Bình thường, lá ngón mọc đầy lối đi, gần đây nhiều người Mông ăn lá ngón tự tử quá, nên bà con phát bớt đi, đề phòng hậu họa, trong khi còn chưa có biện pháp hữu hiệu”. Ông Lầu Minh Pó, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Mường Lát, cũng là một người dân tộc Mông ở xã Pù Nhi, huyện miền núi Mường Lát (Thanh Hóa) than thở.
Một cây lá ngón có thể giết chết cả bản
Khi chúng tôi đến Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Lát, các bác sĩ vừa làm xong thủ tục xuất viện cho bệnh nhân Thao Thị Câu, 29 tuổi, người ở bản Kéo Hượn, xã Nhi Sơn vì bị “con ma cua tùa nhủ rủ rê”. Chừng 30 phút sau, một tốp người ở bản Hua Pù, xã Pù Nhi hoảng hốt đưa Thao Thị Mỵ, 27 tuổi đến nhập viện. Cũng như Thao Thị Câu, Thao Thị Mỵ nhập viện trong tình trạng nguy kịch, người lạnh, liên tục nôn mửa, bọt mép sùi lên, thất khứu đổ máu, triệu chứng của người bị nhiễm độc do ăn lá ngón. Các bác sĩ khẩn trương đưa bệnh nhân vào phòng cấp cứu, dùng máy trợ thở và tiến hành thau rửa ruột cho nạn nhân.
Bác sĩ Ngô Kim Dũng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Mường Lát cho biết: “Từ đầu năm, chúng tôi đã cứu sống 6, 7 ca bệnh nhân ăn lá ngón để tự tử. Hầu hết là các nạn nhân nữ, có một số bệnh nhân nam, hoàn toàn là người Mông. Các trường hợp ăn lá ngón đến viện đều được cứu sống, trừ một ca tử vong trước khi vào tới cổng bệnh viện. Đáng lo ngại, so với các năm trước, gần đây, số bệnh nhân nhập viện vì lá ngón có chiều hướng gia tăng”.
Về độc tính của loại lá rừng này thì khỏi phải bàn cãi, chỉ ba chiếc lá là mất một mạng người, một cây lá ngón có thể giết chết cả bản. Lầu Minh Pó bảo: “Tôi và nhiều người Mông khác đã thử lấy một chút rễ cây lá ngón cho vào chiếc ruột lợn, rồi buộc chặt hai đầu. Một lúc sau, chiếc ruột lợn phồng to như quả bóng, rồi nổ tung ra. Chẳng hiểu loại cây này có chất độc gì kị với nội tạng mà nguy hiểm vậy. Bà con đều biết chất độc của nó, nhưng vẫn không hết nỗi đau tự tử bằng lá ngón, nhất là phụ nữ và bé gái”. Theo kinh nghiệm của các bác sĩ, cứ sau dịp Tết thì số ca cấp cứu vì ăn lá ngón trong đồng bào Mông lại tăng cao đột biến. Có nghĩa là sau những đêm vui kéo bạn, đêm chợ tình đầy ắp tiếng khèn Mông và rực rỡ cánh áo thổ cẩm cùng rượu ngon, thắng cố…, những hờn giận, ghen tuông, buồn bực dễ khiến người phụ nữ Mông tìm giải pháp tiêu cực này. Ghen bóng gió, tìm lá ngón. Giận hờn, tìm lá ngón. Buồn tủi, tìm lá ngón.
Ăn lá ngón, vì đâu?
“Những người lớn tuổi, người chồng (vợ) không nhắc nhở nhau tránh xa lá ngón sao?”. Trả lời chúng tôi, Lầu Minh Pó buồn rầu: Người Mông coi trọng sự chung thủy và phụ nữ Mông thì có cách nghĩ rất đơn giản. Họ cho rằng, chết vì giận người thân là cách tốt nhất để trừng phạt người còn sống, luôn phải nhớ thương, đau khổ, phải thui thủi lên nương, phải sống một mình. Lí do để từ bỏ cuộc sống thật đáng thương mà đáng giận. Nhà Pó, cách đây mấy năm, đứa em gái út 15 tuổi cũng ăn lá ngón tự tử, chỉ vì giận bố. Chuyện có gì đâu, em xin tiền bố để đi chơi chợ xuân cùng bè bạn, bố hết tiền, nên bảo đợi anh Pó về sẽ cho. Nghĩ bố không yêu thương mình, nên em lang thang lên nương đi tìm lá ngón, để cả nhà Pó phải hối hận buồn thương em!
Phần lớn các cuộc tự tử bằng lá ngón ở Mường Lát đều vì chuyện tình, như Thao Thị Câu, Thao Thị Mỵ đều do giận chồng. Hay như Ly Thị Nính (17 tuổi) ở bản Na Tao (xã Pù Nhi) được người nhà đưa đến viện, cứu sống nhưng phải tháo khớp một ngón chân do quệt xuống mặt đường khi vội vã di chuyển bằng xe máy. Cách đây chừng một tháng, chàng trai Thao Văn Ly ở bản Pá Hộc và cô gái Hơ Thị Lâu ở bản Cặt (cùng xã Phù Nhi) dẫn nhau lên nương tâm sự, than thân trách phận vì chuyện tình éo le chưa hội ngộ đã phải lìa xa, rồi chia nhau nắm lá ngón để cùng ăn. Rất may, có một số người đi nương nhìn thấy, cấp tốc đưa A Ly về bản cho uống thuốc lá nôn hết chất độc trong người mà thoát nạn. Cô gái Hơ Thị Lâu được đưa đến bệnh viện đa khoa, rồi cũng thoát khỏi bàn tay tử thần.
Hay như câu chuyện thương tâm về cặp vợ chồng tại xã Pù Nhi (xin không nêu tên), giận chồng, người vợ ăn lá ngón để chồng phải đau khổ. Suốt một tháng trời, người chồng nhớ thương vợ, khóc cạn nước mắt. Anh để lại trên nương một lá thư bằng chữ Mông nói về tình thương với vợ, rồi hái lá ngón để ăn. Khi người trong bản đi nương phát hiện ra, thì anh đã chết. “Nhiều nạn nhân được đưa đến viện kịp thời, chúng tôi đều cứu sống, nhờ vào chiếc máy trợ thở duy nhất của bệnh viện” - Bác sĩ Ngô Kim Dũng cho biết.
Lá ngón, thủ phạm của những cái chết thương tâm của nhiều phụ nữ và trẻ em gái tại Mường Lát
Liên tục nhắn nhủ vợ rồi, mà lúc nào tôi cũng lo nơm nớp”. Lầu Minh Pó nói thêm: “Việc ngăn chặn nỗi đau này, chỉ có thể thực hiện được khi nhận thức của người dân thực sự được nâng cao, rất cần các cấp chính quyền lưu tâm vào cuộc”.