(Thethaovanhoa.vn) - Điểm chuẩn đại học năm 2020 tăng là điều đã được dự đoán ngay sau khi kết thúc Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Tuy nhiên, điểm chuẩn chính thức vừa được các trường công bố với mức tăng cao hơn nhiều so với dự đoán cũng khiến nhiều thí sinh, thậm chí ngay cả các trường bất ngờ, đặc biệt ở khối ngành Kinh tế, Kỹ thuật - Công nghệ, Y - Dược.
Là trường tốp đầu, cùng với mức điểm trung bình cao nên điểm chuẩn vào các ngành học của Đại học Quốc gia Hà Nội năm nay tăng từ 2 - 4 điểm, thậm chí có ngành tăng tới gần 6 điểm so với năm trước.
Ông Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Điểm chuẩn xét tuyển vào trường năm nay tăng cao như: Khoa học dữ liệu tăng hơn 4 điểm. Các ngành công nghệ tăng trung bình 2-4 điểm, lên tới 28 điểm. Nhóm ngành sức khỏe tăng 4,15 điểm. Cá biệt ngành Hàn Quốc học (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) lấy điểm chuẩn 30. Nhìn từ điểm chuẩn có thể thấy, các trường tốp trên có sự phân hóa mạnh, những ngành học “nóng” đã thu hút được nhiều học sinh giỏi đăng ký xét tuyển. Điều này cũng cho thấy xã hội có sự chuyển biến mạnh mẽ, việc lựa chọn ngành học của thí sinh đã gắn với xu thế của thời đại và nhu cầu việc làm khi ra trường.
Tuy nhiên, với mức điểm chuẩn tăng cao “đột biến”, một số thí sinh đã rơi vào tình thế “trượt oan”, mặc dù có điểm thi ở mức 25-26 điểm.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải Nguyễn Thanh Chương chia sẻ: Xuất phát điểm năm nay là điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông tăng cao, các tổ hợp xét tuyển đều có phổ điểm cao hơn nên điểm chuẩn của hầu hết các trường đều cao hơn năm trước và một số trường cao ở ngưỡng 29 điểm. Cùng đó, trước khi các trường xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông đã tiến hành xét tuyển bằng học bạ và một số phương thức khác. Việc thí sinh điểm cao vẫn trượt nguyện vọng là do thí sinh tập trung quá nhiều vào một lĩnh vực nào đó như Công nghệ thông tin, Tự động hóa hoặc một số ngành "nóng", không mở rộng nguyện vọng sang các ngành, lĩnh vực khác.
Bà Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Đào tạo - Trường Đại học Ngoại thương nhận định: Đã xét tuyển căn cứ vào điểm thi thì sau khi xác định được ngưỡng điểm chuẩn, rủi ro rơi vào thí sinh nào, thí sinh ấy phải chịu, dù nhà trường vẫn biết năng lực giữa thí sinh 28 điểm/3 môn không có gì khác biệt so với những thí sinh 27 - 27,5 điểm. Bối cảnh kỳ thi năm nay có tính đặc thù nên điểm thi cũng cao hơn so với mọi năm.
Chia sẻ việc một số ngành học có điểm chuẩn rất cao, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến điểm trúng tuyển vào một ngành có thể cao hoặc rất cao như chỉ tiêu xét tuyển ngành học ít hoặc rất ít, trong khi thí sinh có nguyện vọng đăng ký lại nhiều. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu đã dành một phần cho tuyển sinh bằng các phương thức khác không dùng kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông.
- Mốc thời gian ghi nhớ sau khi tra cứu điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm chuẩn các trường ĐH các năm
- Điểm chuẩn xét tuyển học bạ các trường đại học ở TP.HCM khá cao
Mục tiêu của Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm nay chủ yếu phục vụ công tác xét tốt nghiệp, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nên đề thi có yêu cầu thấp hơn năm 2019. Do vậy, điểm mặt bằng chung của thí sinh cao hơn, từ đó điểm trúng tuyển cũng cao hơn.
Bà Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh: Theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành, thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng vào các trường, các ngành. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng thường xuyên khuyến cáo, truyền thông qua các kênh để các em lưu ý điều này khi đăng ký xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Tuy nhiên, một số thí sinh chỉ đăng ký 1 hoặc rất ít nguyện vọng, hay chỉ đăng ký vào các ngành, trường thuộc tốp đầu, mức độ cạnh tranh rất lớn. Về nguyên tắc, các trường sẽ xét tuyển theo điểm thi từ cao đến thấp (không phân biệt thứ tự nguyện vọng của thí sinh, trừ các thí sinh có cùng điểm thi ở cuối danh sách). Do giới hạn về chỉ tiêu tuyển sinh nên việc thí sinh có điểm thi thấp hơn các thí sinh khác không trúng tuyển là việc tất yếu có thể xảy ra, mặc dù thí sinh có điểm thi cao hoặc rất cao.
Hiện nay, các trường được xét tuyển nhiều đợt trong năm, đợt 1 xét tuyển chung cũng chỉ là một trong các đợt xét tuyển. Căn cứ vào số lượng các thí sinh xác nhận nhập học, xem xét các chỉ tiêu tuyển sinh còn lại trong năm 2020, các trường sẽ quyết định có xét tuyển bổ sung nữa hay không (ở các đợt tiếp theo). Nếu xét tuyển bổ sung, các trường sẽ công bố chỉ tiêu, mức điểm nhận hồ sơ (lưu ý điểm nhận hồ sơ không thấp hơn mức điểm trúng tuyển đợt 1), thời gian nhận hồ sơ, thời gian xét tuyển… và công bố kết quả trên trang thông tin điện tử của trường hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thí sinh có thể căn cứ vào các thông tin này để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường. Thí sinh cũng có thể nộp xét tuyển vào nhiều trường, nhiều ngành, nhiều đợt khác nhau.
Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các trường nói chung và đặc biệt là các trường thuộc tốp đầu, nếu chưa tuyển đủ chỉ tiêu thì nên tuyển bổ sung các đợt sau, tạo điều kiện cho các thí sinh có điểm thi Trung học phổ thông tốt nhưng chưa đỗ theo kết quả xét tuyển đợt 1. Ngoài ra, thí sinh còn có cơ hội tuyển sinh vào các chương trình liên kết đào tạo quốc tế.
Việt Hà - TTXVN
Tags