Vụ đại án ngân hàng: Phạm Công Danh lĩnh 30 năm tù giam

Thứ Sáu, 09/09/2016 20:47 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 9/9, sau gần 2 tháng xét xử và nghị án, phiên tòa xét xử sơ thẩm 36 bị cáo trong vụ án làm thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) đã kết thúc với phần tuyên án.

Đây được xem là vụ đại án ngân hàng có số tiền thất thoát lớn nhất từ trước đến nay.


Bị cáo Phạm Công Danh được dẫn giải đến tòa để tuyên án (Ảnh: Mạnh Linh -TTXVN)

Tuyên phạt Phạm Công Danh 30 năm tù giam

Theo Hội đồng xét xử, sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận phương án tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín (TrustBank), ông Phạm Công Danh, sinh năm 1965, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị VNCB, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Thiên Thanh đã mua lại cổ phần của nhóm cổ đông Phú Mỹ và lên nắm quyền kiểm soát, tái cấu trúc Đại Tín khi đang làm ăn thua lỗ (âm vốn 2854 tỷ, lỗ lũy kế trên 6.000 tỷ) và đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam.

Phạm Công Danh đã chỉ đạo cấp dưới thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và VNCB thực hiện hàng loạt hành vi phạm tội. Tính đến thời điểm khởi tố vụ án (26/7/2014), dưới sự điều hành của Phạm Công Danh, VNCB đã bị âm vốn hơn 18.000 tỷ; Phạm Công Danh và các đồng phạm đã gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 9.000 tỷ đồng.

Cụ thể, bị cáo Phạm Công Danh đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện lập hồ sơ khống về việc nâng cấp hệ thống Corebanking gây thiệt hại cho Ngân hàng xây dựng 63 tỷ đồng; chỉ đạo, tổ chức thực hiện lập hồ sơ khống về việc thuê trụ sở tại 268 Tô Hiến Thành và 816 Sư Vạn Hạnh, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh gây thiệt hại 581,6 tỷ đồng.

Cùng với đó, chỉ đạo rút 5.190 tỷ đồng tại VNCB nhưng không được sự đồng ý và không có chữ ký của chủ tài khoản Trần Ngọc Bích tại VNCB trên các Ủy nhiệm chi và rút 300 tỷ đồng tại VNCB không có hồ sơ vay (liên quan đến 6 sổ tiết kiệm của 3 cá nhân thuộc nhóm Trần Ngọc Bích); chỉ đạo việc phát hành, ủy thác đầu tư trái phiếu trái quy định, gây thiệt hại cho VNCB 903 tỷ đồng.

Tổng thiệt hại ở các hành vi trên của Phạm Công Danh là hơn 7.000 tỷ đồng.

Bị cáo Phạm Công Danh đã chỉ đạo Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương, Nguyễn Quốc Viễn, Hoàng Đình Quyết và các đồng phạm sử dụng pháp nhân của 12 công ty để xây dựng các bộ hồ sơ kinh doanh mua bán nguyên vật liệu khống, phương án trả nợ khống.

Sử dụng các lô đất thuộc Sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng) và lô đất tại 209 Trường Chinh, Đà Nẵng (thực chất là đất của Tập đoàn Thiên Thanh), chỉ đạo định giá nâng giá trị các lô đất lên nhiều lần làm tài sản đảm bảo.

Chỉ đạo sử dụng tiền vay trái với phương án và mục đích kinh doanh; chỉ đạo 15 cá nhân chuyển khoản hoặc rút tiền mặt trái phép bằng các hồ sơ vay VNCB với số tiền là 4.700 tỷ đồng để trả nợ cho BIDV 2.600 tỷ đồng (thay cho các Công ty của Tập đoàn Thiên Thanh vay trong khoản vay 4.700 tỷ đồng của BIDV).

Trả 500 tỷ đồng cho nhóm Trần Ngọc Bích (của cá nhân ông Phạm Công Danh); trả nhóm Phú Mỹ 135 tỷ đồng (cho việc mua cổ phần ngân hàng Đại Tín); số còn lại 1.465 tỷ đồng, Phạm Công Danh khai chi chăm sóc khách hàng nhưng không giải trình được cụ thể.

Tổng cộng gây thiệt hại cho VNCB hơn 2.000 tỷ đồng.

Hội đồng xét xử cho rằng, căn cứ vào chứng cứ vụ án và quá trình xét hỏi tại tòa đã đủ cơ sở chứng minh những hành vi phạm tội của bị cáo Phạm Công Danh và đồng phạm.

Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tuyên phạt bị cáo Phạm Công Danh 18 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", 20 năm tù về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng"; tổng hình phạt là 30 năm tù giam tính từ ngày 29/7/2014.

Về trách nhiệm dân sự, Hội đồng xét xử tuyên buộc bị cáo Phạm Công Danh và Công ty Tập đoàn Thiên Thanh liên đới bồi thường hơn 6.000 tỷ đồng các gốc và lãi cho VNCB.

Được xác định là những người tích cực tham gia họp bàn, tổ chức triển khai thực hiện, giúp sức cho Phạm Công Danh đối với tất cả các hành vi của Danh để rút tiền, hai bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng Giám đốc VNCB) và Mai Hữu Khương (nguyên Giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn) phải liên đới chịu trách nhiệm trên 7.000 tỷ đồng mà VNCB bị thiệt hại.

Bị cáo Hoàng Đình Quyết (Phó Giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn, Giám đốc VNCB Chi nhánh Lam Giang) là người tham gia thực hiện việc rút 5.190 tỷ đồng tại VNCB nhưng không được sự đồng ý và không có chữ ký của chủ tài khoản Trần Ngọc Bích tại VNCB trên các ủy nhiệm chi; tham gia thực hiện việc phát hành, ủy thác đầu tư trái phiếu trái quy định để rút tiền cho Phạm Công Danh sử dụng như đã nêu trên, gây thiệt hại cho VNCB. Hoàng Đình Quyết phải liên đới chịu trách nhiệm với số tiền là trên 6.000 tỷ đồng.

Hội đồng xét xử tuyên phạt các bị cáo Phan Thành Mai 22 năm tù, Mai Hữu Khương 20 năm tù, Hoàng Đình Quyết 19 năm tù về hai tội danh "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".

Hội đồng xét xử cũng tuyên phạt 32 bị cáo còn lại về một trong hai tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" hoặc "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” mức án thấp nhất là 3 năm tù treo (thời gian thử thách 5 năm) đến cao nhất là 9 năm tù giam.

Khởi tố vụ án đối với ban lãnh đạo của Ngân hàng Đại Tín

Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã ra quyết định khởi tố vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", khởi tố bị can đối với bà Phạm Thị Trang (thường gọi là Trang Phố Núi, đã xuất cảnh), bà Hứa Thị Phấn (cổ đông đại diện nhóm Phú Mỹ của Ngân hàng Đại Tín ), ông Hoàng Văn Toàn (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Đại Tín) để điều tra về những sai phạm khi điều hành ngân hàng này trước khi chuyển giao cho Phạm Công Danh.

Hội đồng xét xử kiến nghị Cơ quan điều tra Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao điều tra làm rõ hành vi của ông Nguyễn Việt Hà (Tổng giám đốc Công ty Quỹ Lộc Việt) về những dấu hiệu sai phạm trong việc phát hành trái phiếu khống giúp Phạm Công Danh rút hơn 900 tỷ của VNCB.

Kiến nghị điều tra làm rõ sai phạm của những thành viên Ngân hàng Nhà nước đã tham mưu để Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng chấp thuận việc tái cơ cấu ngân hàng của Phạm Công Danh.

Kiến nghị điều tra những sai phạm liên quan đến việc cho vay của Ngân hàng BIDV với Phạm Công Danh; kiến nghị điều tra trách nhiệm của ông Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch ngân hàng Đại Dương); kiến nghị điều tra Lưu Trung Kiên (nguyên phó giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) để tránh bỏ lọt tội phạm.

Hội đồng xét xử cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ việc tái cơ cấu ngân hàng thương mại yếu kém để tránh xảy ra trường hợp tương tự. Đối với những sai phạm đã được khởi tố nhưng tách ra để điều tra tiếp ở giai đoạn 2 của vụ án, đề nghị Cơ quan điều tra tiếp tục điều tra làm rõ.

Để đảm bảo khắc phục hậu quả của vụ án, Hội đồng xét xử tuyên thu hồi nhiều khoản tiền vật chứng trong đó có khoản tiền 5.190 tỉ đồng mà bị cáo Phạm Công Danh đã chỉ đạo Quyết chuyển khỏi tài khoản của bà Trần Ngọc Bích.

Đây là khoản tiền mà nhóm bà Bích vay của VNCB ngày 21 và 26/8/2013, sau đó Phạm Công Danh chỉ đạo Hoàng Đình Quyết chuyển từ tài khoản của bà Trần Ngọc Bích – Giám đốc Công ty TNHH Tân Hiệp Phát đến các tài khoản do Phạm Công Danh chỉ định để Danh chuyển vào tài khoản ông Trần Quý Thanh – Chủ tịch tập đoàn Tân Hiệp Phát. Từ đó, ông Thanh dùng khoản tiền này tất toán các khoản vay trước đó của nhóm bà Bích tại VNCB.

Theo Hội đồng xét xử, về bản chất số tiền này đã luân chuyển trái pháp luật, là vật chứng của vụ án nên cần phải thu hồi ngược từ ông Thanh để trả lại cho VNCB. Như vậy, đến nay do 5.190 tỉ đồng bị thu hồi nên bị cáo Danh còn nợ nhóm bà Bích đúng số tiền này, do giới hạn xét xử nên khoản tiền này sẽ được tách ra bằng một vụ kiện dân sự khác nếu nhóm bà Bích có yêu cầu.

Ngoài ra, Hội đồng xét xử tuyên buộc Công ty Quỹ Lộc Việt nộp lại 3 tỉ đồng; bà Hứa Thị Phấn nộp lại tổng cộng 948 tỉ đồng; ông Trần Quý Thanh 362 tỉ đồng; Trần Ngọc Bích nộp lại 72 tỉ đồng cho VNCB.

Nếu có tranh chấp, những người liên quan sẽ giải quyết ở một vụ án khác nếu có yêu cầu.

Theo Hội đồng xét xử, đối với các tài sản là đất và tài sản gắn liền với đất để đảm bảo các khoản vay tại VNCB cần tiếp tục kê biên để đảm bảo thi hành nghĩ vụ bồi hoàn của Phạm Công Danh, giao cho VNCB tiếp tục quản lý.

Các tài sản đang dùng để đảm bảo khoản vay ở Ngân hàng Phương Nam, nay là Ngân hàng Sacombank xét cần giải tỏa kê biên để giao cho Sacombank thu hồi các khoản nợ của Phạm Công Danh.

Các tài sản đang dùng để đảm bảo khoản vay ở Ngân hàng Agribank xét cần giải tỏa kê biên giao cho Agribank xử lý tài sản. Phần tài sản dư ra sau khi các ngân hàng đã xử lý các khoản nợ của Phạm Công Danh nếu có sẽ chuyển cho Cơ quan thi hành án để khắc phục thiệt hại của vụ án.

Các tài sản không dùng để thế chấp cho các khoản vay của Phạm Công Danh cần tiếp tục kê biên để đảm bảo thi hành nghĩa vụ của bị cáo, nếu có tranh chấp thì không thuộc thẩm quyền giải quyết của vụ án mà xử lý ở một vụ án khác nếu các bên liên quan có yêu cầu.

Hội đồng xét xử cũng tuyên giải tỏa kê biên 124 sổ tiết kiệm của nhóm Trần Ngọc Bích nhưng giao cho VNCB quản lý để giải quyết những quan hệ vay mượn giữ đôi bên.

Đối với 182 tài khoản bị cáo Phạm Công Danh và Công ty Tập đoàn Thiên Thanh đang được phong tỏa tại 21 ngân hàng thì số tiền này phải được kê biên để Cơ quan chức năng để đảm bảo thi hành án.

TTXVN/Nguyễn Chung

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›