuống, lượn trái, lượn phải như chim.
Người bay” Yves Rossy
Sau 5 phút biểu diễn trên không trung, Rossy bung dù và chạm đất an toàn. Tuy nhiên để có màn biểu diễn ấn tượng này, Rossy đã mất 5 năm khổ luyện và nhiều thời gian hơn thế để nghiên cứu, chế tạo đôi cánh của mình. Yves Rossy sinh 27/8/1959, từng là phi công máy bay quân sự và phi công dân sự của Hãng hàng không Thụy Sĩ.
Từ lâu ông đã ước mơ trở thành người đầu tiên trên thế giới tự bay như chim với một đôi cánh lắp động cơ. Yves Rossy đã tiến hành rất nhiều thí nghiệm để tạo ra nhiều loại cánh khác nhau, trước khi tạo ra đôi cánh hiện nay làm từ sợi carbon với sải cánh dài 2,5m, sử dụng 4 động cơ phản lực của hãng Jet Cat của Đức.
Nó có giá khoảng 285.000 USD. Trước Rossy, đã có hàng trăm người nghĩ ra ý tưởng lắp cánh vào cơ thể để bay như chim, nhưng riêng trong giai đoạn từ 1930 - 1961 đã có 72 người thiệt mạng với thử nghiệm của mình. Gần đây nhất có VĐV nhảy dù người Pháp Patrick De Gayardon, người và Rossy từng có giai đoạn hợp tác với nhau để chế ra một đôi cánh nhân tạo, đã qua đời khi thử nghiệm đôi cánh mới của mình ở Hawaii.
Tuy nhiên cái chết của Gayardon và những bậc tiền bối không ngăn cản được Rossy thực hiện ước mơ của mình.
Ông trò chuyện với báo giới sau chuyến bay như chim của mình:
Chuyến bay của ông thật ấn tượng. Cần bao nhiêu thời gian nữa để người nào cũng có thể bay được như ông?
Theo tôi chỉ một vài năm nữa.
Ông lái đôi cánh như thế nào?
Tôi không lái, mà tôi bay. Tôi lắc vai sang bên trái là tôi liệng về phía trái, tôi nghiêng sang bên phải là tôi liệng sang hướng phải. Nếu muốn chúc xuống, tôi chỉ cần cúi đầu; muốn bay lên cao, tôi ngẩng đầu lên. Tất cả đều theo trực giác, giống như một đứa bé giang tay bắt chước bay như máy bay. Tôi bay hoàn toàn thoải mái, chẳng cần phải nhiều sức lực. Thật ra tôi không được phép căng cứng người, vì như thế nó sẽ làm tôi mất ổn định, bởi thân thể tôi là một phần của vật bay
Ông có sợ hãi khi lao trong không trung với tốc độ 300 km/h?
Không! Tôi chỉ hồi hộp một chút thôi.
Ông mô tả cám giác của ông khi bay như chim?
Một sự tự do tuyệt đối. Tôi đã nhiều lần lái máy bay, nhưng người ta vẫn thấy tù túng vì bị nhốt trong một buồng lái, Nhưng là “người bay”, thực tế chỉ có mình tôi giữa không trung, nếu không kể đến đôi cánh. Đó quả là một giấc mơ. Chỉ cần nhìn về đâu là tôi có thể bay ngay được tới đó
Ông đã thực hiện được một ước mơ thời thơ ấu của mình?
Hoàn toàn chính xác. Giống như trong phim, như Superman, Matrix, Hero. Những người hùng ấy có một sức mạnh siêu nhiên, đó là bay được. Giờ đây tôi đã làm được điều đó. Chuyện viễn tưởng Jules Verne đã trở thành sự thực.
Bộ bay của ông giá bao nhiêu?
Thật khó tính hết. Nhưng đó là một bộ bay mẫu. Nếu sản xuất hàng loạt, nó sẽ rẻ hơn nhiều. Tôi đang cải tiến để nó gọn nhẹ hơn, làm sao hai cánh chỉ cần lắp hai động cơ. Tôi nghĩ mức giá cuối cùng có thể hạ xuống mức 50.000 euro (khoảng 75.000 USD). Các anh biết đấy, giá một chiếc ô tô ngày nay cũng đã đắt như thế nào rồi.
Cho đến nay ông vẫn phải cất cánh từ một chiếc máy bay đang bay. Một ngày nào đó ông có thể cất cánh ngay từ mặt đất?
Tôi hy vọng như vậy. Người ta không thể tự cất cánh được bằng chạy bộ để lấy đà, tôi cần ít nhất một vận tốc 150 km/h. Tôi thí dụ có thể cất cánh từ một chiếc ô tô đang chạy. Tôi sẽ đứng trên ô tô đang chạy và chỉ cần tăng ga là có thể bay lên. Về nguyên tắc ngay bây giờ tôi cũng đã có thể làm điều đó, nhưng nó vẫn còn quá nguy hiểm.
Giờ đây ông còn muốn làm gì nữa?
Minh Bích