Việt Nam không khoan nhượng tội phạm vi phạm luật bảo vệ loài hoang dã

Thứ Tư, 01/06/2016 12:59 GMT+7

Google News

 (Thethaovanhoa.vn) - Ngày 1/6, tại Hà Nội, Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức họp báo nhân kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới 5/6 với chủ đề: “Không khoan nhượng với tội phạm liên quan đến động thực vật hoang dã” nhằm đẩy mạnh những nỗ lực trong công tác phòng chống tội phạm vi phạm luật bảo vệ loài hoang dã.

Phát biểu tại họp báo, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc nhấn mạnh, buôn bán động vật hoang dã trái phép đưa nhiều loài đến bờ tuyệt chủng trong khi gây ra các nguy cơ đối với môi trường, kinh tế, phát triển và an ninh.

Nó ảnh hưởng đến một diện rộng các loài động vật có vú, bò sát, chim, côn trùng, động vật lưỡng cư và nhiều loài trong số này nằm trong nhóm bị đe dọa cấp toàn cầu. Các báo cáo và dữ liệu đã chỉ ra việc săn bắt, vận chuyển, buôn bán trái phép ngà voi, sừng tê giác và các sản phẩm có nguồn gốc từ hổ đang khiến cho những loài mang tính biểu tượng này nằm trong nguy cơ tuyệt chủng.

Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, năm 2015, trong một Nghị quyết mang tính bước ngoặt, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã kêu gọi các nước tuyên bố buôn bán động vật hoang dã là hành vi tội phạm nguy hiểm.


 Nhiều loài động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng

Liên hợp quốc đang thực hiện một chương trình nghị sự đầy tham vọng nhằm công nhận buôn bán động thực vật hoang dã là một loại tội phạm nguy hiểm và là mối đe dọa đối với sự phát triển bền vững. Các mục tiêu phát triển bền vững mới của Liên hợp quốc đã có một trọng tâm rõ ràng vào việc bảo vệ sự hòa hợp của hệ sinh thái bằng cách nhắm tới tội phạm môi trường diễn ra ở cả trên bộ và trên biển.

Đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đã nhận thức rõ những thách thức và đang từng bước giải quyết vấn nạn buôn bán động thực vật hoang dã, Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc khẳng định, Liên hợp quốc tại Việt Nam đã và đang hợp tác rất chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam, các tổ chức trong nước và quốc tế trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm vi phạm luật bảo vệ loài hoang dã thông qua rất nhiều các sáng kiến đa dạng.

Chia sẻ thông tin về hoạt động thực thi pháp luật của các lực lượng Công an Việt Nam về bảo vệ động thực vật hoang dã, Trung tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho biết, đấu tranh chống buôn bán trái phép động thực vật hoang dã đã luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, chỉ đạo.

Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác quản lý nhà nước, phòng ngừa đấu tranh chống nạn buôn bán trái phép động thực vật hoang dã, đặc biệt là Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 20/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo và thực hiện các biện pháp kiểm soát, bảo tồn loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm. Mức hình phạt đối với tội phạm vi phạm luật bảo vệ loài hoang dã ở Việt Nam đã được tăng lên trong Bộ Luật hình sự sửa đổi năm 2015 và có hiệu lực thi hành ngày 1/7/2016.

Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Bộ Công an đã thành lập các lực lượng chuyên trách đấu tranh với tội phạm buôn bán động thực vật hoang dã như: Cảnh sát môi trường; Cảnh sát phòng chống tội phạm về buôn lậu, có chức năng đấu tranh chống các hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động thực vật hoang dã. Bộ Công an tham gia hưởng ứng có hiệu quả các chiến dịch do các tổ chức quốc tế và Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế Interpol phát động….

Đề xuất một số giải pháp liên quan đến buôn bán động thực vật hoang dã ở Việt Nam, ông Christopher Batt, Quản lý Văn phòng Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam nên nhìn xa hơn việc bắt giữ và xử phạt hành chính trong cuộc chiến chống tội phạm liên quan đến động thực vật hoang dã.

Bởi việc thu giữ được thực hiện trong trường hợp không bắt giữ và kết tội được người tổ chức và người cung cấp tiền cho tội phạm liên quan đến động thực vật hoang dã, sẽ không có tác động thực sự lên việc buôn bán trái phép. Các cơ quan chức năng cần phối hợp điều tra toàn diện, thành lập các đội điều tra liên ngành, không chỉ liên quan đến hải quan và các cơ quan thực thi pháp luật rộng hơn mà cần có sự tham gia của các cơ quan chống tham nhũng và các đơn vị kinh tế khác.

Việt Nam nên xem xét việc sử dụng các hình thức tấn công tội phạm khác để điều tra và truy tố tội phạm liên quan đến động thực vật hoang dã bao gồm: tội phạm về tham nhũng, trốn và gian lận thuế, vi phạm luật hải quan và buôn lậu.

Việt Nam cần tăng cường luật pháp quốc gia để ngăn cấm và hình sự hóa việc sử hữu bất kỳ loài động thực vật hoang dã nào, bộ phận hoặc sản phẩm của chúng được khai thác và buôn bán bất hợp pháp cho dù ở Việt Nam hay bất cứ nơi nào trên thế giới.

Các cán bộ hải quan, cán bộ kiểm soát biên giới cần tăng cường năng lực để phát hiện buôn bán quốc tế động thực vật hoang dã bất hợp pháp ngay tại cửa khẩu và tăng cường hợp tác quốc tế.

Tại họp báo, đại diện Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng cục Hải quan Việt Nam đã trả lời một số câu hỏi mà báo chí quan tâm.

TTXVN/Hồng Điệp

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›