(Thethaovanhoa.vn) - Học sinh lớp 12 trong cả nước đang nỗ lực để hoàn thành chương trình năm học, chuẩn bị bước vào Kỳ thi Trung học Phổ thông và xét tuyển vào Đại học, Cao đẳng.
Trong bối cảnh các mốc thời gian của năm học đã được điều chỉnh, ngay sau khi học sinh trở lại trường sau thời gian nghỉ để phòng chống dịch bệnh, nhiều hoạt động tư vấn tuyển sinh, giới thiệu các ngành, nghề đào tạo và kết nối với các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp đã được Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương, các trường Đại học ở phía Nam tăng cường tổ chức, giúp học sinh có đầy đủ thông tin để có những lựa chọn phù hợp cho bước đường học tập tiếp theo.
Đa dạng phương thức tuyển, mở thêm nhiều ngành mới
Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phương án thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông và quy chế tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2020, nhiều trường Đại học, Cao đẳng khu vực phía Nam đã kịp thời điều chỉnh và công bố kế hoạch tuyển sinh của trường theo hướng vừa tạo thuận lợi cho thí sinh vừa giúp nhà trường có được “đầu vào” đảm bảo chất lượng. Nhiều trường tổ chức thường xuyên các buổi tư vấn trực tuyến thông qua mạng xã hội, phối hợp với các cơ quan truyền thông mở các đợt tư vấn theo từng nhóm ngành, nghề, lập đường dây nóng tư vấn chuyên sâu từng chuyên ngành đào tạo, phát các tài liệu giới thiệu về trường, ngành học đến học sinh và cả phụ huynh học sinh lớp 12.
- Tuyển sinh đại học 2020: Chuẩn bị nhiều phương án để đảm bảo chất lượng đầu vào
- Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc: Kế hoạch tuyển sinh đại học 2020 vẫn được đảm bảo
Đại diện bộ phận tuyển sinh của một số trường Cao đẳng và Đại học cho biết, trong thời gian học sinh tạm nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh, nhiều hoạt động tư vấn đã được các trường linh hoạt tổ chức. Song đến thời điểm này, các trường đều xác định cần tăng cường hoạt động truyền thông, tư vấn để thí sinh “chốt” được quyết định phù hợp khả năng, sở thích. Các trường tập trung cung cấp cho thí sinh những thông tin liên quan đến phương thức tuyển sinh, các mốc thời gian xét tuyển đối với mỗi phương thức, những ngành nghề đào tạo. Trong đó, nhà trường lưu ý những ngành mới được mở nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, nhất là thị trường lao động ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Các trường thực hiện đa dạng các phương thức tuyển sinh như: Tuyển thẳng, xét tuyển từ kết quả học tập (học bạ), xét tuyển từ kết quả kỳ thi năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, sử dụng kết quả kỳ thi Trung học Phổ thông, xét tuyển với các điều kiện riêng theo yêu cầu của ngành học...
Theo thông tin từ Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh, kỳ tuyển sinh năm 2020, trường tuyển sinh ở các phương thức xét tuyển học bạ, xét tuyển từ kết quả thi Trung học Phổ thông, kết quả kỳ thi năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Các chương trình tư vấn trực tuyến cũng như trên trên trang thông tin tuyển sinh của trường đều thông báo cụ thể thời gian nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển cùng thời gian công bố kết quả đối với từng phương thức xét tuyển. Trường đã thông tin chi tiết về 6 ngành học mới được mở dựa trên nhu cầu của thị trường lao động, năng lực đào tạo của trường, đó là: Hệ thống thông tin, công nghệ kỹ thuật năng lượng tái tạo, bất động sản, tài nguyên và du lịch sinh thái, cảnh quan và kỹ thuật hoa viên, lâm nghiệp đô thị.
Trường Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai) tăng cường tổ chức buổi tư vấn tuyển sinh theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của lãnh đạo nhà trường, cán bộ làm công tác tuyển sinh và đại diện từng ngành học, tạo điều kiện để thí sinh tương tác và được giải đáp kịp thời những thông tin chưa nắm rõ. Theo Thạc sỹ Đoàn Việt Anh - Bộ phận Tuyển sinh Trường Đại học Lạc Hồng, trong quá trình tư vấn, giới thiệu về trường để giúp thí sinh hiểu và có lựa chọn phù hợp, đại diện nhà trường luôn nhấn mạnh, trường được phát triển theo định hướng đại học ứng dụng. Do đó, sinh viên của trường sẽ được ưu tiên học thực hành, khối lượng kiến thức thực hành chiếm đến 70% chương trình đào tạo. Ngay từ năm thứ 3, sinh viên được học trực tiếp trong doanh nghiệp, giúp sinh viên làm quen với áp lực công việc, kỹ năng giao tiếp, ứng xử và làm việc nhóm.
Trường Đại học Trà Vinh - một trường ở khu vực Tây Nam Bộ, thông qua các buổi tư vấn trực tuyến, các thông tin đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng kịp thời cung cấp đến thí sinh về các phương thức tuyển sinh, các ngành học phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, trong đó có các ngành và chuyên ngành như: Quản lý dịch vụ logistics, các chuyên ngành thuộc lĩnh vực ngôn ngữ, văn hóa - nghệ thuật Khmer Nam Bộ…
Kết nối với chuyên gia
Bên cạnh việc cập nhật thông tin, giải đáp kịp thời những thắc mắc của học sinh lớp 12 liên quan đến phương thức tuyển sinh, khung chương trình, học phí, học bổng của các trường Đại học, Cao đẳng, Sở Giáo dục và Đào tạo nhiều địa phương, các trường Đại học, Cao đẳng còn tăng cường mời các chuyên gia hướng nghiệp, chuyên gia tâm lý, dự báo nguồn nhân lực tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh, gợi mở những định hướng nghề nghiệp để học sinh có quyết định đăng ký xét tuyển vào các trường được phù hợp với năng lực, niềm say mê và cả điều kiện kinh tế của gia đình.
Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ, khi học sinh lớp 12 trở lại trường sau đợt nghỉ để phòng, chống dịch bệnh, Sở đã tổ chức chương trình hướng nghiệp trực tuyến với chủ đề “Kết nối chuyên gia hướng nghiệp đến từng học sinh”, thông tin đến các em những điểm nổi bật của quy chế thi Trung học Phổ thông 2020, những dự báo về thị trường lao động khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong phạm vi cả nước và quốc tế trong thời gian tới.
Là người tham gia nhiều chương trình tư vấn hướng nghiệp, ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia dự báo nguồn nhân lực, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nhiều học sinh lớp 12 băn khoăn nên đăng ký học ngành gì ở trường đại học hay cao đẳng mà không bị thất nghiệp. Thực tế, bức tranh thị trường lao động hiện nay cũng như thời gian tới có đặc trưng là hội nhập sâu rộng, các nhu cầu về việc làm không chỉ đóng khung trong mỗi quốc gia.
Ngoài ra, cuộc các mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng đòi hỏi người lao động có những kỹ năng thích ứng. Những ngành nghề mang tính giản đơn, lặp đi lặp lại có xu hướng mất đi; thị trường lao động sẽ rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao. Những nhóm ngành như công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa, quản trị, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ, nghệ thuật luôn có nhu cầu về lực lượng lao động. Vì vậy, mỗi thí sinh khi đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng sẽ có rất nhiều lựa chọn khác nhau và sau khi học xong cũng có rất nhiều công việc mà các em có thể đảm nhận. Điều quan trọng là mỗi người chọn ngành học phù hợp với năng lực, sự yêu thích và sau khi trúng tuyển học tập với mong muốn để gắn bó với nghề chứ không phải để có được tấm bằng, các em sẽ thành công.
Theo Tiến sỹ Tâm lý Đào Lê Hòa An, Viện Việt Nam bách nghệ thực hành, trong kỳ tuyển sinh Đại học, Cao đẳng những năm trước, từng có trường hợp thí sinh đăng ký rất nhiều nguyện vọng, lên tới 40-50 nguyện vọng. Điều này cho thấy thí sinh hoặc yêu thích quá nhiều ngành nghề hoặc thực ra là không thực sự thích ngành, nghề nào mà chỉ muốn trúng tuyển vào một trường. Để việc lựa chọn được chính xác, mỗi thí sinh nên lưu ý đến tam giác chọn nghề được tạo thành từ ba đỉnh là: Đam mê, năng lực và nhu cầu của thị trường lao động.
Thanh Trà/TTXVN
Tags