(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 3/3, ngày thứ 5 diễn ra phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương - Oceanbank) và các đồng phạm được tiếp tục với việc phần thẩm vấn các bị cáo nhằm làm rõ hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” do có liên quan đến chủ trương chi lãi ngoài đối với khách hàng gửi tiền.
Hội đồng xét xử đã tập trung làm rõ từng hành vi chi lãi ngoài hợp đồng tiền gửi của nhóm bị cáo từng giữ chức Giám đốc các khối và Giám đốc các chi nhánh của Oceanbank.
Bị cáo Hà Văn Thắm trước vành móng ngựa. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN
Ở hành vi “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, Hà Văn Thắm cùng 44 bị cáo (đều từng là cán bộ dưới quyền) lần lượt bị xem xét về việc chi lãi suất tiền gửi ngoài hợp đồng trái quy định của Ngân hàng Nhà nước. Hành vi của 45 bị cáo này được xác định là đã gây thiệt hại cho Oceanbank hơn 1.576 tỷ đồng.
Để làm rõ từng khoản tiền bị thiệt hại cụ thể tương ứng với việc chi trả lãi suất ngoài hợp đồng ở cấp chi nhánh, Hội đồng xét xử đã tiến hành thẩm vấn bị cáo Nguyễn Thị Kiều Liên (nguyên Giám đốc Oceanbank Chi nhánh Vũng Tàu).
Nói về những khó khăn trong việc huy động vốn và áp lực công việc, bị cáo Liên giãi bày bối cảnh thị trường năm 2011 rất khó khăn, xe của ngân hàng và khách luôn đứng chờ ở cửa lấy tiền, thậm chí người của nhiều ngân hàng khác liên tục đứng ở quầy chờ lấy tiền. Lúc đó, bị cáo chỉ nhận thức được việc chi lãi ngoài là “chăm sóc khách hàng” để giữ chân họ.
Trong khi đó, Hà Văn Thắm tuyên bố: “Nếu anh chị nào không huy động được tiền, không làm được việc thì đứng ra một bên cho người khác làm." Và thực tế là nhiều người đã phải điều chuyển hoặc không giữ được công việc của mình.
Bị cáo Liên cho biết thêm khi quyết định chi lãi ngoài để giữ chân khách hàng, Hà Văn Thắm luôn nói sẽ có nguồn hợp lý để hỗ trợ cho chi nhánh nên các nhân viên rất tin tưởng. Việc chi lãi ngoài là thực hiện theo chủ trương của lãnh đạo, tuy nhiên bị cáo không biết nguồn tiền đó từ đâu, được chuyển với mục đích gì.
Bị cáo Liên cũng như nhiều bị cáo khác đã liên hệ với khách hàng để thu lại khoản tiền đã chi, thậm chí nhiều người còn phải bán nhà đi để lấy tiền khắc phục hậu quả. Các bị cáo xin tòa xem xét giảm nhẹ trách nhiệm vì các bị cáo không hề có mục đích tư lợi cá nhân trong việc này.
Theo bị cáo Nguyễn Hoài Nam (nguyên Giám đốc Khối nguồn vốn của Oceanbank), từ 7/9/2011, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Oceanbank Hà Văn Thắm đã ra chỉ thị dừng chi trả việc chi ngoài lãi suất. Tuy nhiên sau đó, tình hình trong nước khá khó khăn, Ngân hàng Nhà nước đặt mức trần lãi suất là 14% trong khi lạm phát đang ở mức 18%, khách hàng gửi tiền tiết kiệm rất mong có được một số tiền thực dương nhưng với mức lãi suất đó, khách hàng không muốn gửi tiền ở ngân hàng.
Thời điểm ấy, để huy động được nguồn vốn, nhiều ngân hàng chấp nhận chi lãi ngoài để chăm sóc khách hàng. Nhân viên Oceanbank lúc đó phải chứng kiến cảnh xe chở tiền của ngân hàng khác đậu trước cửa ngân hàng mình chuyển tiền của khách hàng lên xe mang đi.
Sự việc này diễn ra không chỉ 1, 2 ngày mà trong 6-9 tháng, cho đến thời điểm số dư huy động tiết kiệm giảm trầm trọng. Sự việc vượt quá sức chịu đựng của Ban lãnh đạo cũng như các anh chị em nhân viên. Lúc đó, Hà Văn Thắm quyết định theo chân các ngân hàng khác, ký quyết định thực hiện chủ trương chi ngoài lãi suất cho khách hàng nhằm cứu ngân hàng không bị phá sản, mất thanh khoản.
Bị cáo Nguyễn Hoài Nam xin Tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo từ lãnh đạo tới nhân viên bởi hành động đó xuất phát từ việc muốn cứu ngân hàng chứ không nhằm mục đích gây thiệt hại cho ngân hàng.
Bị cáo Nguyễn Hoài Nam cũng xác nhận việc trình Nguyễn Minh Thu (nguyên Tổng Giám đốc Oceanbank) phê duyệt, chuyển cho Bộ phận kế toán hạch toán chuyển tiền cho các chi nhánh để chi lãi ngoài cho khách hàng. Nguyễn Hoài Nam bị liên đới chịu trách nhiệm hơn 127 tỷ đồng.
Lời khai của các bị cáo Nguyễn Thị Nga (nguyên Kế toán trưởng Oceanbank), Nguyễn Thị Thu Ba (nguyên Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ Oceanbank)... đều xác nhận việc Oceanbank thực hiện chủ trương chi lãi ngoài lúc đó đều xuất phát từ những lý do như bị cáo Nguyễn Hoài Nam trình bày. Các bị cáo này cũng xác nhận có tham gia vào việc chi lãi ngoài cho khách hàng theo chỉ đạo của cấp trên.
Bị cáo Nguyễn Quốc Chiến (nguyên Giám đốc Oceanbank Chi nhánh Sài Gòn) trình bày sau khi tiếp nhận chủ trương chi lãi ngoài, chi nhánh đã chi 19 tỷ đồng trong đó 7 tỷ đồng đã chi cho các doanh nghiệp. Trong số tiền này, bị cáo đã trực tiếp chi khoảng 7 tỷ đồng. Sau khi cùng đồng nghiệp đi năn nỉ thì một số doanh nghiệp đã trả lại tiền cho chi nhánh. Tổng số tiền trả lại khoảng 216 triệu đồng.
Ngày hôm qua (2/3), bị cáo cũng nhận được thông tin một doanh nghiệp đã trả cho chi nhánh gần 700 triệu đồng. Bị cáo Chiến mong không hình sự hóa sự việc để các bị cáo còn được tiếp tục làm việc.
Trong phần thẩm vấn bị cáo Hà Văn Thắm về chính sách chi lãi ngoài, bị cáo Thắm cho biết chủ trương này bắt đầu từ năm 2009 kể từ khi bị cáo Nguyễn Xuân Sơn về Oceanbank nắm chức danh Tổng Giám đốc. Tiền chi lãi ngoài gồm nhiều nguồn, khi thì tiền túi của bị cáo Thắm bỏ ra 6-7 tỷ đồng, tiền từ Công ty BSC, tiền tạm ứng từ Oceanbank…
Tại phần trình bày của mình, Hà Văn Thắm cũng xin Hội đồng xét xử xem xét cho nhân viên dưới quyền của mình.
Bị cáo Thắm cho rằng về vấn đề nghiệp vụ, khi sử dụng hệ thống Corebanking, việc phê duyệt theo chức năng mà cáo buộc giúp sức là oan cho họ. Trách nhiệm phê duyệt của họ là để báo cáo với cấp trên. Vì có chi hay không chi thì họ vẫn phải phê duyệt. Bị cáo Thắm cho rằng: “Nếu việc phê duyệt của họ mà các cơ quan tố tụng coi là hành vi giúp sức thì không đúng lắm."
Hà Văn Thắm cũng nêu trường hợp của bị cáo Lê Thị Thu Thủy (nguyên Phó Tổng Giám đốc Oceanbank) cũng đã phản đối rất kịch liệt việc rút tiền rồi hoàn ứng. Các bị cáo cũng không được hưởng lợi gì. Họ không giúp sức thực hiện hành vi phạm tội, mà họ chỉ giúp giảm chi phí vượt trần.
Ngày 6/3, phiên tòa tiếp tục với phần thẩm vấn các bị cáo./.
Tags