Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Vườn Quốc gia Tràm Chim cho biết, các loài động thực vật quí hiếm nguy cơ mất dần là do ảnh hưởng biến đổi khí hậu gây lũ lụt, hạn hán, cháy rừng, xói mòn, sụt lở đất, dịch cúm và ngoại lai xâm hại sẽ thúc đẩy sự suy thoái đa dạng sinh học nhanh hơn, tăng nguy cơ tuyệt chủng của động, thực vật, làm biến mất các nguồn gen quí hiếm, bệnh dịch mới có thể phát sinh.
Biến đổi khí hậu làm thay đổi chuỗi thức ăn của cá, trong đó nhiệt độ đóng vai trò quan trọng trong quá trình sinh trưởng và phát triển của sinh vật nói chung và các loài thủy sản nói riêng. Thay đổi nhiệt độ còn là điều kiện phát sinh của nhiều loài dịch bệnh. Những loài dịch bệnh này thường xảy ra và lan truyền rất nhanh cho nên mức độ rủi ro rất cao. Ngoài ra, biến đổi khí hậu còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến điều kiện sống của một số loài chim di cư đặc biệt là sếu đầu đỏ. Sếu đầu đỏ sẽ lập tức bỏ bãi nếu thiếu nước uống hoặc thức ăn...
Nhằm giải quyết tình trạng trên, tỉnh Đồng Tháp đã có những giải pháp khả thi để ứng phó làm giảm tác động của biến đổi khí hậu, cùng với các chính sách, đề án, dự án phát triển dân cư vùng đệm nhằm cải thiện cuộc sống cho người dân, giảm được tình trạng xâm nhập khai thác trái phép tài nguyên, chăn thả gia súc và săn bắn động vật hoang dã.
UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch và đầu tư 208 tỷ đồng cho việc bảo tồn và phát triển bền vững Vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2013-2020.
Theo đó, mục tiê u và nhiệm vụ quan trọng của Quy hoạch này là bảo vệ và bảo tồn khu rừng đặc dụng với các cảnh quan tiêu biểu, các hệ sinh thái đất ngập nước đặc thù, các loài động, thực vật quý, hiếm của vùng Đồng Tháp Mười, như một mẫu chuẩn quốc gia về một vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế của một khu Ramsar quốc tế.