(Thethaovanhoa.vn) - Theo Sở Công Thương Bắc Giang, đến ngày 29/6 toàn tỉnh đã tiêu thụ được trên 137.000 tấn vải thiều. Vụ năm nay, sản xuất và tiêu thụ vải thiều của Bắc Giang thuận lợi, với giá bán cao (trung bình từ 22.000 - 46.000 đồng/kg). Có được kết quả này là do chất lượng vải thiều Bắc Giang không ngừng được nâng lên và việc xúc tiến tiêu thụ quả vải được tỉnh quan tâm đẩy mạnh ngay từ đầu vụ.
Gia đình anh Hoàng Ngọc Thanh, thôn Lâm, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang có hơn 1,4 ha trồng vải thiều với khoảng 350 gốc vải, dự kiến năm nay anh sẽ thu về trên 10 tấn vải. Đến nay gia đình anh đã thu hoạch được trên 50% sản lượng. Năm nay là năm đầu tiên diện tích vải thiều nhà anh Thanh sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản nên chất lượng vải thiều được nâng lên rõ rệt.
Anh Thanh cho biết, sản xuất vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP vất vả hơn nhiều so với phương pháp truyền thống. Nông dân phải tuân thủ đúng quy trình, có nhật ký ghi chép, phun thuốc, bón phân phải nằm trong danh mục cho phép. Trước khi thu hoạch, quả vải phải được test hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón 3 lần, đủ tiêu chuẩn mới được thu hoạch.
- Bắc Giang trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều trong và ngoài nước
- Kết thúc vụ vải thiều, nông dân Bắc Giang thu về hơn 5.700 tỷ đồng
Anh Thanh cũng cho biết thêm, trong ngày 22/6 gia đình anh đã bán 5 tạ vải cho công ty để xuất khẩu sang Nhật Bản, với giá 30.000 đồng/kg. Quả vải xuất khẩu sang Nhật phải đảm bảo các tiêu chuẩn về quy trình sản xuất, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, và phải đảm bảo kích cỡ khoảng 38 - 40 quả/1kg.
Tuy sản lượng vải xuất vào thị trường Nhật Bản còn ít nhưng đây là tín hiệu vui cho người nông dân, để người Nhật biết đến sản phẩm của mình, góp phần nâng cao giá trị quả vải Lục Ngạn.
Vụ năm 2020, tỉnh Bắc Giang duy trì diện tích 28.000 ha vải, sản lượng ước đạt 160.000 tấn; trong đó, diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 15.000 ha, tăng 1.145 ha so với năm 2019 và hướng tới đạt 100% diện tích. Diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP có 218 ha - được Mỹ cấp mã số vùng trồng; Nhật Bản chấp thuận 19 mã vùng trồng với hơn 100 ha; Trung Quốc chấp thuận 149 mã vùng trồng và 288 cơ sở đóng gói.
Do chất lượng được nâng lên, thị trường được mở rộng nên năm nay việc tiêu thụ vải thiều tại Bắc Giang diễn ra thuận lợi. Đến nay, 137.000 tấn vải thiều của tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ; trong đó, huyện Lục Ngạn nhiều có số lượng nhiều nhất với gần 80.000 tấn.
Tại thị trường nội địa, vải thiều được tiêu thụ khắp các tỉnh, thành trong cả nước thông qua các chợ đầu mối, chợ truyền thống, các trung tâm thương mại, siêu thị, hệ thống các cửa hàng tiện ích. Riêng thị trường các tỉnh phía Nam tiêu thụ chiếm khoảng 60% sản lượng vải thiều Bắc Giang tiêu thụ trong nước.
Việc xuất khẩu vải thiều Bắc Giang sang các nước cũng diễn ra thuận lợi, thị trường ngày càng được mở rộng. Đến nay, sản lượng vải thiều Bắc Giang xuất sang thị trường Trung Quốc đạt khoảng 59.000 tấn. Các thị trường khác như Nhật Bản đã tiêu thụ 75 tấn, Singapore (100 tấn), Australia (36 tấn), Mỹ (81 tấn), các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đạt 521 tấn...
Ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, hiện trên địa bàn huyện có 137 thương nhân Trung Quốc đến thu mua vải thiều nên việc xuất khẩu vải thiều Lục Ngạn sang thị trường Trung Quốc diễn ra thuận lợi. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thu mua vải thiều xuất khẩu đi Nhật Bản và các thị trường khác đã phối hợp với địa phương để thu mua vải thiều khá thuận lợi với giá đã thỏa thuận từ trước là 30.000 đồng/kg.
Dự kiến từ nay đến cuối vụ, phía Nhật Bản sẽ tiêu thụ khoảng 100 tấn vải thiều; các nước Mỹ, Australia, Singapore, Hàn Quốc và Canada tiêu thụ khoảng 200 tấn. So với tổng sản lượng thì vải thiều Bắc Giang tiêu thụ tại thị trường các nước khó tính vẫn còn ít. Tuy nhiên, đây là sự khẳng định bước đầu về chất lượng, thương hiệu, góp phần nâng tầm giá trị quả vải của Bắc Giang.
Những năm sau, Bắc Giang dự kiến sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc xuất khẩu quả vải thiều vào các thị trường khó tính với số lượng lớn hơn, ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết.
Đồng Thúy
Tags