(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 31/10, trao đổi với phóng viên TTXVN tại hiện trường, ông Nguyễn Quảng, Phó Chủ tịch phụ trách UBND huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) cho biết, hiện nay toàn bộ xã Phước Lộc đã bị cô lập, mất liên lạc hoàn toàn.
Phước Lộc là xã đã báo cáo về vụ hàng loạt vụ sạt lở đất, lũ quét dẫn đến 11 người dân bị vùi lấp tại thôn 3, 2 cán bộ xã bị tử vong tại thôn 1 từ ngày 29/10.
Ông Nguyễn Quảng thông tin: “Đường vào xã Phước Lộc đã bị hư hỏng nặng, không thể ra vào, xã mất điện nhiều ngày nay nên không còn liên lạc được bằng điện thoại. Theo báo cáo cuối ngày 29/10 của lãnh đạo xã, đã tìm được 5 thi thể, 8 người hiện vẫn mất tích do bị vùi lấp. Trong các ngày 29, 30/10 chúng tôi đã cử nhiều đoàn băng rừng, vượt suối để cố gắng tìm đường vào xã nhưng đến nay vẫn không thể tiếp cận. Hiện nay không thể nắm được tình hình thiên tai, đời sống của người dân trong xã”.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam, Trưởng ban Chỉ đạo tiền phương tìm kiếm cứu nạn tại huyện Phước Sơn, các báo cáo trước của xã thì đây không chỉ là sạt lở đất mà là một vụ lũ quét, rất nguy hiểm cho người dân địa phương và lực lượng tìm kiếm cứu nạn. Đường vào xã bị sạt lở nghiêm trọng nhiều điểm, nếu thời tiết thuận lợi cũng phải mất hàng tuần, nếu mưa phải mất cả tháng mới có thể thông đường vào đến xã Phước Lộc. Tiếp cận xã bằng cách băng rừng cũng rất khó khăn, nguy hiểm, chúng tôi đã thử nhiều lần nhưng chưa thành công”.
- Vụ sạt lở đất ở Nam Trà My: Tìm thấy thêm hai thi thể nạn nhân ở thôn 1, xã Trà Leng, thêm điểm sạt lở ở xã Trà Mai
- Vụ sạt lở tại huyện Phước Sơn - Quảng Nam: Lũ quét cản trở việc tìm kiếm, cứu nạn
- Vụ sạt lở tại Nam Trà My - Quảng Nam: 21 người ở Trà Leng và Trà Vân thoát nạn
Trước khi bị mất liên lạc, UBND xã Phước Lộc báo cáo còn dự trữ khoảng 4 tấn gạo, ngoài ra rất nhiều lương thực, thực phẩm của người dân đã bị cuốn trôi. Bên cạnh việc tìm kiếm người bị mất tích do sạt lở, xã cũng đã chủ động lo nơi ăn ở an toàn cho người dân.
Xã Phước Lộc là xã vùng cao đặc biệt khó khăn, với tổng cộng 904 nhân khẩu, chủ yếu làm nông nghiệp, là một trong những xã nhiều hộ nghèo nhất trong huyện Phước Sơn. Tại thôn 3, xã Phước Lộc, nơi xảy ra vụ sạt lở, người dân chủ yếu làm nghề nuôi ong rừng, trồng cây dược liệu nên rất gìn giữ, quý trọng cây rừng.
Trước đó, như TTXVN đã đưa tin, do ảnh hưởng bão số 9, trên địa bàn xã Phước Lộc có mưa lớn, khiến nhiều khu vực trong xã bị sạt lở. 14 giờ chiều 28/10, một vụ sạt lở đã xảy ra tại thôn 3 (thôn 6 cũ) xã Phước Lộc, khiến hàng chục người mất tích. Địa điểm sạt lở cách UBND xã hàng chục cây số, không có sóng điện thoại nên cán bộ thôn đã phải băng rừng nhiều giờ để báo cáo với chính quyền xã./.
Quốc Dũng - TTXVN
Tags