Trung tâm văn hóa TP Đà Nẵng: Chưa 'an cư', sao 'lạc nghiệp'?

Chủ nhật, 17/08/2014 09:01 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - Tháng 2/2014, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ, trong cuộc làm việc với Sở VH, TT&DL Đà Nẵng, đã xác định việc đẩy mạnh đầu tư cho lĩnh vực văn hóa là nhiệm vụ trọng tâm. Tuy nhiên cho đến nay, một trong số các đơn vị nằm trong thiết chế văn hóa trực thuộc Sở là Trung tâm Văn hóa thành phố vẫn cứ hoạt động cầm chừng vì chưa biết sẽ bị di dời đi đâu.

Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm Văn hóa thành phố đã phải 3 lần di dời địa điểm làm việc liên tục. Trước đây, trụ sở của Trung tâm tại số 84 đường Hùng Vương – Đà Nẵng. Với diện tích đất 14.000m2, vị trí này được xem là thuận lợi cho công tác tổ chức hoạt động của một Trung tâm Văn hóa cấp thành phố, cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng tốt yêu cầu hoạt động, hội đủ các yếu tố thuận lợi…

Như khách ở trọ

Nhưng đến năm 2008, Trung tâm Văn hóa thành phố phải di dời đến số 68 đường Trần Phú. Đây là ngôi nhà cũ 3 tầng, diện tích sử dụng mỗi tầng khoảng 60m2. Với trụ sở hoạt động như vậy, Trung tâm không thể tổ chức các loại hình hoạt động văn hóa nghệ thuật theo đúng chức năng.

Nhận thấy điều đó, đến tháng 02/2011, TP quyết định di dời Trung tâm Văn hóa về địa điểm số 1A đường Phan Đăng Lưu. Mặc dù điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật vẫn chưa “đủ chuẩn” cho hoạt động các phòng nghiệp vụ văn hóa nghệ thuật, nhưng địa điểm này tạm thời đáp ứng phần nào cho hoạt động nghiệp vụ của đơn vị

Tuy nhiên, vẫn chưa dừng lại ở đó. Theo chủ trương mới nhất của TP, sắp tới, Trung tâm Văn hóa TP lại phải di dời, nhường lại khu đất cho dự án Khu Công viên văn hóa và vui chơi giải trí, và vẫn chưa biết chắc chắn sẽ đi đâu.

Nhưng vẫn “trăm dâu đổ đầu tằm”

Dù chưa biết sẽ “an cư” tại địa điểm nào nhưng Trung tâm Văn hóa TP vẫn phải thực hiện đa dạng chức năng nhiệm vụ. Trong thời gian qua, Trung tâm đã có nhiều đóng góp trong sự nghiệp văn hóa của thành phố.

Chẳng hạn, Trung tâm đã tổ chức các lớp bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật, các loại hình hoạt động Câu lạc bộ - Đội, Nhóm sở thích như: CLB thơ, CLB nhiếp ảnh, CLB nhạc cụ tiêu sáo, guitar, organ, ca nhạc, kịch nói, múa…. Trung tâm đã hướng dẫn cho đơn vị cơ sở về nghiệp vụ, phương pháp tổ chức các hoạt hoạt động Câu lạc bộ - Nhà văn hóa.

Thực hiện công tác tuyên truyền cổ động, triển lãm phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh-xã hội nhân các ngày lễ lớn của đất nước, của thành phố và các sự kiện chính trị theo chủ trương của bộ, của Thành phố Đà Nẵng như đợt cao điểm tuyên truyền nhận thức về chủ quyền biên giới, biển đảo Việt Nam…

Trung tâm đã góp phần định hướng thẩm mỹ, xây dựng phong trào văn nghệ, bảo tồn và phát triển các loại hình nghệ thuật thông qua các chương trình nghệ thuật quần chúng; đồng thời phát hiện năng khiếu trong lứa tuổi thanh thiếu niên. Định kỳ hằng năm, Trung tâm Văn hóa thành phố tổ chức các cuộc hội thi, liên hoan, hội diễn nghệ thuật quần chúng phù hợp với từng đối tượng tham gia, như: Cuộc thi Tài năng nghệ thuật; Liên hoan gặp gỡ cụ ông, cụ bà đẹp lão; Liên hoan sân khấu kịch hài – kịch vui không chuyên; Hội diễn Nghệ thuật quần chúng với thể loại ca, múa nhạc…..

Tuy nhiên, vì kinh phí đầu tư còn quá hạn chế, chưa tương xứng với sự phát triển nên việc tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật chưa nhiều, chưa duy trì thường xuyên, quy mô còn khiêm tốn và hiệu quả thu được cũng ở mức đáp ứng phong trào hiện nay.

Trước tình trạng khó khăn như trên, Ông Ngô Văn Bảy - Giám đốc Trung tâm chia sẻ: “Việc di dời nhiều lần  như vậy khiến cho hoạt động các câu lạc bộ, lớp năng khiếu, phong trào văn hóa văn nghệ duy trì thường xuyên tại Trung tâm cũng phải tạm dừng. Tôi và nhiều người công tác trong ngành văn hóa vẫn luôn băn khoăn: đến bao giờ Trung tâm Văn hóa thành phố Đà Nẵng được đầu tư xây dựng đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật - tạm gọi “đạt chuẩn”?!

Ông bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn và đề xuất lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng sớm triển khai dự án xây dựng công trình Trung tâm Văn hóa thành phố để sớm ổn định hoạt động của đơn vị, duy trì và phát triển các hoạt động văn hóa nghệ thuật theo chức năng nhiêm vụ của mình”.

Đà Nẵng chỉ đứng thứ 61/63 tỉnh thành về mức độ đầu tư cho văn hóa dù được đánh giá là địa phương phát triển nhất khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Các cụ nhà ta vẫn nói “an cư” mới “lạc nghiệp”. TP đang muốn thay đổi quyết liệt, xác định nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh đầu tư cho văn hóa. Nhưng thiết nghĩ, một Trung tâm Văn hóa thành phố, là bộ mặt văn hóa của thành phố mà vẫn chưa được đầu tư, quan tâm đúng mức, thì đến bao giờ Đà Nẵng mới thay đổi được?

Hồng Thúy

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›