(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 7/1, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm hai bị cáo nguyên là Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng và đồng phạm về các tội: "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đưa ra các căn cứ buộc tội và các bị cáo đã tự bào chữa cho mình. Trong đó, Viện Kiểm sát đã nêu quan điểm rõ ràng, phân hóa vai trò của từng bị cáo trong vụ án, từ đó, đánh giá đúng tính chất mức độ hành vi phạm tội, xác định các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ quyết định hình phạt tương xứng.
Trong vụ án này, hầu hết các hành vi sai phạm của bị cáo Trần Văn Minh đều diễn ra trong giai đoạn bị cáo giữ chức vụ cao nhất tại UBND thành phố Đà Nẵng, bị cáo hiểu rõ những việc làm của mình, các chủ trương, quyết định của bị cáo không đúng quy định của pháp luật sẽ kéo theo sai phạm của bộ máy hành chính thành phố Đà Nẵng trong việc tổ chức, thực hiện. Do đó, Viện Kiểm sát xác định bị cáo Trần Văn Minh chịu trách nhiệm chính đối với các chủ trương, chỉ đạo trái pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản công, quản lý đất đai tại thành phố Đà Nẵng, do vậy xác định bị cáo phạm tội với vai trò chính, trực tiếp cùng các bị can khác thực hiện hành vi phạm tội.
Cụ thể, bị cáo Minh đã ký ban hành các văn bản, quyết định có nội dung thực hiện chủ trương khai thác quỹ đất và bán nhà công sản quy định cho phép giảm 10% tiền sử dụng đất, chuyển đổi tên nhận quyền sử dụng đất trái pháp luật và nhiều bút phê trực tiếp vào các Tờ trình, kết luận chỉ đạo tại các cuộc họp giao ban giữa Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND thành phố. Từ đó, các bị cáo là cán bộ cấp dưới đã tham mưu, đề xuất, thực hiện các hành vi trái pháp luật trong việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý, nhanh chóng hoàn thành hồ sơ để giúp Phan Văn Anh Vũ, các Công ty của Vũ góp vốn thành lập, điều hành được mua các nhà, đất công sản, trái pháp luật.
Với chức trách, nhiệm vụ được giao, bị cáo Trần Văn Minh biết rõ trong việc xử lý bán nhà đất công sản thuộc sở hữu Nhà nước phải thực hiện các quy định của pháp luật về về mua bán và kinh doanh nhà ở theo quy định tại Nghị định số 61, Quyết định số 09, Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước… Tuy nhiên, bị cáo Minh đã có hành vi cố ý làm trái các quy định nêu trên tạo điều kiện cho bị cáo Phan Văn Anh Vũ và các Công ty của Vũ được nhận 15/18 nhà, đất công sản trái pháp luật gây thiệt hại cho Nhà nước tại 18 nhà, đất công sản với số tiền hơn 2.168 tỷ đồng. Qua đó, đại diện Viện Kiểm sát xác định hành vi của bị cáo Trần Văn Minh đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Đối với 7 dự án bất động sản, bị cáo Trần Văn Minh đã chỉ đạo các đồng phạm thực hiện các hành vi trái quy định của pháp luật về quản lý đất đai như: Giao đất cho cá nhân, doanh nghiệp không qua đấu giá quyền sử dụng đất; áp đơn giá giao quyền sử dụng đất không sát với giá thị trường tại thời điểm; cho phép giảm 10% tiền sử dụng đất là trái với các quy định pháp luật về đất đai. Bị cáo Minh đã cấu kết tạo điều kiện cho Phan Văn Anh Vũ và các doanh nghiệp của Vũ được nhận quyền sử dụng đất tại 6/7 dự án không qua đấu giá. Hậu quả thiệt hại cho Nhà nước tại 7 dự án này là hơn 19.625 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định đủ cơ sở kết luận bị cáo Trần Văn Minh đã phạm vào tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.
Bị cáo Văn Hữu Chiến (nguyên Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng) đã ký ban hành các Quyết định cho phép chuyển nhượng và phê duyệt giá chuyển nhượng các nhà, đất công sản và dự án bất động sản trái quy định của pháp luật, là đồng phạm giúp sức cho bị cáo Trần Văn Minh thực hiện hành vi phạm tội.
Tự bào chữa trước tòa, bị cáo Nguyễn Văn Cán (nguyên Chánh Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng) cho rằng, bị cáo vốn là nhà giáo, luôn làm việc hiểu lý luận, hiểu tư tưởng và không tham của cải, quyền lực. Khi ký các văn bản, bị cáo không nhận tiền. Bị cáo Cán cho rằng, bản thân và các bị cáo trong vụ án này đều đã cống hiến nhiều thời gian, sức lực để xây dựng thành phố Đà Nẵng, kính mong Hội đồng xét xử xem xét đến những cống hiến đó của các bị cáo.
Bị cáo Nguyễn Viết Vĩnh (nguyên chuyên viên, nguyên Trưởng phòng Quản lý đô thị thuộc Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng, nguyên Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa, Sở Giao thông Vận tải thành phố Đà Nẵng) mong Hội đồng xét xử làm rõ chi tiết, khi vụ án xảy ra, bị cáo mới là nhân viên hợp đồng lao động. Đến tháng 12/2011, bị cáo mới thi tuyển dụng công chức. Các văn bản bị cáo Vĩnh soạn thảo là làm theo chỉ đạo của lãnh đạo, bị cáo cũng không ký, không ký nháy vào các văn bản. Về cáo buộc của Viện Kiểm sát rằng bị cáo đã tham mưu, đề xuất để thành phố giao đất cho Công ty cổ phần xây dựng 79, bị cáo Vĩnh cho biết, bị cáo không chủ động tham mưu.
Trong quá trình điều tra, bị cáo đã tích cực hợp tác với Cơ quan điều tra để nhanh chóng làm rõ vụ án. Bị cáo Vĩnh cho rằng, những việc làm sai trái của mình xuất phát từ mong muốn phát triển của thành phố Đà Nẵng, chỉ hoàn thành nhiệm được giao. Từ đó, bị cáo mong Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt vì hành vi vi phạm của bị cáo đến từ những lý do khách quan. Bị cáo Nguyễn Viết Vĩnh cũng bày tỏ mong muốn Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo khác, đặc biệt là các bị cáo trước đây là lãnh đạo thành phố vì những cống hiến của các bị cáo này.
Mong muốn Hội đồng xét xử xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho mình, bị cáo Đào Tấn Bằng (nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng) trình bày về nguyên nhân dẫn đến sai phạm. Bị cáo Bằng thừa nhận đã ký vào một số văn bản, phiếu trình nhưng cho rằng “việc ký là quy trình xử lý hồ sơ công việc mà không hề có động cơ vụ lợi hay cố tình vi phạm Luật đất đai”.
Bị cáo Lê Cảnh Dương (nguyên Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố Đà Nẵng) cảm ơn Viện Kiểm sát đã bổ sung các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo trong bản luận tội. Bị cáo Dương cho biết bị cáo rất ăn năn về những vi phạm của mình. Bị cáo không soạn thảo Thỏa thuận nguyên tắc ngày 16/11/2006 giữa UBND thành phố Đà Nẵng với Công ty Daewon (Hàn Quốc). Bị cáo Dương mong Hội đồng xét xử xem xét cho các lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã có những đóng góp tích cưc, quyết liệt vào việc xây dựng thành phố vào thời điểm tình trạng đầu tư tại Đà Nẵng giảm mạnh. Bị cáo Dương cho biết, trong vụ án này, bản thân chỉ thực hiện, xử lý công việc hành chính, không hề có sự câu kết giữa lãnh đạo thành phố với các sở, ban, ngành trong vụ án này. Bị cáo Dương mong Hội đồng xét xử đánh giá công tâm bởi “nếu bị cáo không xử lý các văn bản thì không hoàn thành chức trách nhiệm vụ của một công chức”.
Chiều 7/1, phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận.
Kim Anh – Nguyễn Cúc/TTXVN
Tags