Vệ tinh Micro Dragon của Việt Nam sẽ được phóng tại Nhật Bản ngày 18/1

Thứ Tư, 16/01/2019 15:01 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết: Vào 7 giờ 50 phút (giờ Việt Nam) ngày 18/1, tên lửa Epsilon mang theo 7 vệ tinh, trong đó có 6 vệ tinh của Nhật Bản và 1 vệ tinh Micro Dragon của Việt Nam sẽ phóng lên quỹ đạo tại Nhật Bản. Vụ phóng tên lửa này được lùi lại một ngày do điều kiện thời tiết không thuận lợi, trời nhiều mây mù.

Vệ tinh MicroDragon do người Việt Nam thiết kế sẽ được phóng tại Nhật Bản

Vệ tinh MicroDragon do người Việt Nam thiết kế sẽ được phóng tại Nhật Bản

Theo Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết: Ngày 30/11, Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) thông báo, ngày 17/1/2019, vệ tinh MicroDragon (50 kg) của Việt Nam cùng với 6 vệ tinh khác của Nhật Bản sẽ được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy Epsilon số 4 tại Trung tâm vũ trụ Uchinoura, Nhật Bản.

Sau khi phóng lên vũ trụ, khoảng 1 giờ 5 phút, vệ tinh Micro Dragon sẽ tách khỏi tên lửa đẩy và sau đó 1-2 ngày sẽ có thể thu nhận những tín hiệu đầu tiên từ vệ tinh. Dự kiến sau thời gian hoạt động thử nghiệm từ 1-3 tháng trên vũ trụ, vệ tinh Micro Dragon sẽ vận hành ổn định. Với độ phân giải không cao, vệ tinh Micro Dragon chỉ phân biệt được những vật có độ lớn từ 70 m trở lên, vì vậy, vệ tinh Micro Dragon không có chức năng phát hiện, định vị tàu mà chỉ có một cảm biến quan trắc màu nước vùng biển ven bờ để giám sát chất lượng nước, dầu loang trên biển. Vệ tinh Micro Dragon có thể định vị nguồn thủy sản, cung cấp thông tin về những động vật, phù du đang sinh sống tại vùng biển được quan sát và cung cấp thông tin có những loại cá nào, kích cỡ ra sao tại vùng biển ven bờ để phục vụ ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam.

Chú thích ảnh
Vệ tinh Micro Dragon đang được các kỹ sư Việt Nam tiến hành các hoạt động thử nghiệm từng phần nhiệm vụ. Ảnh: VNSC

Vệ tinh MicroDragon là sản phẩm được Việt Nam thực hiện trong khuôn khổ Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, hợp phần đào tạo vệ tinh cơ bản thực hiện nhiệm vụ “Đào tạo 36 thạc sĩ công nghệ vũ trụ và thực hành chế tạo thử nghiệm 1 vệ tinh Micro (khối lượng khoảng 50 kg) tại một số trường đại học của Nhật Bản”. Micro Dragon được phát triển bởi 36 học viên (là cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) theo học tại 5 trường đại học hàng đầu Nhật Bản gồm: Đại học Tokyo, Đại học Keio, Đại học Hokkaido, Đại học Tohoku và Học viện Công nghệ Kyushu với sự đào tạo và hướng dẫn của các giáo sư, chuyên gia từ năm 2013 - 2017.

Trước đó, các kỹ sư của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã chế tạo thành công vệ tinh siêu nhỏ Pico Dragon (kích thước 10 x 10 x 11,35 cm, khối lượng 1 kg). Vệ tinh này được phóng lên quỹ đạo vào tháng 11/2013 và vận hành đạt mục tiêu đề ra. Pico Dragon là sản phẩm “đầu tay” của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam nhằm đo đạc thông số chụp ảnh vệ tinh, thông số môi trường vũ trụ.

Nhiệm vụ chính của vệ tinh Micro Dragon sử dụng hệ 2 máy ảnh đa phổ với bộ lọc tinh thể lỏng có thể điều chỉnh (LCTF) có thể chụp được ở 12 dải phổ (từ 412 nm đến 1020 nm), ảnh độ phân giải mặt đất tốt nhất là 78 m, kích thước ảnh khoảng 36×48 km khi vệ tinh hoạt động ở quỹ đạo 500 km. Ảnh vệ tinh Micro Dragon là cơ sở để trao đổi dữ liệu vệ tinh với cộng đồng Micro trên thế giới nhằm tăng cường khả năng đáp ứng nhanh trong các hoạt động phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu. Ngoài ra, ảnh vệ tinh Micro Dragon có thể dùng để phối hợp dữ liệu với các dữ liệu viễn thám sẵn có để tìm kiếm các ứng dụng mới, tăng cường chất lượng của ứng dụng cũ nhằm xác nhận khả năng ứng dụng của dòng vệ tinh Micro.

Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cũng tiếp tục đào tạo nhân lực, tham gia vận hành vệ tinh tại Nhật Bản; đào tạo cán bộ của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam vận hành, điều khiển, thu và xử lý tín hiệu của vệ tinh Micro Dragon trên quỹ đạo; đồng thời, thực hành cân chỉnh, phân tích và xử lý ảnh vệ tinh Micro Dragon sau khi phóng.

TTXVN/HL

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›