“Viên ngọc quý” trong làng kim hoàn Hà thành

Thứ Hai, 05/04/2010 09:16 GMT+7

Google News

(TT&VH Online) - Làng Đại Bái, hay còn gọi là làng Bưởi (huyện Gia Bình, Bắc Ninh), vốn nổi tiếng với những sản phẩm đúc đồng từ lâu đã “hiến” cho đất kinh kỳ những nghệ nhân tài hoa, những “viên ngọc quý” trong nghề đúc đồng, kim hoàn... trong đó có nghệ nhân Nguyễn Ngọc Khuông. Tính đến đời ông Khuông thì gia tộc Nguyễn Ngọc đã bốn đời làm nghề chạm bạc, chế tác kim hoàn.

* Cha tài

Ngày còn là gã trai tân, ông đã xuống Hà Nội làm nghề. Giữa đất kinh kì, cái nghề ấy đã giúp ông an cư, lạc nghiệp, gắn đời vào với đất, với người, với văn hóa Hà Nội. Giờ, không ai bảo, thậm chí ít người biết ông là người Kinh Bắc, nếu không hỏi hoặc không xem giấy chứng minh nhân dân của ông.

Trong làng nghề Đại Bái, cha ông Khuông là cố nghệ nhân Nguyễn Ngọc Khuê được giới thợ suy tôn là bậc cao thủ với tay nghề “siêu phàm” bậc nhất. Làng Đại Bái vẫn lưu truyền câu chuyện, năm 1929, cụ Khuê làm lô hàng khảm tam khí (vàng, bạc, đồng) cho một nhà buôn tên là Hàn Kim mang sang Paris.: Số sản phẩm này sau đó được Hàn lâm viện Paris cấp bằng chứng nhận (người dân gọi là “Bằng Hàn lâm” và cho rằng thời thời đó nếu ai nhận được bằng này, oai danh ngang bằng với quan huyện, quan phủ, gặp quan huyện, quan phủ đường chỉ việc chìa tay ra bắt chứ không phải cúi lạy như hạng thứ dân(!).

Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Khuông


Tiếc là do Hàn lâm viện Paris ngỡ  thương buôn Kim Hàn là tác giả của số sản phẩm kim hoàn ấy nên tên tuổi ghi trong bằng không phải Nguyễn Ngọc Khuê mà là tên Hàn Kim. Một nhà buôn khác phát hiện ra việc này đã gửi đơn khiếu nại lên Hàn lâm viện Paris để xin “chứng nhận lại” cho cha ông. Hàn lâm viện Paris đồng ý nhưng rốt cục, không hiểu sao cụ Khuê chỉ được nhận Bằng Cửu phẩm, do vua Khải Định ký và đóng dấu chứ không phải Hàn lâm viện Paris. Bằng Cửu phẩm so với Bằng Hàn lâm thì chỉ là bậc dưới, chỉ ngang vai phải lứa với ông tổng làng nhưng lần ấy nhận bằng về, cụ Khuê đã phải giết trâu, mổ bò để khao cả tổng Bình Ngô lúc bấy giờ…

Tiếng tăm cụ Khuê thời ấy không ai là không biết. Trong các cuộc thi tay nghề, bậc cao niên căng dây tàu, bật mực lên tấm đồng, yêu cầu thợ đập búa sao cho mép vết búa hằn trên tấm đồng nối nhau thành một đường thẳng như vệt mực tàu đã được bật trước đó. Hoặc, một cách khác cụ Khuê thể hiện đến nay chưa ai làm nổi là với hai tấm đồng lồi lõm khác nhau chỉ bằng búa, cụ tán phẳng hai tấm đến nỗi khi xếp chồng lên nhau, chúng dính chặt như được gắn keo, không ai gỡ ra được.

Cụ Khuê chính là tác giả của thanh kiếm được chạm khắc bộ tứ linh long, lân, quy, phụng trên cả vỏ, chuôi và lưỡi kiếm từng được Khải Định rất thích. Hiện nay, thanh kiếm đang được lưu giữ tại đình làng Đại Bái, nơi thờ ông tổ nghề đúc đồng Nguyễn Công Truyền (989 - 1060). Ngoài ra, cụ Khuê còn làm rất nhiều tráp, hòm đựng sắc phong tam khí cho vua Khải Định…

Những thành tích mà cụ Khuê đạt được là một niềm tự hào lớn đối với không chỉ cá nhân ông Khuông mà còn với cả làng Bưởi xưa kia. Tiếc là cũng chỉ vì cái bằng Cửu phẩm mà có một thời kỳ cụ bị hiểu nhầm là địa chủ. Nhiều báu vật cụ làm ra cũng như tất cả những bằng cấp, giấy tờ, tài liệu liên quan đến nghề chính cụ đã phải tự tay đốt trụi.

* Con giỏi

Ông Khuông sinh năm 1930. Năm lên 10 tuổi, gen nghề trong ông Khuông bắt đầu phát lộ. Ban đầu, vừa xem cha làm việc, ông vừa lân la sang nhà người hàng xóm, cũng làm nghề như cha mình để xem họ làm thế nào. Chợ quê ngày xưa họp 5 ngày một phiên. Trong năm ngày ấy, hai vợ chồng và một người con nhà hàng xóm chỉ làm được cả thảy 25 hộp đựng thuốc lào bằng đồng. Ông để ý gia đình nghệ nhân ấy làm rất cầu kỳ và mất rất nhiều thời gian trong khâu làm vành sóng tròn đứng trên miệng hộp. Họ bắt đầu cũng từ dải bản kim loại, sau đó cuộn tròn, cắt mối và hàn vẩy như người khác, mỗi lần chỉ hàn được một cái. Ông về bắt chước làm theo nhưng khi làm vành sóng tròn đứng, ông dùng một sợi thép dài, cắm vào tay cầm, xâu từng mẻ 50 cái một, đút vào bễ thụt nên hàn rất nhanh. Kết quả là cũng trong 5 ngày, vợ chồng người nghệ nhân vẫn chỉ sản xuất được 25 chiếc hộp thuốc lào, còn ông được 250 chiếc.

Mẫu chân nến bằng bạc làm cho khách hàng người Hungary năm 1972 của nghệ nhân Nguyên Ngọc Khuông


Năm 1948 ông Khuông khăn gói dời quê xuống Hà Nội theo học nghệ nhân Phạm Văn Khôi. Sau 9 tháng, ông ra làm riêng và chỉ gò liền chứ không can thiệp bằng cách vẩy hàn, chắp nối. Đấy là tài hoa đặc trưng chỉ có thợ giỏi làng Đại Bái mới có. Khâu khó nhất để sản phẩm làm hài lòng khách hàng lại chính là khâu đánh bóng sản phẩm. Nghĩa là, đánh làm sao để tác phẩm vừa giữ được đường nét chạm trổ vừa sáng bóng, nói nôm na là nhìn bạc mà cứ tưởng như nhìn innox, có thể làm gương soi được. Nói như nghệ nhân Khương: “Như thế mới đáp ứng được khách sành chơi đồ chạm Hà Thành xưa kia. Người Hà Nội xưa có thể nói là sành điệu, thậm chí đôi khi còn rất xa xỉ trong chuyện ăn chơi, mua sắm. Đã ăn là ăn ngon, đã mặc là phải đẹp và đã dùng gì là phải sang, phải thể hiện được cái trội, nhất là với giới thượng lưu. Nghề chạm bạc ở Hà Nội phất lên một phần nhờ vào tầng lớp thượng lưu, ăn chơi không sợ tốn kém ấy. Tuy vậy, tôi chưa bó tay với bất kỳ một yêu cầu nào của khách, và tự khách quảng bá tên tuổi và sản phẩm của tôi với người khác…”.

Sau năm 1954, ông Khuông làm Chủ nhiệm hợp tác xã có 100 xã viên chế tác đồ bạc cao cấp xuất đi các nước Đông Âu. Kỷ niệm khiến ông không bao giờ quên khi còn làm chủ nhiệm không phải là được hưởng lương “ngoại hạng” (hưởng lương trên cả bậc 7, bậc lương cao nhất) mà là việc nhận chế tác một hộp bánh Thánh và bộ chân nến theo đơn hàng từ Hungary.

Theo đơn đặt hàng, nội nhật trong vòng 10 ngày phải giao hàng, ông Khuông cùng một đồng nghiệp khác (người này làm hộp bánh thánh còn ông Khuông làm đôi chân nến) chỉ trong 7 ngày đã làm xong. Khi giao hàng, đối tác vì vui sướng đã bế thốc ông lên “như một đứa trẻ” khen không tiếc lời. Sau đó, họ thảo ngay một hợp đồng mới kéo dài trong 7 năm, chuyên sản xuất, chế tác những mặt hàng thủ công, mỹ nghệ bằng bạc, đồng… Đó là một kỳ tích mà theo ông không phải hợp tác xã nào ở thời bao cấp có được… Hiện chân nến mẫu ông Khuông vẫn giữ làm kỷ niệm tại nhà riêng, màu sắc chân nến vẫn “long lanh” như mới vừa được chế tác.

* Thiện tâm

Nhiều khi, “đa thọ, đa nhục” (thọ lắm, nhục nhiều), đến Xuân Canh Dần vừa qua, ông tròn 80 tuổi nhưng bắt đầu từ 2005, không ít lần ông đã chạm đến gianh giới giữa cái sống và cái chết. Đầu tiên là ông phải mổ cắt đi 60 phân đại tràng do bị ung thư. Hai năm sau (2007) ông tiếp tục phải vào việc cắt bỏ thận do bị sỏi thận. Năm 2008 ông bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người, đôi mắt từng chỉ nhìn qua một bình sứ cũng có thể nhận ra vết nứt chỉ bằng nửa sợi tóc có biểu hiện bị đục thủy tinh thể, chân liệt, người đau. Rất may, giờ ông đã đi lại được bình thường nhưng sức lực thì đã gần như bị vắt kiệt, mắt không còn nhìn được tinh anh như trước và đôi tay thì không thể cầm búa, nắn bạc như trước kia nữa.

Hộp bạc đựng thuốc lá không thấm nước do nghệ nhân Nguyễn Ngọc Khuông chế tác năm 1962


Tuy tuổi cao, sức yếu lại mang đầy trọng bệnh, không thể làm nghề được nữa nhưng hiện nay ông Khuông vẫn là một “ông cố vấn chuyên môn” cho không chỉ con trai ông mà còn dạy nghề miễn phí cho một số em học sinh nghèo vượt khó Trường Nguyễn Văn Tố (phố Hàng Quạt). Ông còn giúp đỡ các em một phần kinh phí đi lại, mua sắm thêm dụng cụ để học nghề. Anh Dũng, con trai ông là đời thứ 5 nối nghiệp gia đình, hiện nay cũng đã là người vững nghề và có một cửa hàng riêng ở phố Đặng Tiến Đông. Mặc dù dạy con, có trò nhưng ông Khuông không bao giờ dám nhận là thầy bởi theo như ông cho biết, nghề của ông chỉ có một người thầy duy nhất đã được suy tôn là sư tổ Nguyễn Công Truyền. Vì vậy trong nghề này, ai xưng thầy, nhận là thầy là phạm húy, thất kính với tổ tiên.

Ông yêu Hà Nội không chỉ vì Hà Nội là đất thiêng, hội tụ tinh hoa trăm miền mà còn vì Hà Nội đã là một phần cuộc đời ông, cho ông thành công và cả những niềm tiếc nuối. Tiếc nuối vì  tự tin mình là người có tài năng, còn nhiệt huyết và trọn vẹn một tình yêu với nghề nghiệp nhưng dù không hài lòng nhưng đành chấp nhận gác lại rất nhiều dự định cho Hà Nội, trong đó đáng kể nhất là dự định làm 1.000 chân nến cho đại lễ 1.000 năm Thăng Long sắp tới.

 Ông tâm sự: Mấy năm qua, tôi luôn khát khao được làm một bộ chân nến để thắp sáng trong đêm mừng đại lễ. Một chiếc chân nến khổng lồ đặt giữa, dạt sang hai bên tả 500 và bên hữu 500 chân nến từ cao xuống thấp, tạo thành một tòa tháp lấp lóa bởi ánh sáng của bạc, lung linh của nến khi được thắp sáng. Tiếc là tôi không không thể làm được nữa…”

Yến Nguyễn
(Bài tham dự cuộc thi viết/ tìm kiếm 100 nhân vật Hà Nội do TT&VH phát động. Chi tiết xin xem tại: www.nguoihanoi.thethaovanhoa.vn)

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›